Thói quen của người đi vay tiêu dùng ở Việt Nam đã dần thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn - Ảnh:Lê Toàn

Thói quen của người đi vay tiêu dùng ở Việt Nam đã dần thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn - Ảnh:Lê Toàn

Tín dụng tiêu dùng: Tiềm năng, nhưng cẩn trọng với rủi ro

(ĐTCK) Nhu cầu tín dụng tiêu dùng của người dân Việt Nam đang ngày một gia tăng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà hồi phục. Vì thế, không chỉ với những công ty tài chính (CTTC) độc lập, mà các ngân hàng cũng từng bước đẩy mạnh thành lập CTTC trực thuộc.

Cạnh tranh trên thị trường tài chính tiêu dùng sẽ ngày càng khốc liệt, nhưng sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Tiềm năng lớn, song rủi ro đối với hoạt động cho vay tài chính, tiêu dùng nhỏ, lẻ cũng không dễ kiểm soát.

Trong 2 năm vừa qua, thị trường tín dụng tiêu dùng chứng kiến nhu cầu của khách hàng cá nhân ngày một tăng, nhưng đồng thời sự cạnh tranh cũng khốc liệt hơn so với trước.

Điều này tạo ra nhiều thách thức cho các CTTC cho vay tiêu dùng, trong đó có Home Credit. Hiện một số ngân hàng đã tham gia vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng sau khi lập CTTC trực thuộc, chẳng hạn như HDFinance của HDBank vừa chuyển đổi thành HDSaison và FE Credit của VPBank.

Trong đó, HDSaison là một tổ chức tài chính có kinh nghiệm, vì họ mua lại CTTC SGVF đã có thâm niên hoạt động lâu năm tại thị trường Việt Nam. Còn FE Credit của VPBank cũng tham gia thị trường một thời gian và đang từng bước đẩy mạnh phát triển. Nhiều ngân hàng khác đang lên kế hoạch thành lập CTTC trực thuộc, một phần vì muốn tiếp cận thị trường tín dụng tiêu dùng, một phần là do yêu cầu từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Mặc dù cạnh tranh khốc liệt nhưng vẫn có những tín hiệu khả quan cho thấy tiềm năng cho vay tiêu dùng còn lớn và thị trường sẽ còn phát triển, cho dù so với các nước châu Á khác, người Việt Nam rất bảo thủ trong việc đi vay tiền mua hàng hóa. Thói quen của người đi vay ở Việt Nam đã dần thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.

Thông qua các chương trình tư vấn tín dụng mà Home Credit đã nỗ lực đem đến cho người tiêu dùng thời gian qua phần nào cho thấy sự thay đổi về cách nhìn cũng như nhận thức của khách hàng về loại hình tín dụng này đã khác nhiều so với trước.

Nhu cầu của khách hàng đối với tín dụng tiêu dùng cá nhân cũng gia tăng lên theo thời gian. Nhưng để có thể có sự thay đổi nhiều hơn thì chỉ một mình Home Credit nỗ lực trong vấn đề này cũng chưa thể đạt được kết quả kỳ vọng, mà thị trường đòi hỏi có thêm nhiều CTTC cho vay tiêu dùng tham gia.

Chỉ khi đó, khả năng nhận thức của người tiêu dùng mới thay đổi ngày càng tích cực hơn. Lúc này, nhiều người sẽ biết đến tín dụng tiêu dùng, đồng thời thị trường và khách hàng cũng có cái nhìn khác về lãi suất tín dụng tiêu dùng.

Để có thể thành công trong lĩnh vực này ở một thị trường mới nổi như Việt Nam trong bối cảnh đã có nhiều CTTC và cả ngân hàng tham gia cho vay, đối với một công ty mới, một người mới tham gia vào thị trường cho vay tiêu dùng trong thời điểm hiện nay sẽ không còn dễ dàng.

