Tiền tệ đã lỏng, không nên nới thêm

(ĐTCK) “Mặc dù lạm phát 2 tháng đầu năm khá thấp, song vẫn theo đúng định hướng điều hành. Theo đó, chính sách tiền tệ hiện đã được nới lỏng một cách hợp lý để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 7% mà vẫn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 5,8% và không nên nới lỏng thêm nữa. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn có thể giảm thêm nếu xử lý tốt nợ xấu”. Đó là quan điểm của ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright khi trao đổi với ĐTCK. 
Tiền tệ đã lỏng, không nên nới thêm

Sau Tết, lạm phát tháng 2 vẫn thấp. Theo ông, đây có phải là cơ hội cho việc duy trì lạm phát dưới 7% trong năm 2014?

Đừng nghĩ tháng Tết nhất thiết lạm phát phải tăng cao, mà phải so tháng Tết này với tháng Tết của những năm trước. Bên cạnh đó, kiềm chế lạm phát dưới 7% là một trong những mục tiêu hàng đầu của năm 2014, do vậy việc lạm phát tháng 2 thấp không phải là điều ngạc nhiên, hoàn toàn trong mục tiêu, định hướng chính sách và bối cảnh tăng trưởng kinh tế đặt ra.

Báo cáo nghiên cứu của các tổ chức tài chính nước ngoài cho thấy, những yếu tố gây áp lực lên lạm phát đều tập trung vào điều hành chính sách nếu nới lỏng quá mạnh tay. Còn nhìn yếu tố gây lạm phát đến từ tăng trưởng ở dòng vốn nước ngoài, ngoại thương là không có. Bên cạnh đó, giá dầu, giá vàng… dự báo tăng, nhưng không phải là yếu tố tác động mạnh lên lạm phát.

Nhưng nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại về áp lực lạm phát từ việc nới trần bội chi ngân sách lên 5,3% GDP và phát hành thêm trái phiếu chính phủ, trong khi chính sách tiền tệ được yêu cầu phải nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng, thưa ông?

Nếu nhìn ngắn hạn thì chưa phải quan ngại về mặt tài khóa khi nới trần bội chi, phát hành thêm trái phiếu để tăng chi đầu tư công. Tác động kích cầu từ chính sách này sẽ không gây áp lực lạm phát ngay trong năm 2014, bởi độ trễ của chính sách tài khóa lâu hơn chính sách tiền tệ. Trong khi đó, hiện nay chưa phát hành trái phiếu, khi phát hành xong còn phải chi đầu tư, chi xong một thời gian mới gây áp lực lên lạm phát.

Theo tôi, điều cần phải cân nhắc, theo dõi chính sách tài khóa trong năm 2014 là việc “chèn ép” trong đầu tư từ khu vực tư nhân. Nguyên nhân do các NHTM luôn có lựa chọn là cho vay DN và mua trái phiếu chính phủ. Nếu NHTM bị “buộc” phải tăng mua trái phiếu chính phủ do một sức ép nào đó, hay bị hấp dẫn về lợi suất, thì NHTM sẽ sử dụng nguồn vốn huy động để đầu tư vào trái phiếu. Như vậy, vốn dành cho DN sẽ bị hạn chế, thu hẹp lại. Đây là điều phải cân nhắc trong năm 2014.

Với việc lạm phát thấp như vậy, theo ông, có nên hạ tiếp lãi suất?

Mọi người thường có cách nghĩ là lạm phát xuống thấp thì lãi suất có giảm hay chính sách tiền tệ có được nới lỏng, nhưng lại quan ngại việc nới lỏng như vậy liệu lạm phát có quay trở lại? Theo tôi, vấn đề bây giờ là phải hiểu trạng thái chính sách của Chính phủ hiện nay như thế nào.

Có thể nói, chính sách tiền tệ đã được nới lỏng trong thời gian qua, thể hiện qua việc lãi suất đã hạ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Mặc dù nợ xấu chưa được xử lý một cách thực sự tích cực, nhưng thanh khoản đã được cải thiện đáng kể, thậm chí nhiều ngân hàng còn ứ đọng vốn. Duy trì điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng mà không gây lạm phát, nghĩa là việc nới lỏng này ở trong phạm vi chấp nhận được. Song nếu tiếp tục nới lỏng thêm, mọi chuyện có thể sẽ khác.

