Các hộ nông dân tham gia vào chuỗi liên kết không còn phải vất vả đi tìm đầu ra cho sản phẩm

Các hộ nông dân tham gia vào chuỗi liên kết không còn phải vất vả đi tìm đầu ra cho sản phẩm

Tín dụng phát triển nông nghiệp: Chia sẻ hài hòa lợi ích và rủi ro

(ĐTCK) Để các nghị quyết đưa ra đều đi vào thực tế cuộc sống, những người làm chính sách cần phải sát sao, trực tiếp chỉ đạo, nhanh chóng đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. 

Thành công của chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ là minh chứng cho nhận định trên

Lợi ích từ việc tham gia chương trình

Nói về Nghị quyết 14, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An nhận định, đây là chính sách hết sức cụ thể, thiết thực, tạo điều kiện quan trọng trong việc xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; gắn kết chặt chẽ giữa người nông dân nuôi cá và DN chế biến, chia sẻ hài hòa lợi ích cũng như rủi ro.

“Hộ nông dân tham gia vào chuỗi liên kết được Agribank cho vay với cơ chế đặc thù từ trước đến này chưa có TCTD nào áp dụng, đó là được vay 90% khoản vay mà không cần bảo đảm bằng tài sản. Đây là một bước đột phá về chính sách ưu đãi đặc biệt đối với ngư dân, nông dân trong sản xuất nông nghiệp”, bà Trinh nói.

Nhưng, quan trọng hơn, theo bà Trinh, đó là việc các hộ nông dân tham gia vào chuỗi liên kết an tâm, không còn phải vất vả, khó khăn lo việc đi tìm nhà máy bán cá như những năm trước đây; được mua thức ăn, thuốc thủy sản theo giá sỉ làm giá thành chăn nuôi giảm đáng kể; được đội ngũ kỹ sư của Công ty Thuận An thường xuyên chăm sóc, trao đổi thông tin thuốc thủy sản, tư vấn để cải tạo vùng nuôi theo hướng VietGAP, GlobalGAP, được Công ty Thuận An bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch…

“Tất cả dòng tiền hoạt động trong chuỗi liên kết đều không sử dụng tiền mặt, toàn bộ được thanh toán chuyển khoản qua tài khoản giao dịch tại Agribank”, bà Trinh chia sẻ.

Đề cập về những lợi ích mang lại từ việc tham gia chương trình cho vay thí điểm, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng giám đốc CTCP Mía đường Sơn Dương cho biết, Công ty có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định với chất lượng đạt yêu cầu nhờ mô hình liên kết chặt chẽ với khoảng 30 nghìn hộ dân bên cạnh vùng nguyên liệu của Công ty. Bên cạnh đó, Công ty cũng tiếp tục cải tiến về công nghệ sản xuất sản phẩm phân bón, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và số lượng phục vụ sản xuất mía nguyên liệu trên địa bàn.

Cụ thể hơn về con số, ông Minh cho biết, sản xuất kinh doanh tiếp tục đạt hiệu quả tốt, tốc độ tăng trưởng khá cao. Doanh thu bình quân tăng 10%/năm. Nộp ngân sách Nhà nước tăng bình quân 7%/năm. Thu nhập bình quân người lao động tăng trung bình 15%/năm. Lợi nhuận sau thuế năm 2014-2015 đạt 7,5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân cán bộ công nhân viên Công ty đạt 4,7 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, tham gia vào chuỗi liên kết giúp các hộ nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất cây mía trên một đơn vị diện tích. Người dân được Công ty cam kết bao tiêu sản phẩm với mức thu mua tối thiểu cố định cao hơn mức bán ngoài thị trường, giúp người dân yên tâm sản xuất (các vụ từ 2015-2020, giá thu mua tối thiểu là 900.000 đồng/tấn), góp phần đảm bảo thị trường đầu ra cho các hộ nông dân trồng mía thông qua việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trực tiếp giữa Công ty và các hộ dân.