Lý do là thị trường hiện đã có nhiều công ty tham gia và các công ty đã có thị phần ổn định. Để giữ vững thị phần, các CTTC phải đầu tư cải thiện sản phẩm dịch vụ và chính người dân sẽ được hưởng lợi. Ngoài ra, người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tín dụng cá nhân nhiều hơn sẽ giúp thị trường tài chính Việt Nam ngày càng phát triển. Kinh nghiệm ở nhiều thị trường đi trước khác đã cho thấy điều này.

Ông Friedrich Weiss, quyền Tổng giám đốc Credit Việt Nam

Rủi ro nợ xấu có dễ kiểm soát?

Tiềm năng của thị trường còn rất lớn, nhưng để khai thác được một cách hiệu quả cũng đòi hỏi các tổ chức cho vay tín dụng tiêu dùng phải có sự đầu tư nhất định. Ở châu Âu, đã có thời kỳ nhiều ngân hàng muốn tham gia vào hoạt động cho vay tiêu dùng với quan niệm là họ đã quản lý khoản vay lớn cho vay trung, dài hạn thì việc quản lý một khoản vay tiêu dùng nhỏ cũng tương tự và họ đã rất tự tin. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mô hình quản lý rủi ro của hai loại hình kinh doanh này hoàn toàn khác nhau. Vì thế, bằng kinh nghiệm của mình, Home Credit thấy rằng, hoạt động cho vay tiêu dùng cần phải được tách ra khỏi các hoạt động cho vay khác của ngân hàng, việc này không chỉ giúp minh bạch chi phí quản trị rủi ro cho ngân hàng mà còn tránh mang lại rủi ro về nợ xấu cho toàn hệ thống. 

Các ngân hàng cũng có thế mạnh trong việc tận dụng mạng lưới và nguồn vốn huy động giá rẻ để cho vay ra, cũng như thương hiệu trên thị trường mà họ đã xây dựng từ rất lâu. Thế nhưng, đó chỉ là những lợi thế mang tính thời điểm. Đối với các ngành tài chính tiêu dùng, những điểm thuận lợi để đi đến thành công chính là hệ thống, nhân viên và mạng lưới bán hàng rộng khắp cùng thời gian duyệt khoản vay nhanh chóng. Nhưng để tạo dựng nên các lợi thế này phải có thời gian.

Trong khi đó, Home Credit đã xây dựng được một mạng lưới điểm bán và đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, đặc biệt là việc phê duyệt khoản vay của Home Credit nhanh chóng, chỉ trong vòng 15 phút. Do vậy, Home Credit tự tin đối mặt với những thử thách này.

Trên thực tế, thị trường đã chứng kiến không ít thất bại của CTTC, và kể cả ngân hàng trong việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, do không kiểm soát được rủi ro nợ xấu. Trong khi đó, Home Credit vẫn duy trì tăng trưởng bền vững tại thị trường Việt Nam trong hơn 7 năm qua.

Kinh nghiệm về quản lý rủi ro cũng như các quy trình quản lý rủi ro của Tập đoàn Home Credit nói chung và Home Credit Việt Nam nói riêng đã được xây dựng rất lâu, cách đây 25 năm dựa trên kinh nghiệm thực tế. Công ty phải thường xuyên đánh giá lại chất lượng danh mục cho vay theo định kỳ hàng tháng, cải tiến và phát triển phương pháp tính điểm tín dụng hiện tại nhằm giám sát rủi ro tín dụng và các chỉ số cảnh báo. Ngoài ra, Home Credit cũng phân tích từng phân khúc sản phẩm dành cho khách hàng vay vốn, nhằm xác định các nhóm khách hàng có rủi ro cao trong hoạt động cho vay theo định kỳ hàng tháng.

Hoạt động cho vay tiêu dùng luôn được đánh giá là tiềm năng, song rủi ro nợ xấu tiềm ẩn không nhỏ. Đó cũng chính là lý do vì sao lãi suất cho vay tiêu dùng được các CTTC áp dụng phải cao hơn lãi suất ngân hàng. Nhưng hiện nhiều người vẫn chưa có cái nhìn chính xác về hoạt động, sản phẩm cũng như mức lãi suất mà các công ty cho vay tiêu dùng, trong đó có Home Credit cung cấp. Bởi đối với cho vay tài chính, tiêu dùng cũng có nhiều sản phẩm và nhiều mức lãi suất áp dụng khác nhau.

