Lãi suất cho vay ngoại tệ khó giảm theo chi phí đầu vào

Lãi suất cho vay ngoại tệ khó giảm theo chi phí đầu vào

Thiệt hơn bài toán vay tiền đồng và ngoại tệ

(ĐTCK) Mặc dù tín dụng ngoại tệ giảm trong 11 tháng đầu năm, đồng thời lãi suất huy động USD đã được giảm về thấp nhất bằng 0%, song vay ngoại tệ, DN vẫn phải trả lãi suất cao.

Tín dụng ngoại tệ giảm

Thực tế, các doanh nghiệp (kể cả xuất, nhập khẩu) đều có nhu cầu vốn ngoại tệ. Thứ nhất, vay USD lãi suất rẻ hơn phân nửa so với tiền đồng. Hiện lãi suất cho vay ngoại tệ được các ngân hàng thương mại áp dụng mức dao động 3 - 4%/năm và chủ yếu cho vay ngắn hạn.

Trong khi đó, nếu sử dụng vốn vay bằng VND, doanh nghiệp phải trả ít nhất 6 - 7%/năm nếu vay ngắn hạn và 8 - 10%/năm vốn vay trung, dài hạn. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được nguồn vốn vay ngoại tệ, mà chỉ những đơn vị đáp ứng đủ điều kiện sử dụng vốn vay USD theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Mặt khác, theo nhận định của một chuyên gia tài chính - tiền tệ, khả năng trong thời gian tới sẽ hướng đến việc bỏ hình thức vay - mượn ngoại tệ để chuyển sang quan hệ mua - bán, nhằm chống tình trạng đôla hóa.

Thực tế, trong thời gian qua, tín dụng ngoại tệ của các ngân hàng thương mại cũng sụt giảm đáng kể, cho dù huy động vốn bằng USD vẫn tăng và tín dụng đồng nội tệ tăng trưởng khá mạnh. Chỉ riêng trên địa bàn TP. HCM, báo cáo của UBND Thành phố cho thấy, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến cuối tháng 11/2015 đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12% so cuối năm 2014. Trong đó, tiền gửi VND tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng hơn 84% tổng nguồn vốn huy động, đạt 1,27 triệu tỷ đồng, vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 16%, đạt 235.100 tỷ đồng.

Còn tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn cùng thời điểm đạt 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 11% so cuối năm 2014. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng nội tệ đạt 1,03 triệu tỷ đồng, chiếm 87,7% tổng dư nợ, tăng 15,05% so cuối năm 2014; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 146.000 tỷ đồng, chiếm 12,32% tổng dư nợ, giảm 11,26% so cuối năm 2014.

Thiệt hơn bài toán vay tiền đồng và ngoại tệ ảnh 1

Không chỉ tín dụng ngoại tệ giảm, mới đây NHNN còn có thông báo chỉ gia hạn hạn vay ngoại tệ đến hết tháng 3/2016, thay vì thường gia hạn 1 năm như trước đây. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, NHNN cho phép các doanh nghiệp được phép vay ngoại tệ đến ngày 31/3/2016, thay vì phải chấm dứt từ ngày 1/1/2016. Theo chủ trương của Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ thị trường, ngày 8/12 vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư số 24 quy định về cho vay ngoại tệ.

Theo đó, các tổ chức tín dụng vẫn được phép cho vay ngoại tệ với các khách hàng là cá nhân cư trú thỏa mãn một số điều kiện của NHNN. Tuy nhiên, các khách hàng nằm trong diện được phép vay ngoại tệ phải đáp ứng nhu cầu vay bao gồm: khách hàng vay ngoại tệ để thanh toán tiền hàng nhập khẩu, thanh toán tiền nhập khẩu xăng dầu cho nước ngoài và cho vay đối với những khách hàng thực hiện các dự án, công trình được các cơ quan Chính phủ phê duyệt.

Riêng đối với khách hàng vay vốn ngoại tệ ngắn hạn trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất - kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới, điều kiện ràng buộc cho trường hợp này là khi khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, phải bán số ngoại tệ này cho tổ chức tín dụng cho vay theo tỷ giá hối đoái giao ngay (Spot), trừ trường hợp khách hàng vay để thanh toán bằng ngoài tệ.

Điểm chung giữa các khách hàng được vay vốn là phải có nguồn thu ngoại tệ từ sản xuất - kinh doanh để trả nợ. Quy định này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016 đến hết ngày 31/3/2016. Qua đó cho thấy, khách hàng không dễ vay vốn bằng ngoại tệ.

