Làm nghề tín dụng, mấy ai dám khẳng định khoản nợ mình phụ trách không bao giờ phát sinh nợ xấu?

Làm nghề tín dụng, mấy ai dám khẳng định khoản nợ mình phụ trách không bao giờ phát sinh nợ xấu?

Tín dụng tăng chậm, một góc nhìn khác biệt - kỳ 3: Nỗi sợ thường trực của nhân viên tín dụng

(ĐTCK) “Lại một người ra đi, rồi còn bao nhiêu người nữa?”, câu hỏi đầy lo lắng, hoang mang này thường được những người làm trong ngành ngân hàng đặt ra mỗi khi hay tin một cán bộ tín dụng mới bị bắt giam. Không phải họ đang sợ thay cho đồng nghiệp, mà họ đang đối diện với nỗi sợ hãi thường trực của chính mình về nguy cơ rủi ro nghề nghiệp.

  

Bài 3: Nỗi sợ thường trực của cán bộ tín dụng

Trách nhiệm hình sự phát sinh từ nợ xấu

Yếu tố bất ngờ trong rất nhiều vụ án hình sự về vi phạm cho vay là hầu hết cán bộ tín dụng can án thường không có dấu hiệu tư lợi. Không nhận tiền, không vòi vĩnh vật chất đối với khách hàng, nhưng án tù phổ biến đến trên chục năm. Trách nhiệm hình sự trút lên đầu cán bộ tín dụng đều do hậu quả nợ xấu. Trong lĩnh vực ngân hàng, vài tỷ đồng có thể là số tiền nhỏ, nhưng trong lĩnh vực hình sự, vài trăm triệu đồng đã bị coi là hậu quả lớn, dẫn đến kịch khung hình phạt vài chục năm tù.

Nợ xấu gây hậu quả mất tiền thường là con đường ngắn nhất dẫn cán bộ tín dụng đến với trách nhiệm hình sự. Bởi có hậu quả rồi, thì bất kỳ sai sót nghiệp vụ nào của cán bộ tín dụng cũng có thể bị quy kết là nguyên nhân. Hậu quả mất vốn là yếu tố cần, còn sai sót nghiệp vụ là yếu tố đủ để hình thành nên trách nhiệm hình sự. Yếu tố đủ này rất dễ kiếm tìm trong một chặng dài các khâu của nghiệp vụ tín dụng, từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến thẩm định điều kiện vay vốn, tài sản bảo đảm, trình phê duyệt, giải ngân rồi kiểm soát khách hàng vay, kiểm soát mục đích vay, kiểm tra hàng hóa, kho hàng… Chỉ cần một thông tin thiếu chuẩn trong hồ sơ cho vay là cũng đủ coi cán bộ tín dụng không làm tròn trách nhiệm. Chỉ cần không sát sao kiểm soát hàng hóa, ngay cả khi ngân hàng đã giao cho khách hàng toàn quyền tự giác kiểm soát kho hàng cũng là căn cứ quy buộc sai phạm cho cán bộ tín dụng…

Vậy là chỉ cần chờ yếu tố hậu quả mất vốn xảy ra là những trách nhiệm hình sự sẽ ập đến. Trong khi đó, làm nghề tín dụng ngân hàng, ai dám khẳng định món vay mình đang phụ trách sẽ không bao giờ có nợ xấu phát sinh?(!) 

Rủi ro từ quy định nội bộ thiếu chuẩn mực

Tội vi phạm quy định cho vay theo Điều 179, Bộ luật Hình sự đã trở thành khái niệm quen thuộc với cán bộ ngân hàng. Cho vay không có bảo đảm trái quy định, cho vay vượt quá giới hạn và hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay là ba dạng hành vi phạm tội của điều luật này. Thường thì, rất dễ để xác định hai dạng hành vi phạm tội đầu tiên và rất khó để xác định chính xác hành vi phạm tội cuối cùng. Đâu là trường hợp cấm cho vay tín chấp, đâu là giới hạn cho vay, thì quy định của ngành ngân hàng rất rõ ràng, nhưng “hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay” là hành vi nào?

