Nới room tín dụng
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đưa ra đầu năm nay ở mức 18% và phân bổ xuống các nhà băng ở mức cao nhất là 16%, nhưng mới tháng 6/2017, một số đơn vị đã chạm tới đích tăng trưởng, buộc phải xin nới room tín dụng. Trong bối cảnh này, đến cuối tháng 9/2017, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh nâng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên mức 21%, hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Cụ thể, tại LienVietPostBank, VPBank, Vietcombank, tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 9/2017 lần lượt đạt 21%, 14% và 16%. Trong khi đó, tỷ lệ dư nợ tín dụng ở các ngân hàng như: TPBank, Kienlongbank, HDBank đều đạt mức tăng trưởng trên dưới 20%. Thậm chí, VIB, ACB đã sử dụng hết room tăng trưởng tín dụng ngay khi kết thúc quý II/2017. Với diễn biến này, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nới room tín dụng của VIB, ACB lên mức 24%; OCB được nới lên 21%; Vietcombank, Vietinbank lên 18%.
Lãnh đạo các nhà băng cho hay, năm 2017, tín dụng cải thiện tích cực ngay từ những tháng đầu năm và được dự báo sẽ giữ vững xu hướng này trong những tháng cuối năm, đặc biệt là khi thị trường bất động sản vẫn ấm và việc xử lý nợ xấu dần được khơi thông bởi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đến cuối tháng 9/2017 đã vượt qua ngưỡng 12%. Vì vậy, việc đạt được mục tiêu đưa ra đầu năm nay ở mức 18% là không quá khó. Tuy nhiên, khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nâng lên 21%, giới phân tích tài chính cho rằng, việc này sẽ tác động tích cực lên hoạt động tín dụng, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ rủi ro mới hạn chế được nợ xấu.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, năm 2017, nhu cầu vốn của doanh nghiệp đã có sự cải thiện so với các năm trước. Đặc biệt là nhóm doanh nghiệp lớn có nhu cầu về vốn, khi nhóm này đã nhìn thấy được cơ hội để có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh; cùng với khối doanh nghiệp FDI. Dự báo, nhu cầu vay vốn của hai nhóm này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ nhà băng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới.
Nợ xấu giảm
Tín dụng ngân hàng tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm, song báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng vừa đưa ra cho thấy, nợ xấu đã từng bước được nhà băng kiểm soát ở mức thấp. Tỷ lệ nợ xấu của HDBank quản lý ở mức chỉ 1,14% tính đến cuối tháng 9/2017, mức rất thấp so với toàn thị trường. Vì thế, HDBank dự kiến vượt xa kế hoạch năm 2017 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất khoảng 2.400 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9/2017, HDBank đã đạt trên 1.900 tỷ đồng lợi nhuận.
Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của Kienlongbank cũng được kiểm soát ở mức thấp, chỉ 0,86% tính đến cuối tháng 9/2017. Tại VPBank, tỷ lệ nợ xấu của riêng Ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2017 ở mức 2,6%.
Đối với NCB, nợ xấu của nhà băng được kiểm soát ở mức 2,37%. Ngân hàng đã thực hiện phân loại nợ và đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3% trên tổng dư nợ.
TPBank cho biết, tín dụng 9 tháng đầu năm nay của Ngân hàng tăng gần 20% so với đầu năm 2017, với chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu dưới 0,8%. Như vậy, TPBank thuộc nhóm ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt nhất trên thị trường.
Về chất lượng cho vay, SHB cho biết, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng đến cuối tháng 9/2017 chỉ ở mức 1,85%, giảm nhẹ so với thời điểm cuối năm trước (1,87%). Tỷ lệ nợ quá hạn là 3,08% trong khi cuối năm trước là 3,25%.
Dù các nhà băng đã cẩn trọng hơn trong việc cho vay, kiểm soát dòng vốn, nhưng một số chuyên gia tài chính - kinh tế cho rằng, việc nâng mục tiêu tín dụng lên thêm 3% khiến lượng vốn bơm ra nền kinh tế là khá lớn, khó kiểm soát dòng vốn này chảy vào thị trường bất động sản, gây rủi ro nợ xấu leo dốc trở lại.
Do đó, cùng với việc đẩy mạnh tín dụng, cũng như nỗ lực xử lý nợ xấu trước đây, các ngân hàng phải dần gia tăng chuẩn mực hoạt động và chất lượng tài sản, nhất là với tín dụng.
Ông Phạm Hồng Hải nhận định, bên cạnh nỗ lực đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21%, các ngân hàng cần phải lưu ý và thận trọng để có thể hạn chế được rủi ro nếu có xảy ra. Một điểm đáng chú ý là thực tế hiện nay, tốc độ tăng trưởng huy động vốn tại nhiều ngân hàng đang chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng. Vì thế, nếu đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng mà không chuẩn bị tốt nguồn vốn thì rủi ro thanh khoản là khó lường.