Thiệt hơn bài toán vay tiền đồng và ngoại tệ ảnh 2

Ông Trần Minh Tâm, Giám đốc dự án của một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thiết bị, máy móc, cho biết, để có được nguồn ngoại tệ thanh toán hàng nhập khẩu, công ty ông chỉ biết mua ngoại tệ ở các ngân hàng và thậm chí là trên thị trường, không thể vay vốn USD.

Nguyên nhân do công ty này không có nguồn thu ngoại tệ. Trong khi đó, phó tổng giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng thủy sản cho biết, mặc dù có nguồn thu ngoại tệ, nhưng công ty cũng không dễ vay đủ nguồn vốn USD đáp ứng cho nhu cầu sản xuất - kinh doanh.

Trả lời ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho rằng, khả năng tín dụng ngoại tệ trong thời gian tới sẽ tiếp tục đi xuống, do lãi suất vay vốn VND không còn cao như trước đây.

Lãi vay USD vẫn cao

Tuy tín dụng ngoại tệ giảm và NHNN đã có chính sách lãi suất bằng 0%/năm trong huy động vốn ngoại tệ đối với doanh nghiệp từ lâu, mới đây bổ sung thêm đối tượng khách hàng cá nhân gửi USD lãi suất cũng về 0%/năm. Tuy nhiên, thực tế lãi suất cho vay ngoại tệ vẫn ở mức cao 3 - 4%/năm, thậm chí có ngân hàng thương mại cho vay đến 4 -5,5%/năm ngắn hạn và 4,5 - 6,5%/năm vốn vay ngoại tệ trung, dài hạn.

Theo nhận định của các chuyên gia lĩnh vực tài chính - tiền tệ, lãi suất cho vay ngoại tệ khó giảm theo chi phí đầu vào. Nguyên nhân, theo một lãnh đạo ngân hàng, do Việt Nam vẫn phải bám sát lãi suất USD tại thị trường quốc tế.

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho rằng, ngoại tệ không phải là đồng tiền để thanh toán phổ biến tại thị trường nội địa và nếu nắm USD sẽ không được hưởng lãi suất tiết kiệm, thậm chí tới đây còn có thể phải trả phí cho ngân hàng khi gửi ngoại tệ.

Thiệt hơn bài toán vay tiền đồng và ngoại tệ ảnh 3

“Lâu nay, ngân hàng đi huy động ngoại tệ và trả lãi suất, có nghĩa là ngân hàng vay ngoại tệ… Nhưng nếu chúng ta muốn chống tình trạng đô la hóa thì cần phải dần bỏ tình trạng này và chuyển qua quan hệ mua - bán”, ông Trung nói và cho rằng, nếu một doanh nghiệp nhập khẩu máy móc về sản xuất thì có thể vay VND để mua ngoại tệ, NHNN sẽ sẵn sàng bán USD cho doanh nghiệp. Có như vậy thì mới dần hạn chế được tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Trong khi đó, lãi suất cho vay tiền đồng hiện nay đã giảm về mức phù hợp hơn so với trước. Chênh lệch giữa vốn vay ngoại tệ và tiền đồng không còn quá xa như trước đây. Vì vậy, theo ông Trung, các doanh nghiệp khi có nhu cầu về vốn ngoại tệ để thanh toán cuối năm, hoàn toàn có thể vay tiền đồng sau đó mua lại ngoại tệ.

Cầu ngoại tệ chủ yếu chỉ có một nguồn là thanh toán hàng nhập khẩu, thanh toán các loại phí liên quan đến ngoại tệ, như phí du học, chữa bệnh của người dân, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp… Còn nguồn cung ngoại tệ hiện nay được NHNN khẳng định không thiếu, bởi nguồn kiều hối, FDI và FII vẫn vào nhiều và ổn định trong trung hạn khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực năm 2016 sẽ tạo nền tảng tốt thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Chính vì vậy, việc tỷ giá biến động nhẹ trong thời gian qua, theo nhận định của TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, một phần lớn do tác động bởi yếu tố tâm lý. Đồng thời, các ngân hàng thương mại tăng mua ngoại tệ trước khi Fed tăng lãi suất phần nào đã tác động lên tâm lý thị trường, từ đó đẩy tỷ giá tăng nhẹ.

Tin bài liên quan