Lãi suất huy động khó có thể hạ tiếp, song lãi suất cho vay vẫn có thể giảm thêm

Như vậy, chính sách tiền tệ nên “bất động” trong thời gian tới, thưa ông?

Nếu nói như vậy, chính sách tiền tệ không phải làm gì là không đúng. Trạng thái chính sách đang nới lỏng, nhưng không phải như thời kỳ năm 2009 hay 2011. Trong năm 2013, chính sách tiền tệ đã nới lỏng và có thể duy trì ở mức độ này, không nên kỳ vọng nới lỏng thêm.

Trong mức độ đó, lãi suất tùy vào tình hình thanh khoản của từng ngân hàng và cung nguồn vốn, cầu cho vay nên các ngân hàng sẽ tự quyết định mức lãi suất; nếu có khả năng có thể giảm lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay. Hiện nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn xuống dưới 7%/năm là mức trần lãi suất tiền gửi đối với kỳ 6 tháng trở xuống. Điều đó là do cung cầu trên thị trường tiền tệ quyết định mức lãi suất nào. Trạng thái chính sách tiền tệ hiện nay là để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 7%, trong khi vẫn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chứ không phải là áp lực là hạ lãi suất. Việc hạ lãi suất là do thị trường quyết định.

Thế nhưng, không ít DN tiếp tục phàn nàn là lãi suất hiện vẫn cao?

Đây là một câu chuyện gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam khi nói về số liệu thống kê lãi suất. Số liệu về lãi suất tiền gửi đáng tin cậy, nhưng lãi suất cho vay không có con số đáng tin cậy để theo dõi. NHNN công bố nhiều ngân hàng cho vay với lãi suất ở mức 9%/năm, thậm chí 6,5 - 7%/năm với DN tốt, nhưng nhiều DN cho biết, họ vẫn phải vay từ 11%/năm trở lên, thậm chí là 15%/năm. Rõ ràng, mức lãi suất này là quá cao trong bối cảnh hiện nay. Thêm vào đó, việc DN phản ánh lãi vay cao là số đông hay chỉ là một bộ phận nhỏ, một vài trường hợp cá biệt, đó cũng là vấn đề cần phải làm rõ thì mới có định hướng điều hành đúng được.

Thống đốc NHNN có nói, nếu điều kiện thuận lợi có thể giảm tiếp lãi suất cho vay 1 - 2%. Vậy theo ông, lãi suất cho vay có hạ được nữa không và để hạ thì bằng cách nào?

Bài toán đặt ra, lãi suất tiền gửi hiện là 6 - 7%/năm, ngang bằng với giai đoạn 2005 - 2006, là thời điểm trước khi xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô. Chi phí vốn của các ngân hàng thấp hơn mức này, nếu lãi suất cho vay 11 - 15%/năm rõ ràng là cao.

Điều đó có nghĩa, mặc dù lãi suất huy động khó có thể hạ tiếp, song lãi suất cho vay vẫn có thể giảm thêm. Vấn đề ngân hàng đang chịu áp lực có lợi nhuận không phải là để trả cổ tức, mà là trích lập dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu. Nhìn vào báo cáo tài chính năm 2013 của hầu hết ngân hàng có thể thấy rõ điều này. Mặc dù hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thực tế đều có lợi nhuận, nhưng sau khi trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận còn rất ít. Để có lợi nhuận sau dự phòng rủi ro khả quan hơn, các tổ chức tín dụng buộc phải duy trì một khoảng chênh lệch lãi suất đầu ra - đầu vào ở mức khá cao. Bởi vậy, nếu xử lý rốt ráo và triệt để vấn đề nợ xấu, cũng như các tổ chức tín dụng cơ cấu lại hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả thì vẫn có thể giảm thêm được lãi suất cho vay.

Tin bài liên quan