Thanh tra dự trên cơ sở rủi ro: Bước đi tất yếu

Thanh tra dự trên cơ sở rủi ro: Bước đi tất yếu

(ĐTCK) Theo Ngân hàng ANZ Việt Nam, khi chuyển sang giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế ngành ngân hàng, hệ thống các tổ chức tín dụng có bước phát triển rất nhanh về quy mô và phạm vi hoạt động, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Do đó, nâng cao năng lực quản trị rủi ro là công việc sống còn của TCTD trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường, của quá trình hội nhập quốc tế. Sự phát triển mạnh mẽ của các TCTD cả về chiều rộng và bề sâu cũng đòi hỏi hoạt động quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước phải được đổi mới, theo đó, thanh tra trên cơ sở rủi ro đối với TCTD là bước đi tất yếu của Ngân hàng Nhà nước. 

Thông lệ tốt nhất trên thế giới hiện nay

Theo định nghĩa ở phạm vi rộng, thanh tra trên cơ sở rủi ro là nền tảng cho toàn bộ công tác quản lý và giám sát ngành ngân hàng từ xây dựng tới thực thi chính sách thanh tra. Ở cấp độ chính sách, trọng tâm của công tác thanh tra tập trung vào trách nhiệm của hội đồng quản trị và ban điều hành đối với công tác quản trị rủi ro ở các ngân hàng và duy trì mức vốn đủ để bù đắp cho những tổn thất có thể xảy ra. Đây cũng là tinh thần được đề cập tới trong các nguyên tắc của Basel II. Ở cấp độ thực thi, mức độ ưu tiên của các hoạt động thanh tra và nguồn lực phân bổ tương ứng sẽ được điều chỉnh theo mức độ rủi ro. Ví dụ, nguồn lực thanh tra sẽ được phân bổ cho các lĩnh vực có mức độ rủi ro được đánh giá là cao nhất. Phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro cũng sẽ tập trung vào đánh giá tính đầy đủ và phù hợp của hệ thống quản trị rủi ro của ngân hàng.

Trước đây, các ngân hàng trung ương đều áp dụng phương pháp thanh tra tuân thủ. Theo đó, thanh tra viên tập trung chủ yếu vào kiểm tra xem các ngân hàng có những hành vi vi phạm các luật và hệ thống văn bản dưới luật, không phân biệt tính trọng yếu. Thanh tra ngân hàng chủ yếu dựa vào việc kiểm tra giao dịch và các thử nghiệm chi tiết khác. Trong nhiều trường hợp, cách làm này không thực sự hiệu quả và có phần trùng lặp với công việc của kiểm toán viên độc lập. Phương pháp này, do vậy, thường tốn nhiều nguồn lực (vì vậy khá tốn kém) mà lại không mấy hiệu quả.

Khác với thanh tra tuân thủ, thanh tra trên cơ sở rủi ro tập trung vào việc đánh giá các vấn đề thông qua nhận diện những yếu kém trong cách thức vận hành hệ thống quản trị rủi ro của đối tượng thanh tra. Phương pháp này đặt trọng tâm vào việc tìm hiểu và đánh giá chất lượng của hệ thống quản trị rủi ro của một ngân hàng trong việc nhận biết, đo lường, giám sát và kiểm soát rủi ro một cách phù hợp và kịp thời. Chính vì vậy, phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro không chỉ đem lại lợi ích cho ngân hàng trung ương mà còn góp phần đáng kể nâng cao chất lượng của hệ thống quản trị rủi ro tại các ngân hàng thương mại.

Thanh tra trên cơ sở rủi ro là thông lệ tốt nhất trên thế giới hiện nay và được khuyến nghị áp dụng bởi các nguyên tắc Basel cho hoạt động thanh tra hiệu quả (BCPs). Các lợi ích của thanh tra trên cơ sở rủi ro có thể được tóm tắt như sau: sử dụng hiệu quả các nguồn lực thanh tra bằng cách tập trung vào rủi ro, điều này cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực ngân hàng; đánh giá các ngân hàng một cách nhất quán thông qua việc tìm hiểu và đánh giá rủi ro tiềm tàng và quy trình quản trị rủi ro; xác định sớm những rủi ro mới của từng ngân hàng và của ngành; sự ghi nhận từ phía cơ quan thanh tra về các đặc thù kinh doanh, những rủi ro một ngân hàng phải đối mặt và chất lượng quản trị những rủi ro đó; xây dựng và thúc đẩy văn hóa quản trị và giám sát rủi ro tại các ngân hàng thương mại.