Các quy định pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng thường rất chung chung. Văn bản cao nhất là Luật Các tổ chức tín dụng, hay Quy chế số 1627 của Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ có vỏn vẹn 28 nguyên tắc về nghiệp vụ cho vay.

Thực tế, trong những vụ án hình sự về vi phạm cho vay, đa phần sai phạm được dẫn chiếu tại bản án lại là những vi phạm quy định nội bộ của ngân hàng. Vi phạm quy định nội bộ của ngân hàng cũng bị coi là phạm pháp và dẫn đến trách nhiệm hình sự.

Vậy nhưng, năng lực quản lý bằng quy định của ngành ngân hàng lại là vấn đề rất đáng bàn. Từng có trường hợp, hai quy định nội bộ của một ngân hàng cùng có hiệu lực một thời điểm, cùng về nghiệp vụ cho vay hàng hóa, nhưng có nội dung khác nhau. Quy định thứ nhất thì cho phép cán bộ tín dụng không cần thẩm định trực tiếp tại kho hàng, có thể ủy thác cho bên thứ ba cung cấp dịch vụ. Quy định thứ hai lại yêu cầu cán bộ tín dụng phải đến trực tiếp kho hàng để thẩm định. Thực hiện đúng theo cái thứ nhất, cán bộ tín dụng bị xử tù theo cái thứ hai. Đây là trường hợp đã xảy ra trong một vụ án hình sự của ngành ngân hàng.

Đáng lo ngại nữa là chất lượng thấp của hệ thống quy trình nghiệp vụ tín dụng tại hầu hết các ngân hàng. Thấp từ yếu tố phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ cho đến sự bảo đảm chuẩn mực logic quản trị, hệ thống hóa dữ liệu. Thậm chí, với nhiều ngân hàng, để theo dõi phân biệt được hiệu lực, lĩnh vực áp dụng, số lượng các quy định nội bộ do chính mình đã ban hành còn là điều khó khăn. Đây là mối lo lớn cho cán bộ tín dụng ngân hàng. 

... tới cách xử lý của ngân hàng

Nợ xấu phát sinh, ngân hàng phải tìm cách thu hồi. Nhưng trong nhiều tình huống, thay vì áp dụng những phương pháp thu nợ thông thường, ngân hàng đã lựa chọn tố giác khách hàng ra cơ quan công an, đưa vụ việc ra xử lý hình sự.

Có lẽ ngân hàng đã quên đi một điều, chức năng của cơ quan công an không phải là đi đòi nợ cho ngân hàng. Xem xét hậu quả mất vốn, xác định sai phạm từ phía khách hàng và cả chính ngân hàng mới là trách nhiệm của cơ quan công an khi giải quyết một vụ án hình sự. Vậy là, chưa nói đến việc nợ xấu có thu hồi được hay không, trách nhiệm hình sự đã có nguy cơ phát sinh đối với cán bộ tín dụng.

Được trang bị những kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức phòng ngừa rủi ro pháp lý thực tiễn là điều mà rất nhiều cán bộ tín dụng mong muốn. Sau một thập niên nhân sự ngân hàng ồ ạt tăng trưởng về số lượng, đã đến lúc vì quyền lợi của cán bộ và của chính ngân hàng, mong muốn trên cần được đáp ứng.

Được phòng ngừa rủi ro từ hệ thống quy định nội bộ hợp lý, chuẩn mực cũng là điều mà cán bộ tín dụng mong muốn. Ngân hàng tìm kiếm lợi nhuận từ rủi ro, quản trị rủi ro để tạo ra lợi nhuận. Rủi ro được quản trị bằng yếu tố con người, quy định nội bộ. Rủi ro thì đã được tìm thấy qua những sản phẩm cho vay đa dạng của ngành như cho vay thế chấp hàng tồn kho, cho vay đầu tư máy móc thiết bị, cho vay dự án bất động sản…

Tuy nhiên, để quản trị được rủi ro, dường như ngân hàng vẫn chưa làm đủ việc.

Vậy nên, cán bộ tín dụng ngân hàng vẫn còn phải sợ!

Tin bài liên quan