Ảnh Internet

Ảnh Internet

Tiếp tục siết chặt tín dụng bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông

(ĐTCK) Trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông.

Thông tin từ NHNN cho biết, trong những ngày đầu tháng 1/2017 có một vài ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động khoảng 0,1-0,3%/năm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lãi suất này chỉ diễn ra ở một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, không phản ánh xu hướng chung của toàn thị trường.

Hiện mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

NHNN thêm một lần nữa nhấn mạnh tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông.

NHNN cũng cho biết, đang hoàn thiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị.

Trên cơ sở phê duyệt và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đối với Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, trong năm 2017 NHNN sẽ xây dựng kế hoạch cũng như tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, toàn diện các giải pháp tại Đề án. Đặc biệt, đối với công tác xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh thông qua yêu cầu các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng.

"Trong năm 2017, vai trò của VAMC sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững (dưới 3% tổng dư nợ). NHNN cũng sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng…", một lãnh đạo cao cấp NHNN chia sẻ.

Tin bài liên quan