OCB đã giảm lãi suất và dự kiến tiếp tục giảm thêm trong tháng 3/2015

OCB đã giảm lãi suất và dự kiến tiếp tục giảm thêm trong tháng 3/2015

Thời điểm tốt để hạ lãi suất

(ĐTCK) Tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, trên thị trường, các ngân hàng thương mại đang liên tục điều chỉnh hạ lãi suất ngay từ những ngày đầu năm 2015.

Cụ thể, từ ngày 5/1/2015, Eximbank đã công bố biểu lãi suất huy động mới với mức tiền gửi từ 500 triệu VND trở lên, lãi suất giảm từ 7,7%/năm xuống còn 7,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm mạnh nhất với mức 0,28%/năm, còn 6,1%/năm. Các kỳ hạn từ 6 - 11 tháng giảm từ 0,1 - 0,18%/năm; kỳ hạn 1 tháng cũng giảm nhẹ 0,08%/năm…

Từ ngày 10/2, tại OCB, lãi suất huy động các kỳ hạn nói chung đều giao động giảm thêm từ 0,1 - 0,3%/năm. Tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ mức 7,1%/năm xuống còn 6,9%/năm, kỳ hạn 1 tháng từ mức 5,3%/năm xuống còn 5,2%/năm.

Một lãnh đạo cao cấp OCB cho biết, ban lãnh đạo ngân hàng đang tính đến phương án hạ lãi suất tiếp trong tháng 3 này.

Tại Techcombank, từ ngày 27/2, các mức lãi suất huy động cũng đã điều chỉnh giảm thêm mức từ 0,1 - 0,3%/năm. Tình hình cũng tương tự như vậy tại SCB khi từ những ngày đầu năm, lãi suất cũng giảm thêm từ 0,1 - 0,2%/năm và lãnh đạo ngân hàng này cho biết, nhiều khả năng sẽ phải giảm tiếp lãi suất huy động.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên các thành viên trên thị trường đi trước cơ quan quản lý bởi những tín hiệu của nền kinh tế tác động trực tiếp vào hoạt động kinh doanh. Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2015 giảm 0,05% so với tháng trước, giảm 0,25% so với tháng 12/2014, tăng 0,34% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân hai tháng đầu năm 2015, CPI tăng 0,64% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát giảm là điều kiện thuận lợi nhất cho lãi suất giảm mà vẫn đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho rằng, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh do giá đầu vào giảm, đầu ra cũng giảm; xử lý nợ xấu đang có tiến triển tốt thì việc hạ lãi suất huy động là điều bình thường.

Còn theo Phó tổng giám đốc một ngân hàng: “Có thể người dân khi gửi tiền tiết kiệm sẽ có chút thiệt thòi với lãi suất huy động thấp nhưng có vấn đề là CPI giảm và mọi thứ cũng sẽ giảm theo”.

Việc giảm lãi suất huy động còn đang được sự “ủng hộ” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi các phân tích cho thấy, khả năng cơ quan này sẽ giảm lãi suất thị trường mở (OMO). Đây là một loại lãi suất chỉ đạo quan trọng của NHNN.

Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC trong báo cáo Kinh tế vĩ mô - Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 3/2015 đã nhận định rằng, trong vài tháng gần đây, lãi suất thực đã tăng (lãi suất thực = lãi suất OMO – CPI = 5% - 0,3% = 4,7%).

“Về mặt lịch sử, bất cứ khi nào điều này diễn ra, chúng ta có thể kỳ vọng lãi suất chính sách sẽ giảm trong trường hợp triển vọng lạm phát trong nước vẫn còn thuận lợi”, báo cáo nhấn mạnh.

Trinh Nguyễn, Chuyên gia kinh tế của HSBC cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ thông báo cắt giảm thêm 0,5%/năm đối với lãi suất thị trường mở OMO. Vì NHNN chưa có tổ chức các họp báo, việc cắt giảm lãi suất này có thể diễn ra sớm trong tuần này”.

“Chúng tôi hy vọng lãi suất OMO đến cuối năm sẽ ở mức 4,5%/năm”.

Tuy nhiên, bà Trinh Nguyễn cũng cho rằng: “Có những điều kiện không chắc chắn khiến NHNN trở nên thận trọng trong quyết định điều hành của mình. Giá dầu đang khá bấp bênh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khuynh hướng tăng lãi suất trong năm nay, thêm nữa là nhu cầu trở nên ổn định và nửa sau năm 2015 khả năng sẽ có các hiệu ứng giá cả không thuận lợi chờ đợi”.  

Nhận định này cũng trùng hợp với quan điểm của NHNN hiện nay. Chia sẻ với phóng viên Đầu tư Chứng khoán về câu chuyện điều hành lãi suất, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, hiện vẫn "chưa có thông tin gì về việc quyết định hạ lãi suất tiếp hay không".

Tin bài liên quan