FDIC là công ty hoạt động như một cơ quan độc lập giám sát và bảo hiểm tiền gửi cho các tổ chức tín dụng tại Mỹ

FDIC là công ty hoạt động như một cơ quan độc lập giám sát và bảo hiểm tiền gửi cho các tổ chức tín dụng tại Mỹ

Thanh tra, giám sát tại Mỹ được tiến hành như thế nào?

(ĐTCK) Với hệ thống phân tích CAMELS chặt chẽ và các cuộc thanh tra toàn diện, khắt khe về tình hình hoạt động của ngân hàng, hoạt động thanh tra, giám sát tại Mỹ là mô hình tiêu biểu cho hoạt động thanh tra trên thế giới. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đã chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán một số thông tin về các biện pháp thanh tra, giám sát tại quốc gia này.

Quan điểm của ông như thế nào về hai phương pháp thanh tra, giám sát trên cơ sở tuân thủ và trên cơ sở rủi ro?

Việc thanh tra, giám sát ngân hàng trước tiên dựa trên giám sát về tuân thủ, nghĩa là thanh tra viên tiến hành kiểm tra một ngân hàng nào đó xem có hành vi sai phạm, làm trái quy định hay không và đưa ra khuyến cáo, kết luận.

Việc thanh tra trên cơ sở tuân thủ các quy định luôn là điều cần thiết với ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngân hàng tại Việt Nam hiện nay không triệt để tuân thủ các quy định. Hoạt động này là cần thiết để các ngân hàng tuân thủ quy định, đi vào quỹ đạo, khuôn khổ pháp luật.

Tuy nhiên, trên thế giới, thanh tra tuân thủ chỉ là một phần trong tổng thể của hoạt động thanh tra. Chẳng hạn, tại Mỹ, các cơ quan thanh tra ngành ngân hàng dùng hệ thống phân tích CAMELS để đánh giá sức khỏe tài chính, độ an toàn, thanh khoản, khả năng sinh lời và năng lực quản lý của ngân hàng. Cụ thể, CAMELS là viết tắt của các từ tiếng Anh gồm: C - Capital (Vốn); A - Asset Quality (Chất lượng tài sản có); M - Management (Quản lý); E - Earnings (Lợi nhuận); L - Liquidity (Thanh khoản); S - Sensitivity to market risk (Độ nhạy cảm với rủi ro thị trường, đặc biệt là rủi ro lãi suất). 6 cấu phần này là cơ sở để thanh tra viên kiểm tra từng phần một, sau đó tiến hành đánh giá (Ratings) với 5 mức độ từ 1 - 5.

TS. Nguyễn Trí Hiếu 

Ông có thể phân tích rõ hơn về hệ thống này?

Cụ thể, cơ quan thanh tra, giám sát tiến hành đánh giá từng cấu phần của CAMELS với mức độ từ cao nhất (cấp 1) đến thấp nhất (cấp 5). Tất cả những điểm/xếp hạng của những cấu phần trên sẽ được cộng lại và đưa ra điểm tổng hợp (Composite rating).

Theo đó, rating 1: mức thẩm định cao nhất với kết quả thanh tra rất tốt, nghĩa là ngân hàng hoạt động rất hiệu quả và khả năng quản lý rủi ro tốt;

Rating 2: mức thẩm định hài lòng với một vài sai phạm (“exceptions”, thuật ngữ của thanh tra) không đáng kể, chứng tỏ ngân hàng đó có hoạt động hiệu quả và vấn đề quản lý rủi ro tương đối tốt, nhưng có một số yếu điểm trong quản lý, quản trị DN và cần phải có sự điều chỉnh trong việc vận hành ngân hàng;

Rating 3: Thẩm định dưới mức hài lòng và kết quả thanh tra đưa ra một vài lo ngại cho biết hoạt động của ngân hàng có một vài vấn đề, đặc biệt là vấn đề về tuân thủ, quản lý rủi ro không hoàn thiện, có độ rủi ro nhất định;

Rating 4: Kết quả thanh tra đưa ra những lo ngại nghiêm trọng và cơ quan thanh tra sẽ phải tiến hành theo dõi đặc biệt, những ngân hàng này đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ bởi cơ quan chức năng.

Rating 5: Ngân hàng có những vấn đề rất nghiêm trọng và cần có sự chỉnh đốn tức thời, nghĩa là ngân hàng không chỉ hoạt động thiếu hiệu quả mà vốn chủ sở hữu đã bị xói mòn rất mạnh, trong bờ vực của thất bại.

Dựa vào điểm tổng hợp, cơ quan thanh tra, giám sát sẽ đưa ra kết luận thanh tra tương ứng. Cụ thể, trong trường hợp có điểm tổng hợp 1 và 2, thanh tra chỉ đưa ra những điểm cần phải lưu ý liên quan đến một vài cấu phần đáng quan tâm. Trong trường hợp có điểm tổng hợp 3, thanh tra sẽ đưa ra những khuyến nghị điều chỉnh cho những cấu phần có điểm thấp dưới 2.