Khách hàng của các CTTC thường không đáp ứng được các điều kiện, giấy tờ để tiếp cận với nguồn tín dụng từ ngân hàng. Mặt khác, khoản vay của các CTTC cung cấp ngắn hạn hơn, cho những đối tượng rủi ro hơn nên nói chung, các khoản vay của CTTC có rủi ro cao hơn ngân hàng. Đồng thời, chi phí để quản lý các khoản vay nhỏ cũng sẽ cao hơn so với quản lý một khoản vay lớn . Chẳng hạn, một khách hàng cá nhân vay từ CTTC, với khoản vay 200 USD và 1 khách hàng vay một khoản vay có giá trị 10.000 USD tại ngân hàng thì việc ngân hàng quản lý chi phí một khoản vay đối với 1 khách hàng vay giá trị lớn sẽ thấp hơn nhiều so với việc CTTC phải quản lý đến 50 khách hàng.

Tập trung vào đa dạng hóa các gói vay

Để hạn chế được rủi ro, các CTTC cần tập trung vào những khách hàng có tiềm năng và chứng minh được khả năng trả nợ. Đối tượng khách hàng của Home Credit là những người không tiếp cận được ngân hàng, do thiếu các giấy tờ để chứng minh đủ điều kiện vay ở ngân hàng.

Home Credit đã cố gắng đa dạng hóa sản phẩm của mình, để có nhiều mức lãi suất phù hợp với nhiều nhóm khách hàng khác nhau. Nhóm khách hàng có rủi ro thấp thì sẽ áp dụng lãi suất thấp hơn so với khách hàng có rủi ro cao hơn.

Tại Home Credit đã có sự tăng trưởng đáng kể về cả số lượng khách hàng cũng như doanh số và lợi nhuận sau 7 năm hoạt động, nhưng nợ xấu vẫn được kiểm soát ở mức an toàn. Về quy định thẩm định và quyết định duyệt khoản vay của Home Credit đều được tự động hóa, nên chỉ sau 15 phút, khách hàng sẽ được giải ngân. Đây là kinh nghiệm 25 năm trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng Home Credit Việt Nam. Vì thế, việc kiểm soát rủi ro của Công ty là khá chặt chẽ, dù thời gian giải quyết hồ sơ chỉ trong một thời gian ngắn mà hiện trên thị trường chưa có công ty nào làm được. Nợ xấu của Home Credit Việt Nam không đáng lo ngại, vì Công ty luôn tuân thủ và thậm chí là khá bảo thủ về vấn đề kiểm soát rủi ro nợ xấu. Chiến lược của Home Credit là tập trung vào các khách hàng có chất lượng cao hơn là việc ồ ạt đẩy mạnh cho vay mà không kiểm soát được rủi ro. Vì khi cho vay ồ ạt và thiếu trách nhiệm, nợ xấu không những khó kiểm soát mà ngược lại còn tăng khá nhanh.

Hiện với các khoản vay tín dụng tiêu dùng được Home Credit triển khai đều mang tính minh bạch cao đối với khách hàng. Trước khi đi đến quyết định ký hợp đồng vay vốn của Công ty, khách hàng đã được cung cấp rất đầy đủ các thông tin cơ bản về khoản vay. Ngay cả sau khi ký hợp đồng, nếu khách hàng suy nghĩ lại và không muốn vay nữa thì Home Credit vẫn tạo điều kiện cho khách hàng hủy hợp đồng tín dụng chuyển sang mua thẳng món hàng trong vòng 14 ngày mà không bị phạt một đồng nào.

Chính vì vậy, tỷ lệ khiếu nại từ khách hàng của Home Credit đã giảm so với trước. Điều này cũng cho thấy khách hàng đã ngày một hài lòng hơn đối với dịch vụ và hình thức cấp tín dụng này.

Tin bài liên quan