Tính đến 30/9/2014, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 160.000 tỷ đồng

Tính đến 30/9/2014, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 160.000 tỷ đồng

Tín dụng nông thôn “loay hoay” cải thiện

(ĐTCK) Với nhiều chính sách khuyến khích từ Chính phủ và NHNN, bên cạnh Agribank, nhiều ngân hàng thương mại, kể cả khối cổ phần, đã tham gia hỗ trợ tín dụng cho khu vực nông nghiệp - nông thôn. 

Tuy nhiên, các ngân hàng cũng chưa dám mạnh tay đẩy vốn vào khu vực này khi đầu ra của hàng nông sản vẫn gặp khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Trao đổi với ĐTCK, ông Tiết Văn Thành, Thành viên HĐTV, quyền Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, NHNN đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với khá nhiều điểm mới, nhằm khuyến khích dòng vốn chảy mạnh hơn vào khu vực này.

Trong công tác chỉ đạo điều hành, NHNN xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên, là trọng tâm để đầu tư vốn tín dụng. Theo đó, để khuyến khích các TCTD đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, NHNN đã thực hiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các TCTD có dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn lớn (trên 40% tổng dư nợ cho vay của TCTD), tái cấp vốn để hỗ trợ, đảm bảo nguồn vốn cho vay, đồng thời giảm chi phí huy động vốn cho các TCTD.

Bên cạnh đó, NHNN áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên trong đó có nông nghiệp, nông thôn là 8%/năm. Đối với chương trình cho vay khuyến khích liên kết trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp theo các mô hình liên kết, mô hình áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, áp dụng lãi suất cho vay từ 7 - 10,5%/năm; mức cho vay đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn.

Với những nỗ lực từ cơ quan quản lý cũng như các NHTM, ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, tính đến 30/9/2014, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 160.000 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối năm 2013, chiếm tỷ trọng 22%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và chiếm trên 48% tổng dư nợ tại các TCTD trong vùng.

Đặc biệt, NHNN đã tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, trên toàn quốc, NHNN đã phê duyệt cho 27 DN với 30 dự án của 22 tỉnh, thành phố tham gia chương trình này và tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa DN và các NHTM cho vay.

“Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các ngân hàng đã cam kết cho vay đối với 9 DN thực hiện 9 dự án tại 6 tỉnh (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng) với số tiền lên tới trên 2.565 tỷ đồng, dư nợ đến ngày 30/9/2014 đạt gần 594 tỷ đồng”, ông Tuấn chia sẻ. 

… nhưng vẫn khó ở đầu ra của nông sản

Mặc dù những nỗ lực của NHNN và các TCTD là rất lớn nhưng thực tế, hoạt động tín dụng ngân hàng phục vụ nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, song theo ông Tuấn, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để phát triển bền vững trong nông nghiệp còn hạn chế, bao gồm cả quy hoạch nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực. Người dân vẫn giữ thói quen sản xuất theo kiểu truyền thống tự phát, nhỏ lẻ, trong khi đó chuỗi liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo, chưa có các “kênh” phân phối hiệu quả cho sản phẩm nông nghiệp.

“Đặc biệt, vấn đề xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chưa được đầu tư thỏa đáng, từ đó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường quốc tế”, ông Tuấn nhấn mạnh và cho rằng, điều này khiến người nông dân thường xuyên bị tư thương ép giá và điệp khúc “được mùa, mất giá” vẫn diễn ra thường xuyên. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, dự báo thị trường chưa tốt, nên tại nhiều địa phương, tình trạng “chặt trồng, trồng chặt” vẫn tái diễn, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đầu ra bấp bênh khiến dòng tín dụng chảy vào nông nghiệp, nông thôn cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Hệ quả là các ngân hàng cũng không dám mạnh tay đẩy vốn vào khu vực này mặc dù Chính phủ và NHNN đã có nhiều chính sách khuyến khích.

“Đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ DN xuất khẩu trong việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam”, ông Tuấn đề xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng MHB cũng cho biết, MHB vẫn luôn xác định nông nghiệp, nông thôn nói chung và lĩnh vực nuôi, trồng chế biến xuất khẩu lúa gạo, thủy sản và trái cây nói riêng là lĩnh vực ưu tiên cho vay. Đặc biệt là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện dư nợ cho vay của MHB tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang chiếm 45%/tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống của của Ngân hàng. Còn dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của MHB chiếm 74% tổng dư nợ.

“Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, nhằm tạo ra sự liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương trong vùng và với các vùng khác trong cả nước”, ông Tâm nói.    

Tin bài liên quan