Ở giai đoạn 1, 10 ngân hàng thương mại cổ phần tốp đầu đã được chọn mẫu để triển khai lộ trình tuân thủ Basel II vào năm 2017 

Thách thức hiện hữu

Điều kiện tiên quyết để triển khai thanh tra trên cơ sở rủi ro là các ngân hàng thương mại cần khung quản trị rủi ro vận hành trên thực tế, từ đó xác định rủi ro, đo lường rủi ro và tích hợp các kết quả đo lường trong công tác ra quyết định kinh doanh hàng ngày đến cơ chế giám sát rủi ro và các báo cáo quản trị phù hợp. Tuy nhiên, quản trị rủi ro ở các ngân hàng Việt Nam hiện nay còn một số thách thức.

Thứ nhất, khó khăn khi đánh giá khả năng quản trị rủi ro, chiến lược quản trị rủi ro tổng thể của nhà băng. Theo đó, cơ sở dữ liệu về phân tích, dự báo môi trường kinh doanh, đánh giá nguồn lực và xác định tầm nhìn trung, dài hạn, vốn là công cụ quản lý cơ bản của các ngân hàng thương mại hiện đại, vẫn còn thiếu. Do vậy, nhìn chung, các ngân hàng thương mại còn gặp nhiều lúng túng trong việc hoạch định chiến lược dài hạn. Chiến lược có thể được đưa ra dựa trên đánh giá kết quả năm cũ và mục tiêu cho năm tới mà chưa xem xét, phân tích mức độ rủi ro và khả năng quản trị tương xứng. Các loại rủi ro trong ngân hàng được quản lý tách biệt, chưa có sự liên kết để đưa ra cái nhìn toàn diện về cấu trúc rủi ro của ngân hàng. 

Thứ hai, thiếu khung quản lý rủi ro toàn diện với đủ các yếu tố cần thiết. Một khung quản trị rủi ro toàn diện đòi hỏi ngân hàng phải xác định được danh mục các rủi ro tiềm tàng và mức độ chấp nhận rủi ro, trên cơ sở đó xây dựng hệ thống quản trị để đưa rủi ro còn lại về mức chấp nhận được. Hệ thống này sẽ bao gồm nhiều kiểm soát khác nhau như: Kiểm soát ở cấp độ toàn đơn vị (tầng quản trị), bao gồm khẩu vị và mức chấp nhận rủi ro, chính sách quản trị rủi ro, chức năng nhiệm vụ của các bộ phận, vai trò của ban lãnh đạo; Kiểm soát ở cấp độ quy trình; Kiểm soát của các chức năng độc lập như tuân thủ, quản trị rủi ro; và các kiểm soát tự động (tùy theo hạ tầng công nghệ thông tin được triển khai).

Thứ ba, một số ngân hàng còn thiếu danh mục các rủi ro tiềm tàng và mức độ chấp nhận rủi ro. Theo đó, hệ thống kiểm soát trong một số trường hợp được xây dựng theo kinh nghiệm, chưa có sự gắn kết rõ ràng giữa kiểm soát và rủi ro. Chính vì vậy, mức độ của rủi ro còn lại rất khó để xác định và kéo theo đó là kết luận về tính đầy đủ của kiểm soát.

Thứ tư, chưa có phương pháp tính toán rủi ro và mức độ đủ vốn. Do những hạn chế về khung quản trị rủi ro nêu trên, một số ngân hàng chưa thực hiện được công tác lượng hóa rủi ro. Với các ngân hàng bước đầu nỗ lực xây dựng các mô hình lượng hóa rủi ro, tính đầy đủ và chính xác của dữ liệu là khó khăn vô cùng lớn và cần nhiều thời gian để khắc phục.

Một số giải pháp

Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm từng bước hướng các ngân hàng thương mại tới việc triển khai khung quản trị rủi ro theo các thông lệ tốt nhất. Ở giai đoạn 1, 10 ngân hàng thương mại cổ phần tốp đầu đã được chọn mẫu để triển khai lộ trình tuân thủ với Basel II vào năm 2017. Các ngân hàng còn lại sẽ thực hiện tuân thủ với Basel II vào năm 2019. Dự thảo thông tư về quản trị rủi ro đã được soạn thảo và thực hiện lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các tổ chức tín dụng và các cơ quan có liên quan nhiều vòng.

Mặc dù vậy, cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa thiết lập được khuôn khổ pháp lý chính thức cho hoạt động quản trị rủi ro của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành thông tư về quản trị rủi ro, bởi thực tế cho thấy, yêu cầu tuân thủ là động lực thực thi lớn nhất cho các ngân hàng. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn cũng sẽ là tài liệu hỗ trợ cho các ngân hàng trong việc định hướng và hoạch định kế hoạch triển khai sớm và phù hợp.

Tin bài liên quan