Áp lực lạm phát là một trong những nguyên nhân khiến lãi suất cho vay khó giảm

Áp lực lạm phát là một trong những nguyên nhân khiến lãi suất cho vay khó giảm

Tiếp tục ưu tiên ổn định mặt bằng lãi suất

(ĐTCK) Tháng 4/2018, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục bơm ròng tiền ra thị trường, giúp thanh khoản không bị sức ép khi hoạt động cho vay được kích hoạt mạnh hơn trong thời gian sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Tuy nhiên, lãi suất huy động tăng đưa ra những tín hiệu thận trọng.

Tháng 4, lãi suất huy động tăng

Nghiên cứu của Nhóm Kinh doanh vốn và tiền tệ Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định, tuy thanh khoản thị trường tiền tệ liên ngân hàng đã bớt dồi dào hơn trong tháng 4/2018, nhưng về cơ bản vẫn khá ổn định so với cùng kỳ các năm trước.

Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng mạnh khoảng 80-90 điểm phần trăm ở các kỳ hạn dưới 1 tháng và tăng nhẹ hơn khoảng 20-50 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ 1 - 3 tháng, cuối tháng 4 đóng cửa ở mức 1,7 -1,9%/năm với kỳ hạn qua đêm -1 tuần và 2,2 - 2,4%/năm với kỳ hạn 1 - 2 tháng.

Như vậy, bình quân cả tháng 4/2018, lãi suất kỳ hạn 1 tuần là 1,29%/năm, tăng 0,15%/năm  so với tháng trước, nhưng thấp hơn tới 3,6%/năm so với cùng kỳ năm 2017 và lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 2,7%/năm, giảm 0,2%/năm so với tháng trước và thấp hơn 2,3%/năm so với cùng kỳ năm 2017.

Theo tính toán, giá trị giao dịch bình quân phiên tháng 4 vừa qua đạt khoảng 28.500 tỷ đồng, tăng 1,5% so với giá trị giao dịch của tháng trước, tập trung chủ yếu ở kỳ hạn qua đêm -1 tuần (chiếm khoảng 76% tổng khối lượng giao dịch).

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo Khối Nguồn vốn của BIDV cho biết, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng mạnh trong tháng 4/2018 do tác động cộng hưởng từ sự dịch chuyển của yếu tố dòng tiền và tâm lý.

Cụ thể, số dư tiền gửi của các định chế lớn như Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính tại hệ thống các ngân hàng thương mại biến động thường xuyên hơn do hoạt động chi ngân sách, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, đã được đẩy nhanh hơn trong tháng 4/2018. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/4/2018, chi đầu tư phát triển đạt 54.600 tỷ đồng, bằng 13,7% kế hoạch và tăng 55% so với cuối tháng 3/2018.

“Bên cạnh đó, tín dụng VND trong tháng 4 vừa qua có xu hướng tăng trưởng tích cực hơn và tăng nhanh hơn so với huy động vốn VND khoảng 0,35%, kéo theo chênh lệch huy động vốn và tín dụng VND co hẹp khoảng 15.000 - 17.000 tỷ đồng so với tháng 3/2018. Đồng thời, tâm lý thị trường cũng có xu hướng thận trọng hơn trước những biến động tổng thể trên cả thị trường chứng khoán, tiền tệ và trái phiếu chính phủ do lo ngại rủi ro đảo chiều gia tăng sau một giai đoạn lạc quan kéo dài”, vị lãnh đạo BIDV nhận định.

Tuy nhiên, thị trường đánh giá, với động thái tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản thị trường vẫn khá ổn định, bởi cơ quan này đã bơm ròng gần 60.000 tỷ đồng trong tháng 4/2018 chủ yếu qua kênh tín phiếu, để hạn chế việc lãi suất huy động tăng nhanh và nhìn chung vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

Khó giảm lãi suất cho vay

Nghiên cứu của Nhóm Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV dự báo, thanh khoản VND trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 5/2018 dự kiến có xu hướng dồi dào hơn. Theo đó, lãi suất huy động có thể điều chỉnh giảm đối với kỳ hạn ngắn, nhưng chưa thể giảm sâu về mức thấp như của nửa đầu tháng 3/2018, dao động chủ yếu quanh mức 1,3 - 1,8%/năm với kỳ hạn 1 tuần và khoảng 2,6 - 2,8%/năm với kỳ hạn 3 tháng.

Lãnh đạo các ngân hàng đánh giá, các yếu tố tác động nhìn chung vẫn hỗ trợ xu hướng ổn định mặt bằng lãi suất. Cụ thể, nguồn cung vốn dự trữ cho thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức cao trong tháng 5/2018, bao gồm hơn 66.000 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đáo hạn và gần 27.000 tỷ đồng từ dòng tiền của các ngân hàng thương mại bán ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng cho Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, huy động vốn dự kiến tăng trưởng tích cực hơn so với tín dụng trong tháng 5/2018 theo yếu tố chu kỳ, kéo theo chênh lệch huy động vốn - tín dụng VND có thể nới rộng thêm khoảng 15.000 - 25.000 tỷ đồng. Đặc biệt, số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước được đánh giá sẽ vẫn duy trì ở mức khá cao do cân đối thu - chi ngân sách nhà nước tính đến ngày 15/4/2018 vẫn ở mức thặng dư 11.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

Tuy vậy, lãnh đạo BIDV chia sẻ: “Tâm lý thị trường tiếp tục duy trì trạng thái khá thận trọng khi mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã ở mức thấp, thậm chí có thể điều chỉnh tăng nhẹ trở lại khi dòng tiền có nhiều biến động hơn do ảnh hưởng từ các giao dịch mua bán cổ phần hay hoạt động thu - chi ngân sách nhà nước có sự chuyển dịch mạnh mẽ (chi đầu tư phát triển được đẩy nhanh, thu từ thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thấp hơn dự kiến…)”.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cấp cao của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định: “Do áp lực lạm phát năm 2018 lớn hơn năm 2017 nên việc giảm lãi suất cho vay có thể gặp khó khăn. Vì vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ cần linh hoạt, chủ động hơn, nhằm giữ mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định”. 

Trong tháng 4/2018, thị trường ngoại hối trong nước không có nhiều biến động khi các cân đối vĩ mô vẫn ổn định: Xuất siêu được duy trì với giá trị ước tính 700 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất siêu từ đầu năm lên 3,39 tỷ USD; dự trữ ngoại hối tăng nhẹ lên 63 tỷ USD. Tỷ giá VND/USD giảm nhẹ so với cuối tháng 3, giao dịch ở mức 22.730 - 22.800 đồng/USD, tính từ đầu năm chỉ tăng 0,29%.

Trên thị trường thế giới, giá trị đồng USD phục hồi mạnh mẽ khi chỉ số Dollar-Index tăng lên trên 92 điểm, mức cao nhất kể từ đầu năm 2018. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên tăng vượt ngưỡng 3% gây không ít xáo trộn cho thị trường chứng khoán và đẩy giá trị đồng USD tăng mạnh.

Tuy lợi suất trái phiếu Mỹ đã nhanh chóng giảm trở lại sau đó, nhưng giới đầu tư vẫn không khỏi lo ngại, bởi đây là tín hiệu cho thấy tình hình lạm phát của Mỹ đang tăng nhanh đi cùng với kế hoạch đảo ngược gói kích thích kinh tế để thu hẹp bảng cân đối của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá USD, giá trị VND tăng nhanh so với các ngoại tệ khác. Trong tháng 4/2018, tỷ giá các ngoại tệ JPY và EUR đã giảm tương ứng 2,83% và 2,02% so với VND.

Tin bài liên quan