Nợ xấu các ngân hàng tại TP. HCM đã được xử lý tích cực

Nợ xấu các ngân hàng tại TP. HCM đã được xử lý tích cực

Tín dụng đang dần được khơi thông

(ĐTCK) Với mục tiêu và quyết tâm đưa tỷ lệ nợ xấu toàn ngành về dưới 3%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xác định cụ thể và giao chỉ tiêu số nợ xấu phải được xử lý cho từng ngân hàng thương mại (gồm tự xử lý thu hồi nợ và bán nợ cho VAMC). Theo đó, các ngân hàng đã xây dựng kế hoạch, biện pháp xử lý chi tiết và nghiêm túc triển khai thực hiện lộ trình xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của NHNN. Kết quả đạt được khả thi khi các ngân hàng đã hoàn tất việc bán nợ xấu cho VAMC trước thời hạn quy định.

Nợ xấu về dưới 3%

Theo chỉ tiêu NHNN giao cho các ngân hàng thương mại (NHTM), đối với số nợ xấu ngân hàng tự xử lý, đến ngày 31/7/2015, nếu ngân hàng không tự xử lý được sẽ phải bán số nợ xấu chưa xử lý được cho VAMC, hoàn tất trong tháng 8 và tháng 9/2015.

Đối với số nợ xấu bán cho VAMC, đến ngày 30/6, ngân hàng phải bán tối thiểu 75% số nợ xấu phải bán cho VAMC và đến 31/8 phải hoàn thành bán 100% số nợ xấu phải bán cho VAMC theo chỉ tiêu được giao. Các NHTM đã tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Báo cáo của các NHTM cổ phần trên địa bàn TP. HCM đến cuối tháng 8/2015 cho thấy, nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố là 52.529 tỷ đồng, chiếm 4,6% tổng dư nợ. Tuy nhiên, nếu trừ nợ xấu của 3 NHTM đã bán lại cho NHNN với giá 0 đồng (VNCB, OceanBank, GPBank) là 20.500 tỷ đồng, nợ xấu trên địa bàn TP. HCM còn 32.029 tỷ đồng, chiếm 2,8% tổng dư nợ.

Tính từ đầu năm đến nay, tổng nợ xấu các NHTM trên địa bàn Thành phố đã bán cho VAMC là 21.400 tỷ đồng so với tổng chỉ tiêu nợ xấu phải bán cho VAMC là 22.200 tỷ đồng, hoàn thành 96,7%; nợ xấu tự xử lý của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố là 5.731 tỷ đồng so với chỉ tiêu NHNN phân giao là 3.100 tỷ đồng, đạt 182%. Với kết quả này, mục tiêu đưa nợ xấu về 3% cuối năm nay là có cơ sở.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng, then chốt của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là xử lý nợ xấu. Trong đó, các khoản nợ xấu liên quan đến 3 NHTM cổ phần đã được NHNN mua lại với giá 0 đồng thường có liên quan đến các vụ án. Do đó, việc xử lý phụ thuộc vào tiến độ xử các vụ án mà các ngân hàng vi phạm.

Tuy nhiên, bản thân từng ngân hàng này đã và đang tự xây dựng phương án xử lý nợ xấu, thông qua từng tổ giám sát hoặc ban kiểm soát đặc biệt đánh giá, nếu đảm bảo hiệu quả, phương án này sẽ được trình lên NHNN để phê duyệt. Mặc dù vậy, vấn đề này đòi hỏi cần có thời gian, không thể trong một thời gian ngắn có thể giải quyết như việc xử lý khoản nợ xấu của một ngân hàng đang hoạt động bình thường.

Bên cạnh đó, những khó khăn trong khâu phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ cũng đang gần được tháo gỡ. Cụ thể, NHNN TP. HCM đã có kiến nghị lên UBND Thành phố để tác động lên cơ quan tòa án, viện kiểm soát, thi hành án để đẩy nhanh tiến độ trong các vụ việc phát mãi tài sản.

Thống đốc NHNN cũng đã ký quy chế phối hợp với Bộ Tư pháp, Tòa án và các bộ ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đảm bảo để hỗ trợ cho quá trình xử lý nợ xấu. Trong quy chế phối hợp cũng đã ghi rõ trách nhiệm của từng cơ quan để hỗ trợ cho quá trình xử lý nợ xấu, nhằm rút ngắn thời gian của quy trình phát mãi tài sản đảm bảo… Mặt khác, với sự hồi phục của thị trường bất động sản hiện nay cũng như kỳ vọng trong thời gian tới sẽ tăng trưởng tốt hơn, sẽ là điều kiện tốt giúp các ngân hàng tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý tài sản, thu hồi nợ.