Nếu có điểm tổng hợp 4, thanh tra có thể ban hành những biện pháp xử lý cụ thể (enforcement actions), thường là những lệnh ngưng hoạt động có điều kiện (cease & desist order) có hiệu lực trong một thời hạn nào đó nếu các sai phạm không được chỉnh sửa. Đặc biệt, trong trường hợp có điểm tổng hợp 5, thanh tra có thể đưa ra cảnh cáo sẽ ra lệnh ngưng hoạt động toàn diện đối với tổ chức tín dụng đó.

Một điểm đáng lưu ý là các cơ quan quản lý ngành ngân hàng áp dụng CAMELS tỏ ra rất khắt khe với các ngân hàng nằm trong sự quản lý của họ và đòi hỏi các ngân hàng bị thanh tra phải có mức điểm 1 hay 2. Các ngân hàng có mức điểm 3 tới 5 được xem là dưới chuẩn và phải thực hiện những chấn chỉnh theo khuyến nghị của các cơ quan này.

Với những ngân hàng được xếp hạng 5, các cơ quan thanh tra giám sát sẽ theo dõi thường xuyên hoạt động của nhà băng và có thể trở lại thanh tra toàn diện hay từng phần bất cứ lúc nào để tiến hành biện pháp cuối cùng là đóng cửa. Đặc biệt, những ngân hàng trong nhóm này mà vốn chủ sở hữu bị xếp loại “thiếu vốn trầm trọng” (critically undercapitalized) thì sẽ bị đặt vào tình trạng báo động và cơ quan quản lý có thể đóng cửa ngân hàng bất cứ lúc nào nếu nguồn vốn không được bổ sung.

Tại Mỹ, cơ quan nào thực hiện chức năng thanh tra, giám sát ngân hàng, thưa ông?

Tại Mỹ thường có 3 cơ quan. Ở cấp tiểu bang là Cơ quan Quản lý ngân hàng tiểu bang (State Banking Department, hay tại một vài tiểu bang còn gọi là Financial Institutions Department). Ở cấp liên bang thường là Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC). Những ngân hàng thuộc về các tập đoàn tài chính và được quy định theo Bank Holding Act sẽ do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành thanh tra.

Ngoài ra, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ (Treasury Department) cũng có chức năng thanh tra giám sát những hoạt động tài chính do Bộ Ngân khố quản lý, chẳng hạn các hoạt động liên quan đến rửa tiền, trốn thuế và phạm pháp.

Nói chung, trên thế giới, căn cứ để các cơ quan tiến hành thanh tra, giám sát tùy thuộc vào quy định của các cơ quan quản lý hệ thống tài chính ngân hàng của mỗi quốc gia. Ngoài các quy định về thanh tra và giám sát, nhiều quốc gia áp dụng các nguyên tắc về quản lý rủi ro gọi là các nguyên tắc Basel của OECD trong thanh tra giám sát.

Dĩ nhiên, các cơ quan thanh tra của Mỹ cũng lồng ghép những nguyên tắc về tuân thủ và quản lý rủi ro của Basel vào hệ thống những chỉ tiêu cho thanh tra giám sát, nhưng CAMELS vẫn là cột trụ để đánh giá tình hình tài chính của các ngân hàng và đó là cơ sở để các cơ quan chức năng quản lý toàn bộ ngành ngân hàng tại đây.

Ở Mỹ, các cơ quan quản lý ban hành sổ tay về thanh tra giám sát, nhưng không công bố ra ngoài, vì đây là công cụ của các thanh tra viên dùng để thanh tra với tất cả các chi tiết nằm trong sổ tay. Tất nhiên, các thanh tra viên đều công bố những quy định chung về thanh tra, giám sát sẽ như thế nào cho tất cả các ngân hàng. Có 2 loại thanh tra là thanh tra thường xuyên, định kỳ hoặc thanh tra đột xuất, tương tự như Việt Nam.

Thường trước khi thanh tra đột xuất, thanh tra viên sẽ báo cho ngân hàng biết rằng mình cần những dữ liệu nào và ngân hàng phải gửi tất cả dữ liệu này một cách đầy đủ. Điều này cũng có nghĩa, thanh tra viên đã nghiên cứu tham khảo tất cả các thông tin đó trước khi quyết định thanh tra, bên cạnh việc được trình những thông tin này, họ còn có thể “khơi bới” tất cả những gì cần biết.

Một điểm mà tôi quan sát trong các cuộc thanh tra tại Mỹ là các thanh tra làm việc rất liêm chính. Họ từ chối tất cả những cơ hội được ưu đãi hay chiêu đãi bởi các ngân hàng đang là đối tượng thanh tra. Họ từ chối ngay cả việc đi ăn cơm trưa với các cán bộ ngân hàng kể cả khi được mời bởi tổng giám đốc hay các cán bộ cao cấp.

