Thù lao tiền tỷ cho lãnh đạo ngân hàng

Thù lao tiền tỷ cho lãnh đạo ngân hàng

Thù lao cho Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát đang là điểm nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong mùa họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của các ngân hàng thương mại trong năm nay.

Thù lao khó giảm

Bên cạnh những vấn đề như nợ xấu, nhân sự cấp cao... thì thù lao cho Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát cũng thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận trong mùa họp ĐHĐCĐ năm nay của các ngân hàng thương mại.

Thực tế, lợi nhuận ngân hàng năm 2016 ghi nhận nhiều mảng sáng, nên thù lao cho Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát nói chung được giữ nguyên hoặc tăng.

ĐHĐCĐ thường niên của LienVietPostBank diễn ra ngày 25/3 thông qua mức thù lao cho Hội đồng Quản trị năm 2017 là 40 tỷ đồng và xin điều chỉnh cổ tức năm 2016 từ 8% lên 10%, trong đó 4% chi trả bằng tiền mặt và 6% chi trả bằng cổ phiếu. Năm 2016, nhà băng này đạt lợi nhuận trước thuế 1.348 tỷ đồng, tăng 47% so với kế hoạch.

Trên cơ sở lợi nhuận đặt ra cho năm 2017 là 2.205 tỷ đồng, tăng 32% so với 2016, Ngân hàng ACB trình cổ đông mức thù lao cho Hội đồng Quản trị năm nay là 8,5 tỷ đồng (tăng 20% so với năm 2016) và Ban Kiểm soát là 3,9 tỷ đồng (tăng 12,5%).

Năm 2016, lợi nhuận sau thuế của BacA Bank đạt 512 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2015. Với kết quả trên, BacABank trình ĐHĐCĐ mức cổ tức năm 2016 là 8% và thù lao cho Hội đồng Quản trị ở mức 0,25% lợi nhuận sau thuế.

Lãnh đạo các nhà băng cho rằng, thù lao cho Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát cần phù hợp với công sức của lãnh đạo. Nếu tính trên tổng lợi nhuận thì mức trên là không cao, thậm chí chưa xứng với công sức của lãnh đạo cấp cao ngân hàng.

Đòi lại khoản thù lao đã chi vượt

Không ít ý kiến cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, nợ xấu tăng, đòi hỏi dự phòng lớn ảnh hưởng đến lợi nhuận, thậm chí có nhà băng bị sụt giảm lợi nhuận mạnh, thì Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát vẫn giữ nguyên mức thù lao.

Theo kế hoạch sẽ trình ĐHĐCĐ ngày 21/4, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Eximbank đưa ra cho năm 2017 ở mức 600 tỷ đồng, cao hơn 200 tỷ đồng so với mức thực hiện năm 2016. Tổng thù lao của Hội đồng Quản trị dự trình cổ đông thông qua năm 2017 được đề xuất là 2% lợi nhuận trước thuế, nhưng không thấp hơn 12 tỷ đồng.

Tuy nhiên, câu hỏi được cổ đông đặt ra với Eixmbank là liệu đến giữa năm, nhà băng này có điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận như năm qua không, vì Eximbank vẫn phải tập trung xử lý nợ xấu, tái cơ cấu. Tỷ lệ nợ xấu Eximbank đến cuối năm 2016 là 2,95%. Mặt khác, dù hoạt động có lãi trong năm qua, nhưng đến nay, Eximbank vẫn lỗ lũy kế trên 500 tỷ đồng.

Do đó, ngoài việc bù đắp lợi nhuận hàng nằm cho khoản lỗ lũy kế, nội dung tài liệu ĐHĐCĐ Eximbank vừa công bố cho thấy, Ngân hàng cũng tính đến việc thu hồi 52 tỷ đồng tỷ đồng thù lao đã chi trả vượt kế hoạch được phê duyệt cho Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát trong 3 năm liên tiếp trước đây (năm 2013, 2014, 2015).

Cụ thể, năm 2013, quỹ thù lao được ĐHĐCĐ phê duyệt là 1,5% lợi nhuận sau thuế, tương đương 9,88 tỷ đồng, nhưng mức thực tế đơn vị này đã chi trả lên tới 34,3 tỷ đồng, vượt 24,5 tỷ đồng so với kế hoạch. Năm 2014, do phải trích lập dự phòng rủi ro, nên lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng chỉ còn 56 tỷ đồng, tương ứng quỹ thù lao được hưởng chỉ khoảng 841 triệu đồng, nhưng mức thù lao thực chi là gần 35 tỷ đồng. Tương tự, năm 2015, lẽ ra mức thù lao được hưởng chỉ khoảng 600 triệu đồng, nhưng thực chi đã chi trả tới 24,6 tỷ đồng.

Trong tài liệu phục vụ ĐHĐCĐ năm 2017,  Eximbank cũng đề xuất mức thù lao năm 2016 của Hội đồng Quản trị (gồm 9 thành viên) là 10 tỷ đồng, Ban Kiểm soát 4,5 tỷ đồng. Theo văn bản này, đây là mức phù hợp với điều kiện, khả năng của Eximbank, đồng thời có tham khảo mức chi trả của các tổ chức tín dụng khác, mặc dù nhiều năm qua, Eximbank không chia cổ tức.

Đại hội đồng cổ đông thường niên của LienVietPostBank diễn ra ngày 25/3 thông qua mức thù lao cho Hội đồng Quản trị năm 2017 là 40 tỷ đồng.

Tin bài liên quan