Thông tư 30 giữ nguyên định hướng hạn chế nhận ủy thác của cá nhân đối với các TCTD, chi nhánh NHNg

Thông tư 30 giữ nguyên định hướng hạn chế nhận ủy thác của cá nhân đối với các TCTD, chi nhánh NHNg

Thêm công cụ chống sở hữu chéo

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 30/2014 quy định về ủy thác và nhận ủy thác của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD, chi nhánh NHNg).

Theo đánh giá của giới chuyên gia, Thông tư 30 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của Thông tư 04/2012 và ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.

Hóa giải nhiều vướng mắc

Một trong những hạn chế lớn của Thông tư 04, theo một lãnh đạo ngân hàng, là chưa cụ thể các hoạt động mà TCTD, chi nhánh NHNg được thực hiện ủy thác, nhận ủy thác. Do đó, các TCTD, chi nhánh NHNg không có cơ sở để thực hiện. Và cũng vì chưa quy định cụ thể các lĩnh vực mà các TCTD, chi nhánh NHNg được thực hiện hoạt động ủy thác, nhận ủy thác, nên NHNN buộc phải sử dụng công cụ giấy phép để điều chỉnh hoạt động này. Cụ thể, tại Điều 5, Thông tư 04, việc ủy thác, nhận ủy thác của công ty cho thuê tài chính thực hiện theo quy định của NHNN; việc ủy thác, nhận ủy thác để thực hiện các nghiệp vụ khác do TCTD, chi nhánh NHNg thực hiện trình NHNN xem xét, chấp thuận... Quy định này làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính không cần thiết.

Bên cạnh đó, Thông tư 04 còn quy định điều kiện tổ chức khác ở trong nước được ủy thác cho vay không có dư nợ tín dụng tại các TCTD ở trong nước, chi nhánh NHNg. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các yêu cầu này đã phát sinh vướng mắc đối với một số tập đoàn, tổng công ty trong việc ủy thác cho các TCTD, chi nhánh NHNg để cho vay những công ty thành viên khác.

Theo một chuyên gia ngân hàng, Thông tư 30 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế nêu trên của Thông tư 04. Theo đó, Thông tư 30 đã đưa ra khái niệm ủy thác làm cơ sở để định dạng hoạt động ủy thác, nhận ủy thác của các TCTD, chi nhánh NHNg. Cụ thể, TCTD, chi nhánh NHNg chỉ được thực hiện ủy thác, nhận ủy thác đối với các hoạt động: cho vay; cho thuê tài chính; góp vốn, mua cổ phần; đầu tư vào dự án sản xuất - kinh doanh; mua trái phiếu DN.

Đồng thời, trong Thông tư 30, phạm vi, nội dung được uỷ thác, nhận uỷ thác đối với chi nhánh NHNg được quy định rõ: “Căn cứ theo quy định tại Điều 123, Luật Các TCTD, chi nhánh NHNg được thực hiện các hoạt động giống như NHTM”. Do đó, Thông tư quy định việc ủy thác và nhận ủy thác của chi nhánh NHNg giống với NHTM, ngoại trừ việc nhận ủy thác góp vốn, mua cổ phần của DN, TCTD khác. Ngoài ra, do đặc thù của chi nhánh NHNg nên chi nhánh NHNg còn được nhận ủy thác của ngân hàng mẹ, chi nhánh khác của ngân hàng mẹ để cho vay và mua trái phiếu.

Hay đối với công ty cho thuê tài chính, căn cứ theo quy định tại Điều 112 và Điều 116, Luật các TCTD, công ty cho thuê tài chính được ủy thác cho công ty cho thuê tài chính khác, công ty tài chính để thực hiện cho thuê tài chính; nhận ủy thác của công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính khác để thực hiện cho thuê tài chính; tiếp nhận vốn ủy thác của tổ chức, cá nhân để thực hiện cho thuê tài chính.

