Thấy gì sau động thái dồn dập giảm lãi suất của các ngân hàng lớn?

Ủng hộ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì chính sách ổn định tỷ giá, song nhiều chuyên gia cho rằng, cần có thêm giải pháp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là giảm lãi suất và áp dụng công cụ phòng ngừa rủi ro.
Tỷ giá USD cuối tuần qua lại có dấu hiệu nóng trở lại

Tỷ giá USD cuối tuần qua lại có dấu hiệu nóng trở lại

USD tăng, lãi suất giảm

Bất chấp NHNN lên tiếng trấn an, tỷ giá USD cuối tuần qua lại có dấu hiệu nóng trở lại. Chưa có dấu hiệu căng thẳng cung - cầu, nên các chuyên gia kinh tế nhận định, ít nhất tới tháng 5/2015, NHNN sẽ không điều chỉnh tỷ giá. Trong thời gian này, nếu USD tăng kịch trần và cung - cầu có dấu hiệu căng thẳng, thì NHNN sẽ bán ra ngoại tệ để can thiệp thị trường, sau đó mua vào để bù đắp, giống như thời điểm cuối năm 2014.

Một diễn biến đáng lưu ý nữa trên thị trường ngân hàng tuần qua là nhiều ngân hàng lớn như Agribank, Vietcombank và VietinBank dồn dập hạ lãi suất huy động, mức giảm phổ biến 0,2-0,4%/năm, tùy từng kỳ hạn. Lãi suất huy động phổ biến kỳ hạn 1 tháng là 4%/năm; 3 tháng là 4,3-4,5%/năm; 6 tháng là 5%/năm. Riêng tại Agribank, đây là lần thứ 2 trong tháng, ngân hàng cắt giảm lãi suất huy động và lần này chủ yếu là kỳ hạn ngắn.

Có ý kiến cho rằng, việc ngân hàng lớn giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn là dấu hiệu của việc trần lãi suất sắp giảm thêm. Tuy nhiên, nhiều khả năng, việc ngân hàng liên tiếp cắt giảm lãi suất huy động chỉ là động thái cơ cấu lại dòng vốn huy động để chuẩn bị cho mục tiêu giảm 1-1,5% lãi suất cho vay trung, dài hạn theo chỉ thị của NHNN.  

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, lãi suất giảm trong bối cảnh USD tăng giá rất có lợi. “Đồng USD tăng cao mà tỷ giá không điều chỉnh, thì lãi suất càng phải giảm để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện tại, lãi vay trung và dài hạn vẫn còn cao”, TS. Thành nói và cho rằng, dư địa để giảm thêm lãi suất không nhiều, vì hiện nay, hệ thống ngân hàng đang sống dựa vào tiền gửi, nếu lãi suất giảm sâu, tiền có thể chảy ra khỏi ngân hàng.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế lại đề xuất, nên giảm thêm trần lãi suất để giúp doanh nghiệp giảm giá chi phí, giảm giá thành đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh.

“Với lạm phát dự báo năm nay khoảng 4%/năm, NHNN có thể giảm thêm trần lãi suất huy động từ 5,5%/năm hiện nay xuống 4,5%/năm, từ đó tạo điều kiện hạ sâu lãi suất cho vay”, ông Hiếu đề xuất.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư tuần qua, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN khẳng định, mặt bằng lãi suất năm nay sẽ cơ bản ổn định. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng sẽ phấn đấu giảm thêm 1-1,5% lãi vay trung, dài hạn.  

Doanh nghiệp cần chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam hiện nay khá thụ động với biến động tỷ giá, đẩy gánh nặng tỷ giá cho nhà điều hành mà chưa chủ động tìm giải pháp phòng ngừa rủi ro.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, các doanh nghiệp cần chủ động và linh hoạt trong việc điều chỉnh chiến lược xuất khẩu. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp có thể tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Ký hợp đồng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Nhật Bản bằng đồng nội tệ của thị trường xuất khẩu (EUR hoặc JPY) để tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa.

Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều nhà băng cũng cho rằng, doanh nghiệp nên tham gia bảo hiểm rủi ro tỷ giá, ký các hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn hoặc hợp đồng tương lai. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể đa dạng hóa đồng tiền thanh toán khi đàm phán với đối tác, vay bằng EUR và JPY để tự cân đối về đồng tiền với doanh thu xuất khẩu bằng đồng nội tệ.

Trên thực tế, hiện hầu hết ngân hàng thương mại đều có dịch vụ bảo hiểm tỷ giá, song doanh nghiệp lại khá thờ ơ. Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho hay, khách mua sản phẩm bảo hiểm tỷ giá chủ yếu là các doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp trong nước thường chấp nhận rủi ro tỷ giá.

“Doanh nghiệp nên cân nhắc giữa mức độ thiệt hại do biến động tỷ giá và chi phí bảo hiểm rủi ro tỷ giá để quyết định có tham gia bảo hiểm tỷ giá hay không. Đừng vì tiếc con săn sắt, mà mất cả con cá rô”, lãnh đạo một nhà băng khuyến cáo.

Tin bài liên quan