Tiền thế hệ mới hay “bất động sản trên mặt trăng”?

Tiền thế hệ mới hay “bất động sản trên mặt trăng”?

Cơn sốt giá của một số loại tiền ảo trên thế giới đang khiến không ít nhà đầu tư trong nước quay cuồng. Đồng thời, xu thế này cũng gây áp lực lớn với các cơ quan quản lý về việc công nhận hay không công nhận tiền ảo.

Đua nhau đầu cơ, trang bị “trâu cày” để săn tiền ảo

Anh Phan Việt Hải, nhân viên phụ trách công nghệ thông tin một ngân hàng lớn tại Hà Nội cho hay, mấy năm nay, anh và một người bạn hùn vốn đầu tư 2 dàn máy đào bitcoin (BTC) với tổng giá trị 250 triệu đồng.

“Sau 1 năm, chúng tôi đã trả hết khấu hao máy. Hiện nay, trừ chi phí, bình quân mỗi tháng, chúng tôi có thể thu về 10 - 20 triệu đồng/người”, anh Hải cho hay.

Tiền ảo được giới đầu tư Việt chú ý khoảng 5 năm gần đây. Không chỉ Bitcoin, mà các loại tiền ảo khác như Ethereum, Bitcoin Cash, Ripple, Litecoin… cũng đang được giới đầu tư chú ý, vì giá mềm hơn Bitcoin, có tốc độ tăng giá mạnh và khả năng thanh khoản dễ dàng.

Tính đến cuối tuần qua, đồng Bitcoin trên thế giới được niêm yết ở mức 4.382 USD/BTC. Chỉ riêng trong tháng 8/2017, BTC đã tăng hơn 2.000 USD/BTC.

Trong khi đó, tiền ảo Ethereun cũng đang tăng giá chóng mặt. Khởi đầu từ mức giá 1 USD vào năm 2015, tăng lên hơn 330 USD/ETH cuối tuần qua.

Giá tăng chóng mặt, những tỷ phú tiền ảo liên tục xuất hiện, khiến một bộ phận nhà đầu tư trẻ, am hiểu công nghệ trong nước phát cuồng. Dù tiền ảo chưa được công nhận ở Việt Nam, song với các nhà đầu tư, trong thời đại công nghệ số, đây là một kênh đầu tư không thể bỏ qua.

Việt Nam không thể mãi đứng ngoài cuộc chơi tiền ảo

Cho đến nay, trên thế giới vẫn có 2 quan điểm khác nhau về tiền ảo. Quan điểm thứ nhất coi tiền ảo là một loại tiền thế hệ mới. Quan điểm thứ hai coi đây là một loại hàng hóa bong bóng, đầu cơ và không có giá trị thật, giống như “bất động sản trên mặt trăng”.

Tại Việt Nam, tiền ảo vẫn đang nằm ngoài vòng pháp luật khi Ngân hàng Nhà nước  (NHNN) không coi đây là một loại tiền, Bộ Công thương không coi là hàng hóa và Bộ Tư pháp không coi là loại tài sản.

“Tiền ảo không nằm trong danh mục hàng hóa bị cấm, nhưng lại không được cơ quan quản lý công nhận. Theo tôi, đã không bị cấm thì nên công nhận nó và trước hết là phải xác định nó là tiền, là hàng hay là một tài sản. Nếu xác định tiền ảo có quyền tài sản thì không thể cấm, vấn đề đặt ra là được phép giao dịch và thanh toán đến đâu”, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO khuyến nghị.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, tiền ảo là xu hướng của cách mạng công nghệ 4.0, do đó, Việt Nam không thể mãi đứng ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà đã có 10 nước trên thế giới và hàng loạt tập đoàn lớn chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Đương nhiên, công nhận tiền ảo ở mức độ nào thì cần phải nghiên cứu kỹ.

Điều đáng mừng là mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp, Bộ Công an, NHNN hoàn thiện công tác nghiên cứu, đánh giá và xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến loại tiền ảo, tiền điện tử từ nay đến năm 2019.

Nguồn tin từ NHNN cho hay, quan điểm của NHNN chỉ công nhận tiền điện tử là một phương tiện thanh toán và sẽ sớm hoàn thiện văn bản hướng dẫn. Riêng với tiền ảo, NHNN vẫn giữ quan điểm không công nhận đây là phương tiện thanh toán do có nhiều rủi ro như dễ bị tấn công, dễ tiếp tay cho rửa tiền, trốn thuế…

Với điều kiện của Việt Nam hiện nay, các chuyên gia tài chính cho rằng, trước mắt, chưa nên coi tiền ảo là tiền tệ, bởi có thể khiến làn sóng đầu cơ tăng mạnh, ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nên xem xét công nhận đây là một hàng hóa, tài sản đặc biệt, được kinh doanh có điều kiện và phải chịu sự giám sát chặt chẽ.

Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc thừa nhận tiền ảo, đưa tiền ảo vào các văn bản quy phạm pháp luật (nếu có), sẽ là “thừa nhận để kiểm soát”, chứ không phải thừa nhận để khuyến khích phát triển.

Trong khi chưa xác định được tiền ảo là xu thế hay bong bóng đầu cơ, thì sự thận trọng của cơ quan quản lý là cần thiết. Song trong thời đại công nghệ số, Việt Nam không thể cấm được tiền ảo, vấn đề đặt ra là quản hay không quản mà thôi.

Tin bài liên quan