Tín dụng đã tăng cao hơn huy động

Tín dụng đã tăng cao hơn huy động

(ĐTCK) Tín dụng tăng tốt ngay từ những tháng đầu năm là một tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đang phục hồi. Song, bức tranh tín dụng những tháng đầu năm vẫn còn nhiều điểm rất đáng lưu tâm, đặc biệt là mối lo ngại nợ xấu gia tăng.

Tín dụng tăng nhanh hơn huy động

Theo tìm hiểu của ĐTCK, tính đến thời điểm hiện tại, huy động vốn mới chỉ đạt khoảng 5%, trong khi tăng trưởng tín dụng đã tăng trên 7% so với cuối năm 2014 (dự kiến cả năm, tăng trưởng tín dụng sẽ vượt mục tiêu đề ra là 13% - 15% và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, có khả năng sẽ điều chỉnh mục tiêu lên 17%).

Mặc dù trước mắt, điều này chưa ảnh hưởng nhiều đến thanh khoản của các ngân hàng, do 2 năm trở lại đây, huy động vốn luôn tăng cao hơn nhiều so với tín dụng, song nếu kéo dài tình trạng này, chắc chắn thanh khoản của hệ thống sẽ bị đe dọa.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Hệ thống ngân hàng Việt Nam luôn nằm trong tình trạng mất cân đối giữa huy động và cho vay, đe dọa an toàn thanh khoản. Những năm vừa qua, do lạm phát tăng cao, NHNN buộc phải thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, kiểm soát lượng tiền cung ứng, tăng mạnh lãi suất điều hành, khống chế chỉ tiêu tín dụng không quá 20%, hạn chế dư nợ phi sản xuất. Nhưng, con số huy động và cho vay trên đây cho thấy, các ngân hàng có vẻ như đang chạy theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng trở lại”.

Rõ ràng thanh khoản của hệ thống đã không còn dồi dào như trước đây, nhất là khi các TCTD phải chuẩn bị nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu của DN những tháng cuối năm nên không mấy mặn mà “ôm vào” trái phiếu Chính phủ.

Cụ thể, trong tuần từ 13 - 17/7, thị trường trái phiếu sơ cấp huy động được 3.492 tỷ đồng trái phiếu trên tổng số 9.000 tỷ đồng gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu giảm đáng kể, xuống 39% so với mức 68% của tuần trước đó. Thị trường trái phiếu thứ cấp từ ngày 13 - 17/7 tiếp tục giảm mạnh khối lượng giao dịch, chỉ đạt bình quân 2.289 tỷ đồng/ngày, giảm 25,7% so với tuần trước.

“Một trong những lý do chính khiến các ngân hàng (được đánh giá là thành viên tham gia thị trường trái phiếu nhiệt tình nhất thời gian qua) không mặn mà với trái phiếu Chính phủ , “bánh ngon” của ngân hàng, là bởi họ đã không còn vốn ế thừa”, giám đốc phụ trách tiền tệ một ngân hàng nhận định. 

Lo ngại nợ xấu gia tăng

Bên cạnh thanh khoản, điều mà giới chuyên môn cũng lo ngại là nợ xấu đang có xu hướng tăng trở lại. Theo số liệu thống kê mới nhất của NHNN, tính đến cuối tháng 3/2015, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD đã tăng lên 3,81%, tăng cao hơn con số 3,24% hồi cuối năm 2014. Tuy nhiên, đó là trước thời điểm ngày 1/4/2015, khi các TCTD phải áp dụng đầy đủ các quy định về phân loại nợ theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN, nên chắc chắn con số nợ xấu còn cao hơn nhiều.

TS. Hiếu nói: “Vốn tập trung vào sản xuất kinh doanh nhiều hơn là điều đáng mừng, thể hiện sự phục hồi của nền kinh tế, nhưng số liệu cho vay cao hơn so với khả năng huy động đương nhiên sẽ dẫn đến rủi ro thanh khoản. Đặc biệt, cho vay nhiều, nhanh hơn sẽ phần nào lơi lỏng chất lượng tín dụng và rủi ro nợ xấu phát sinh”.

Nợ xấu đang là nỗi ám ảnh lớn nhất với ngay cả những ngân hàng lớn, có năng lực quản trị thuộc top đầu Việt Nam như Vietcombank. Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 của Vietcombank cho thấy, nợ xấu của ngân hàng tính đến 30/6 chiếm 2,43%, trong khi năm 2015, mục tiêu khống chế tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,3%. Do tổng dư nợ của Vietcombank lớn nên dù tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%,  đòi hỏi dự phòng rủi ro vẫn không nhỏ.

6 tháng đầu năm, Vietcombank dành một nửa lợi nhuận 2.994 tỷ đồng để trích lập dự phòng và lãi trước thuế sau trích lập còn 3.040 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tính đến 30/6/2015, Vietcombank đã bán cho VAMC 1.018 tỷ đồng nợ xấu.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, chất lượng tín dụng của Vietcombank đang ở mức đáng lo ngại do “nợ xấu khiến trích lập dự phòng rủi ro gia tăng mạnh và lớn nhất từ trước tới nay. Kết quả thu hồi nợ xấu, nợ ngoại bảng rất thấp so với kế hoạch được giao”.

Bên cạnh đó, con số nợ xấu trên còn chưa tính tới số nợ xấu mà các ngân hàng đã “tích cực” bán cho VAMC thời gian qua. Phó Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nói: “Thông tin từ NHNN cho biết, từ 1/1/2015 đến 21/6/2015, VAMC đã duyệt mua gần 33 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tổng dư nợ theo hồ sơ đề nghị tiếp nhận khoảng 49 nghìn tỷ đồng cho thấy, nếu chưa tính đến việc các ngân hàng bán nợ xấu liên tục cho VAMC, con số nợ xấu chắc chắn sẽ còn cao hơn so với thực tế”.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 vừa qua đã yêu cầu NHNN thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm cơ cấu tín dụng phù hợp, trong đó tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; giám sát chặt chẽ khi cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, dự án thu hồi vốn thời gian dài...). Đến ngày 15/7/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-NHNN về việc tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông và Chỉ thị có hiệu lực từ ngày ký.

Tin bài liên quan