Đời sống ngày càng cao, sức cầu vàng nữ trang theo đó cũng tăng theo

Đời sống ngày càng cao, sức cầu vàng nữ trang theo đó cũng tăng theo

Thị trường vàng trang sức trong nghịch lý cung - cầu

(ĐTCK) Nhu cầu về vàng trang sức của người tiêu dùng tăng dần khi cuộc sống ngày càng được cải thiện. Vậy nhưng, nghịch lý là thị trường vàng trang sức nội địa vẫn khó khăn trăm bề, khiến các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh lĩnh vực này khó có thể trụ vững.

Kiểm soát không dễ

Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời đã phần nào hạn chế giao dịch vàng miếng. Tuy nhiên, không vì hạn chế điểm bán vàng miếng, mà người dân không còn giữ vàng, nhất là trong tình hình kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn. Đáng chú ý, thị trường đã xuất hiện vàng SJC giả hiệu để đáp ứng lỗ hổng thiếu vàng SJC. Điều này cũng là tất yếu, đúng quy luật hàng hóa thay thế trên thị trường. Người dân cũng sẽ chịu rủi ro khi mua các loại vàng nguyên liệu, vàng nữ trang không thương hiệu và chất lượng không được kiểm soát.

Để kiểm soát chất lượng vàng nữ trang, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN, có hiệu lực từ ngày 1/6/2014, quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, nhưng thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vàng nữ trang chưa áp dụng chuẩn vàng theo Thông tư 22.

Trong khi đó, thói quen của người Việt Nam lâu nay trong mua vàng là “mua đâu, bán đó” và đến nay, họ vẫn tin tưởng vào cách mua bán này. Đây là lý do giải thích vì sao vẫn có phản ánh cho thấy, quy định ghi tuổi vàng không thay đổi được tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp, tức người tiêu dùng vẫn phải “mua đâu, bán đó”, nếu không muốn bị thiệt.

Thực tế, việc kiểm soát chất lượng vàng không phải gần đây các cơ quan quản lý mới đưa ra quy định, mà lâu nay, lực lượng quản lý thị trường đã làm nhiệm vụ này. Tuy nhiên, so với thị trường rộng lớn, thì lực lượng chức năng kiểm tra cũng như công cụ để kiểm soát chất lượng vàng liệu đã đáp ứng được hay chưa chính là vấn đề cần phải bàn đến. Bởi có tình trạng nhiều cửa hàng vẫn bán vàng miếng, cho dù họ không đáp ứng đủ tiêu chuẩn tham gia kinh doanh mặt hàng này.

Đáng chú ý, việc kiểm soát chất lượng nữ trang vàng ngoại nhập cũng gặp thách thức, trong khi mẫu mã, thậm chí là giá lại khá cạnh tranh so với nữ trang của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là mặt hàng vàng trắng của Trung Quốc. Đó là chưa nói đến việc kiểm soát chất lượng liệu có đảm bảo cho người tiêu dùng khi có nhu cầu về nữ trang vàng. Trong khi đó, với người tiêu dùng, nhất là phụ nữ, khi chọn nữ trang, trang sức để mua thường chọn mặt hàng có mẫu mã đẹp, giá phù hợp.

Thị trường vàng trang sức trong nghịch lý cung - cầu ảnh 1

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam 

Khó khăn trăm bề

Nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nữ trang vàng hiện nay đang gặp khó khăn khi không được nhập khẩu vàng nguyên liệu. Nghị định 24/2012/NĐ-CP có nội dung, cho các xí nghiệp sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu nguyên liệu, nhưng đến nay, quy định này chưa được thực hiện.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nữ trang vàng hiện cũng không được vay vốn ngân hàng để hoạt động. Nguồn vốn tín dụng đã bị thắt chặt theo quy định tại Thông tư 33/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, Thông tư 33 quy định, tổ chức tín dụng không được cho khách hàng vay vốn để mua vàng, trừ trường hợp được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép vay vốn mua vàng để sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, doanh nghiệp nữ trang vàng vẫn chưa được phép vay tiền để mua vàng nguyên liệu.

Việc Ngân hàng Nhà nước không cấp quota cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nữ trang vàng được nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất nữ trang khiến hoạt động kinh doanh vàng trang sức gặp nhiều khó khăn, khi nhu cầu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp trong nước khoảng trên 10 tấn/năm.

Thị trường vàng trang sức trong nghịch lý cung - cầu ảnh 2

Không chỉ các gia đình châu Á mà nhiều ngân hàng trung ương cũng có “truyền thống” tích trữ vàng 

Với việc siết chặt quản lý kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước, rất nhiều đơn vị thiếu vốn và nguyên liệu để sản xuất - kinh doanh. Vì thế, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất 2 phương án nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu vàng cho các doanh nghiệp như sau:

Thứ nhất, thực hiện quy định hiện hành, Nhà nước quản lý nguồn nguyên liệu và cấp quota cho một số doanh nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp có những hợp đồng xuất khẩu, nhưng phải kiểm soát gắt gao.

Thứ hai, cho đấu giá nguồn nguyên liệu, với sự tham gia không chỉ những doanh nghiệp lớn, mà cả doanh nghiệp nhỏ. Đồng thời, với doanh nghiệp đủ điều kiện được cấp phép sản xuất - kinh doanh vàng trang sức, Ngân hàng Nhà nước cũng nên cấp phép cho doanh nghiệp được mua vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất mặt hàng nữ trang.

Thực tế cho thấy, ngành nữ trang Việt Nam đã có những bước tiến lớn so với 25 năm trước - thời đó chủ yếu chế tác theo thủ công truyền thống. Còn hiện nay, phần lớn các cơ sở đã tổ chức sản xuất theo mô hình công nghiệp, sử dụng máy móc hiện đại để làm ra sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam về vàng vẫn luôn có và thậm chí còn ở mức cao khi kinh tế dần được cải thiện. Doanh số mua bán nữ trang của các doanh nghiệp lớn tăng hàng năm.

Điển hình, trong ngày Thần Tài đầu năm, người dân đổ xô đi mua vàng và nhiều doanh nghiệp cho biết cạn hàng. Doanh nghiệp thông báo hết hàng, song cũng có một thực tế là nguồn cung không thiếu, bởi nếu doanh nghiệp bán được nhiều vàng miếng thì có thể sẽ bị “soi”, bởi không có quota nhập khẩu vàng thì làm sao có nhiều vàng để bán ra? Vì theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng chỉ được bán vàng miếng nhãn hiệu của SJC, thay vì được bán nhiều nhãn hiệu vàng miếng như trước đây.

Thị trường vàng thời gian qua đã bị thu hẹp khi nhiều doanh nghiệp không được kinh doanh vàng miếng; SJC muốn sản xuất vàng miếng cũng phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước; giá vàng giảm sâu đã khiến nhiều người muốn chuyển đổi sang tiền đồng để hưởng lãi suất ở mức phù hợp… Tuy nhiên, nhu cầu vàng vẫn có và được xem là nơi trú ẩn an toàn khi tình hình kinh tế khó khăn, nhất là lạm phát.

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh vàng miếng bị hạn chế, cần thiết mở rộng thị trường nữ trang vàng. Chẳng hạn, cho xuất, nhập vàng nguyên liệu và xuất hàng nữ trang vàng có kiểm soát. Bởi hiện các doanh nghiệp sản xuất nữ trang không có nguyên liệu để sản xuất, chủ yếu là thu gom nguyên liệu trên thị trường, không có quota nhập khẩu và cũng rất khó vay vốn.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam
Tin bài liên quan