Tín dụng cuối năm chờ... bùng nổ!

Tín dụng cuối năm chờ... bùng nổ!

(ĐTCK) Đã có 800.000 tỷ đồng cam kết cho vay được ký, gấp 4 lần cùng kỳ cách đây 2 năm.

Càng về cuối năm, nhu cầu vốn tín dụng càng tăng cao. Nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, các ngân hàng đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất, với mục đích khơi thông dòng chảy tín dụng, đem nguồn vốn giá rẻ đến tay người cần vốn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc dư nợ tín dụng tăng đột biến, bởi khách hàng tốt vẫn khó tìm.

Mùa kinh doanh cao điểm, cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào cuối năm là thời điểm tốt để các ngân hàng đưa ra các gói tín dụng lãi vay ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng, đồng thời tranh thủ tăng trưởng tín dụng trong quý IV. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay đạt hơn 800.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần mức cam kết cho vay mới tại thời điểm cuối năm 2014 (217.000 tỷ đồng). Lãi suất cho vay mới phổ biến trong khoảng 6 - 9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và dao động từ 9 - 11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, giảm khoảng 1%/năm so với năm trước.

Việc đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất được xem là nỗ lực tích cực của các ngân hàng trong bối cảnh lãi suất cho vay dự báo khó giảm. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng được vay vốn lãi suất ưu đãi mà phía ngân hàng luôn kiểm soát chặt chất lượng tín dụng. Trên thực tế, mặc dù các ngân hàng rất muốn thực hiện chủ trương của Chính phủ là giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp, kích cầu tăng trưởng dư nợ tín dụng, kỳ vọng sớm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ, mục tiêu lợi nhuận của năm, tuy nhiên, tình trạng nợ xấu chưa được xử lý triệt để, lãi suất đầu ra khó điều chỉnh xuống dưới mặt bằng hiện nay… vẫn là rào cản.

Mặt khác, khi chi phí vốn tăng lên, trong khi lãi suất cho vay ra không tăng, tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Hiện tại, NIM của các ngân hàng đã rất thấp, chỉ khoảng 2%, nếu giảm thêm lãi suất các nhà băng sẽ khó tránh bị lỗ. Đáng chú ý, theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng lãi suất huy động được dự báo khó có thể giảm trong thời gian từ nay đến cuối năm, ngược lại có thể tăng lên do các ngân hàng cần huy động thêm vốn. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, khó dự báo lãi suất huy động sẽ tăng bao nhiêu tại thời điểm này, nhưng có khả năng tăng từ 0,5%/năm trở lên.

Động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động ngày 26/9 của các TCTD được NHNN đánh giá tích cực, kịp thời nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, NHNN, qua đó phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, theo nhận định được đưa ra từ các chuyên gia kinh tế, lãi suất giảm chỉ ở một số ngân hàng lớn, năng lực tài chính tốt.

Bên cạnh đó, các nhà băng đang chịu nhiều áp lực từ lạm phát, khả năng thay đổi chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nợ xấu chưa được xử lý triệt để, buộc phải tăng trích lập dự phòng rủi ro nên việc chạy đua tăng trưởng tín dụng cuối năm là khó tránh, song không dễ kích cầu. Các áp lực này càng lớn hơn đối với các ngân hàng yếu kém. Do đó, nếu hạ lãi suất thì các ngân hàng cũng chỉ sẽ giảm cục bộ với một số lĩnh vực ưu tiên (sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu...).

Theo đó, tính đến ngày 23/8/2016, tín dụng nền kinh tế đã tăng 9,09% so với cuối năm 2015. Năm 2016, NHNN đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng ở khoảng 18 - 20%, có thể linh hoạt điều chỉnh theo yêu cầu thực tế. Trên cơ sở định hướng đó, NHNN xét và giao chỉ tiêu tăng trưởng cho từng tổ chức tín dụng để thực hiện. Với cơ chế này, những tổ chức tín dụng có nợ xấu cao, dư nợ tập trung nhiều vào các lĩnh vực rủi ro, hoặc gặp khó khăn trong đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động…, có thể sẽ bị giới hạn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.

Tín dụng của hầu hết các ngân hàng đã được cải thiện trong 3 quý đầu năm nay. Thế nhưng ở chiều ngược lại, vẫn còn không ít ngân hàng tín dụng tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu 2016. Cụ thể, tín dụng của Eximbank đã tăng trưởng âm 4,62% trong 2 quý đầu năm nay, trong khi nợ xấu lại tăng lên trên 5%. Dư nợ tín dụng của Saigonbank cũng giảm nhẹ trong 3 tháng đầu năm 2016.

Tin bài liên quan