Dĩ nhiên, họ từ chối tất cả những ưu đãi khác như có xe đưa rước hàng ngày, trả tiền máy bay, thuê khách sạn hay quà tặng. Những cách chiêu đãi/phục vụ này được xem là mang tính hối lộ và với giá trị lớn có thể bị truy tố trước pháp luật. Những phí tổn cho các cuộc thanh tra sẽ được thông báo cho ngân hàng và ngân hàng phải trả những phí tổn đó, nhưng không hề có chuyện trả riêng bằng tiền hay hiện vật cho cá nhân các thanh tra.

Thanh tra, giám sát tại Mỹ được  tiến hành như thế nào? ảnh 2

Nếu so sánh về mức độ thanh tra giữa Việt Nam và Mỹ, ông sẽ chia sẻ điều gì?

Về cường độ, thời gian tôi cho rằng ở hai nước tương tự như nhau. Thường là thanh tra vào khoảng 3, 4 tuần lễ và quy mô, số lượng thanh tra phụ thuộc vào quy mô của ngân hàng. Những ngân hàng có vấn đề nghiêm trọng thì số lượng thanh tra càng nhiều.

Thanh tra trên cơ sở rủi ro cũng là một phần của thanh tra toàn diện. Thanh tra tại Mỹ mang tính chất thanh tra toàn diện về tình hình hoạt động của ngân hàng nên trong đó có cả tuân thủ và rủi ro. Việc “chạy” song song cả 2 phương pháp đảm bảo các ngân hàng tuân thủ luật lệ, quy định nội bộ, quy định của quốc gia. Tôi đã từng làm việc với một số ngân hàng tại nước ngoài và nhận thấy, thanh tra của Mỹ là mô hình tiêu biểu cho thanh tra trên thế giới.

Được biết, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng đang áp dụng phương pháp CAMELS, mặc dù quy mô còn khá khiêm tốn. Vấn đề đặt ra là nếu trong thời gian tới chúng ta tiến hành phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro và toàn diện thì sẽ có sự khác nhau nào giữa các phương pháp này?

Tại Việt Nam, một số ngân hàng đã áp dụng CAMELS cho kiểm tra và kiểm soát nội bộ, nhưng được tùy tiện áp dụng. Nhìn chung, cả hệ thống ngân hàng vẫn tập trung vào thanh tra tuân thủ, chưa phải thanh tra toàn diện. Thực tế tại các quốc gia có hệ thống ngân hàng tiên tiến và vững mạnh, phương pháp thanh tra toàn diện sẽ giúp thanh tra không những chỉ ra sai phạm của ngân hàng, mà còn có thể tư vấn ngân hàng có những biện pháp điều chỉnh, cải thiện để phát triển an toàn và bền vững.

Việc chuyển đổi từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra rủi ro và toàn diện đòi hỏi nhiều bước căn bản phải được thực hiện. Trước hết, mục tiêu thanh tra phải được xác định: thanh tra đặt trọng tâm vào tính tuân thủ các quy định pháp luật và quy định nội bộ của một ngân hàng hay thanh tra toàn diện để xác định tình hình kinh doanh an toàn và hiệu quả của ngân hàng.

Trên cơ sở những mục tiêu đề ra, các phương pháp thanh tra cần phải được xây dựng và phổ biến trong toàn hệ thống. Song song với bước này, việc đào tạo cán bộ thanh tra phải được tiến hành mau chóng. Hạ tầng cơ sở cho thanh tra toàn diện phải được cải tiến, trong đó có đầu tư vào công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu của thanh tra rủi ro và toàn diện.

Một trong những điểm khác biệt chính giữa thanh tra tuân thủ và thanh tra toàn diện là thanh tra tuân thủ tập trung vào các quy định hiện hành. Các quy định này có thể thay đổi theo từng thời kỳ và thanh tra chỉ tập trung vào những quy định đang có hiệu lực. Thanh tra toàn diện đòi hỏi tính nhất quán của các quy định trong một thời gian dài và đây cũng là khó khăn trong việc áp dụng thanh tra toàn diện ở Việt Nam, vì các quy định pháp luật được điều chỉnh thường xuyên để đáp ứng điều kiện và môi trường tài chính ở Việt Nam.

Một điểm quan trọng nữa là tính minh bạch và thông suốt của các báo cáo tài chính và thông tin của ngân hàng. Những vấn đề như che giấu nợ xấu, thông tin về sở hữu chéo, đầu tư chéo, vốn ảo hiện vẫn là một rào cản để thực hiện thanh tra toàn diện. Thông tin chính xác và minh bạch là tiền đề cho thanh tra toàn diện. Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra những biện pháp, chế tài quyết liệt để các ngân hàng bảo đảm tính minh bạch và trong suốt trên sổ sách của các ngân hàng.

Nếu sắp tới luật pháp Việt Nam cho phép các ngân hàng yếu kém phá sản thì thanh tra toàn diện và rủi ro là điều kiện tiên quyết để xác định tình tình sức khỏe tài chính của một ngân hàng và mức độ rủi ro hay an toàn của ngân hàng đó đối với thị trường tài chính và cả nền kinh tế.

Tin bài liên quan