Tín dụng đang dần được khơi thông ảnh 1

Ông Nguyễn Hoàng Minh  Phó giám đốc NHNN TP. HCM

Lành mạnh hệ thống

Thông tư 14/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC vừa được NHNN ban hành dự báo sẽ có tác động lớn tới hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu qua VAMC, đồng thời tăng thêm lựa chọn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) bán lại nợ xấu, để họ cân nhắc các phương án xử lý nợ xấu và tái tạo, sử dụng nguồn vốn, lợi ích liên quan.

Cụ thể, Thông tư 14 quy định việc VAMC mua lại nợ xấu theo giá trị thị trường bằng phát hành trái phiếu trực tiếp cho TCTD bán nợ xấu, bên cạnh trái phiếu đặc biệt với cơ chế đã có. Với hình thức mới đó, trái phiếu phát hành qua việc mua theo giá trị thị trường thực sự là một tài sản gắn với các lợi ích cụ thể để các TCTD cân nhắc bán lại nợ xấu cho VAMC, nhưng dĩ nhiên phải được tổ chức này chấp thuận mua, xác định giá mua…

Ngoài ra, các TCTD được xác định hệ số rủi ro của trái phiếu là 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, trong khi với trái phiếu đặc biệt là 20%. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các NHTM trong việc giảm dự phòng rủi ro, gia tăng lợi nhuận, đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc.

Mục tiêu của NHNN đưa ra từ đầu năm là kiểm soát nợ xấu xuống dưới 3% và không có NHTM yếu kém vào cuối năm 2015. Trong đó, việc kiểm soát nợ xấu đã và đang được các NHTM đẩy mạnh. Còn về vấn đề xử lý các NHTM yếu kém, NHNN đã xác định được những ngân hàng hoạt động kém hiệu quả trong thời gian qua, nên đang từng bước kiểm soát, kiểm tra, xử lý thận trọng, chỉ đạo chặt chẽ về kết quả hoạt động của những ngân hàng này.

Tuy nhiên, vấn đề M&A cũng tùy thuộc vào nỗ lực khắc phục cũng như điều kiện khắc phục những tồn tại, yếu kém của các ngân hàng và tiến trình xử lý các ngân hàng yếu kém theo Đề án Tái cơ cấu ngành ngân hàng. Mục tiêu xuyên suốt của NHNN là tái cơ cấu toàn hệ thống TCTD, chứ không phải tái cơ cấu riêng lẻ ngân hàng nào, để các ngân hàng đều hoạt động ổn định, phát triển theo định hướng của Chính phủ và NHNN.

Sau hơn 3 năm thực hiện quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại phù hợp với từng loại hình TCTD, những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Quá trình tái cơ cấu các NHTM đã thực hiện được các mục tiêu và theo đúng lộ trình. Thành công nổi bật của quá trình tái cơ cấu là đảm bảo được tính thanh khoản hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ, tạo sự ổn định trong ngành. Đó là cơ sở để ổn định hệ thống tài chính, kinh tế vĩ mô. Những rủi ro hệ thống đã được nhận diện đầy đủ, có biện pháp xử lý, giảm dần, an toàn hệ thống và khả năng chi trả của các NHTM cổ phần được cải thiện rõ nét.

Tín dụng khơi thông

Khi nợ xấu được kiểm soát xuống mức thấp, việc khơi thông dòng chảy tín dụng cũng sẽ tốt hơn. Điều này có nghĩa là quá trình giải quyết nợ xấu phải gắn liền với việc tái cấu trúc hệ thống các NHTM. Trong đó, mục tiêu là thu gọn những NHTM quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém và nợ xấu tăng cao để tạo ra những NHTM cổ phần có quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh cao trong hội nhập với khu vực.

Giải pháp căn bản mang tính chiến lược trong điều kiện hiện nay và tầm nhìn 5 - 10 năm tới của ngành ngân hàng trên địa bàn TP. HCM là tiếp tục nâng cao sức mạnh của hệ thống. Bên cạnh các giải pháp ngắn hạn là tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế, hệ thống ngân hàng phải thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thực hiện điều này không chỉ giúp lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mà còn tạo khả năng tốt nhất đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho kinh tế Thành phố. Đến cuối tháng 8/2015, tăng trưởng tín dụng của các NHTM trên địa bàn TP. HCM đạt 7,1%. Dự kiến cuối quý III sẽ tăng trưởng khoảng 8% so với đầu năm.

Trong quý IV và những tháng đầu năm 2016, thời điểm nhu cầu vốn tín dụng tăng cao, để đảm bảo sản xuất - kinh doanh cũng như dự trữ hàng Tết, các ngân hàng đang tích cực tạo nguồn vốn, phục vụ tốt nhu cầu vốn cho doanh nghiệp. Với tốc độ phục hồi của nền kinh tế, hoạt động của ngân hàng hiện nay, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM trong năm 2015 sẽ hoàn thành chỉ tiêu 13 - 15% mà NHNN giao.  

Tin bài liên quan