Ngoài ra, đối với ủy thác cho vay, cho thuê tài chính và nhận vốn ủy thác của tổ chức không phải là TCTD, cá nhân để đầu tư vào dự án sản xuất - kinh doanh, Thông tư 30 quy định phải đảm bảo tại thời điểm ủy thác, bên ủy thác không có dư nợ vay TCTD, chi nhánh NHNg nhằm hạn chế, kiểm soát TCTD vi phạm trong việc cho vay đối với tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc là công ty con để đầu tư dự án. 

Hạn chế sở hữu chéo

Đặc biệt, Thông tư 30 đã đưa ra những trường hợp không được thực hiện hoạt động ủy thác, nhận ủy thác. Một số chuyên gia ngân hàng đánh giá, với những quy định này, NHNN đã có thêm công cụ hạn chế tình trạng sở hữu chéo.

Theo đó, Thông tư 30 quy định TCTD (trừ quỹ tín dụng nhân dân), chi nhánh NHNg không được ủy thác, nhận ủy thác cho vay đối với đối tượng ủy thác thuộc các trường hợp không được cấp tín dụng quy định tại Điều 126, Điều 127, Luật Các TCTD và quy định của NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNg; NHTM, chi nhánh NHNg, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được ủy thác, nhận ủy thác cho thuê tài chính. TCTD (trừ NHTM), chi nhánh NHNg không được ủy thác, nhận ủy thác góp vốn, mua cổ phần. NHTM không được ủy thác, nhận ủy thác góp vốn, mua cổ phần đối với các đối tượng ủy thác thuộc các trường hợp không được góp vốn, mua cổ phần quy định tại Khoản 5, Điều 129, Luật Các TCTD và quy định của NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNg. TCTD (trừ công ty tài chính), chi nhánh NHNg không được ủy thác, nhận ủy thác đầu tư vào dự án sản xuất - kinh doanh. Công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được ủy thác, nhận ủy thác mua trái phiếu DN. TCTD, chi nhánh NHNg không được ủy thác, nhận ủy thác mua trái phiếu của TCTD khác, chi nhánh NHNg khác.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nói: “Các ngân hàng đã lách quy định không được cho vay các tổ chức liên quan, bằng cách ủy thác cho công ty con cho vay DN sân sau. Hoặc ngân hàng ủy thác cho các công ty con mua cổ phần tại các ngân hàng khác nhằm tránh những quy định về sở hữu chéo... Do vậy, Thông tư 30 được ban hành cũng nhằm ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo cũng như các hoạt động không được phép trong hệ thống ngân hàng hiện đại”.

Đặc biệt, vấn đề nhận ủy thác của cá nhân được nhấn mạnh tại Thông tư 30. Theo quy định của Luật Các TCTD thì TCTD, chi nhánh NHNg được nhận ủy thác của cá nhân, việc thực hiện nghiệp vụ này theo quy định của NHNN. Nhưng xuất phát từ diễn biến phức tạp của hoạt động ủy thác/nhận ủy thác với cá nhân của các TCTD trong thời gian qua, Thông tư 30 giữ nguyên định hướng hạn chế nhận ủy thác của cá nhân đối với các TCTD, chi nhánh NHNg.

Ngoại trừ công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và quỹ tín dụng nhân dân được nhận ủy thác của cá nhân do Điều 111, Điều 116 và Điều 118, Luật Các TCTD có quy định NHNN hướng dẫn, nhưng phải đáp ứng điều kiện tại thời điểm ủy thác, tổ chức, cá nhân không có dư nợ tại TCTD, chi nhánh NHNg.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện vẫn hoạt động đa năng: chức năng cho vay như NHTM và chức năng đầu tư như ngân hàng đầu tư. Trong khi đó, việc kiểm soát lại chưa chặt chẽ, dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có sở hữu chéo. Tại các quốc gia hiện đại, chức năng truyền thống của Ngân hàng Trung ương là kiểm soát, quản lý NHTM, còn việc giám sát ngân hàng đầu tư lại thuộc trách nhiệm các cơ quan quản lý chuyên biệt khác.

“Việc dồn cả chức năng quản lý NHTM và ngân hàng đầu tư vào NHNN, khiến việc kiểm soát bị quá tải và chưa thể tạo ra một hệ thống ngân hàng hoàn thiện, hiện đại. Vấn đề này cần phải được khắc phục trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Tin bài liên quan