“Theo đó, thu nhập bình quân hàng năm từ trồng mía đạt khoảng 54 triệu đồng/1 héc ta, lợi nhuận bình quân đạt 30 triệu đồng/1 héc ta, cao hơn so với giai đoạn trước khi tham gia chương trình cho vay thí điểm. Người dân được Công ty cam kết sẽ giảm trừ lãi vay trồng mía theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong trường hợp các khoản đầu tư do Công ty khai thác được từ các nguồn vốn lãi suất ưu đãi theo chính sách của Nhà nước”,  ông Minh nhấn mạnh. 

Sự sát sao của người làm chính sách

Tại Hội nghị “Đánh giá kết quả triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ”, ông Nguyễn Văn Bình, ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc NHNN đã nói: “Chúng ta có nhiều nghị quyết và chương trình nhưng người nông dân có thực sự được hưởng lợi ích từ nghị quyết hay không phụ thuộc vào khâu tổ chức, triển khai, thực hiện để nghị quyết, chương trình đi vào cuộc sống”.

Thực tế, dưới sự chỉ đạo sát sao trực tiếp của Thống đốc, hệ thống ngân hàng đã nghiêm túc vào cuộc. Ông Lương Phan Sảng, Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, trên cơ sở Quyết định số 2064/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN ngày 14/10/2014 về việc phê duyệt danh sách NHTM và khách hàng tham gia chương trình, Vietcombank Khánh Hòa và Công ty TNHH một thành viên Đường Biên Hòa Ninh Hòa đã tiến hành ký kết hợp đồng nguyên tắc số 02/2014/HĐNT với các nội dung như sau: giá trị hợp đồng 150 tỷ đồng, thời hạn vay 4 tháng/lần nhận nợ, lãi suất vay 5,4%/năm, thấp hơn so với mức lãi suất quy định của chương trình là 6,5%/năm…

“Ngày 25/9/2015, nhận thấy dự án đã được triển khai và đang bước vào thời kỳ ổn định, kết quả từ Chương trình rất khả quan, đem lại hiệu quả cho người dân địa phương và Công ty, Vietcombank Khánh Hòa đã có văn bản gửi NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, đề xuất tăng giá trị hợp đồng vay vốn từ 150 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng và đã nhận được sự chấp thuận của NHNN”, ông Sảng nói.

Để có được đề xuất này, ông Sảng cho biết thêm, Vietcombank Khánh Hòa luôn đồng hành cùng DN trong quá trình triển khai, áp dụng các chính sách ưu đãi tốt nhất, hỗ trợ cán bộ đưa phương tiện vận chuyển cùng DN đến tận nơi chi tiền cho người nông dân. Đồng thời, Vietcombank Khánh Hòa cũng đề xuất DN có các chính sách hỗ trợ người dân ổn định giá mua mía nguyên liệu, áp dụng cơ giới hóa trong chăm sóc và khai thác mía, góp phần tăng năng suất cây trồng và tăng thu nhập cho người dân…

Ông Trương Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, tính đến ngày 18/3/2016, Agribank đã giải ngân vốn cho 11 dự án trong tổng số 13 dự án của 13 DN tại 12 tỉnh, thành phố được NHNN phê duyệt cho vay thí điểm. Doanh số cho vay đạt 1.528,7 tỷ đồng, doanh số thu nợ 875,8 tỷ đồng, dư nợ đạt 652,9 tỷ đồng; lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5,5%/năm đến 6,5%/năm.

“Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, xây dựng nông thôn mới và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng của Chính phủ”, ông Trương Ngọc Anh nói.

Phấn khởi về thành công của chương trình cho vay thí điểm nhưng ông Nguyễn Văn Bình vẫn thẳng thắn, quá trình triển khai, đúc kết cho thấy, điểm nào tốt sẽ được triển khai tiếp, chưa tốt sẽ phải sửa; song song với đó, DN nào đang triển khai tốt sẽ tiếp tục, DN nào không hiệu quả thì cũng phải dừng lại.

“Thời gian tới, tôi sẽ chỉ đạo chương trình này quyết liệt để các chủ trương, chính sách từ chương trình này trở thành hiện thực trong cuộc sống”, Thống đốc NHNN nhấn mạnh.

Ông Vương Bình Thạnh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói: “Thành công của chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ có vai trò to lớn của Thống đốc NHNN khi đã rất sát sao, trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện, tham mưu cho Chính phủ trong việc giải quyết các vướng mắc”.      

Tin bài liên quan