Thanh toán điện tử chờ trận chiến giữa các đại gia

(ĐTCK) Năm năm tới, thị trường thanh toán điện tử Việt Nam có thể là chiến trường của những ông lớn nước ngoài và đặt các doanh nghiệp Việt ngoài cuộc chơi. Đây là dự báo của ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng. 

Theo số liệu của Statista, giá trị thanh toán điện tử ở Việt Nam năm 2017 đã tăng 22% lên mức 6,14 tỷ USD và con số này dự kiến tăng gấp đôi lên 12,33 tỷ USD vào năm 2022. Ông đánh giá thị trường thanh toán điện tử Việt Nam đang ở mức nào?

 Ông Nguyễn Hoà Bình

Nhìn lại trước đây, thanh toán điện tử ra đời năm 2008 với mô hình đầu tiên là ví điện tử. Đến nay, có nhiều doanh nghiệp khai thác mô hình ví điện tử như: Payoo, Mobivi, Ngân Lượng… đã được cấp phép thử nghiệm loại hình dịch vụ này.

Hơn 90% giao dịch thanh toán ở Việt Nam là thanh toán bằng tiền mặt và người tiêu dùng ưa chuộng hình thức COD (Cash On Delivery: Trả tiền mặt khi nhận hàng) hơn thanh toán trực tuyến. Nhằm thay đổi hành vi thanh toán này, giới chức nước ta gần đây đã có nhiều chính sách khuyến khích việc gia tăng giao dịch không dùng tiền mặt. Đây là động lực thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử.

Hiện tại, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán điện tử, thanh toán thẻ tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Các giao dịch thanh toán đã chuyển dần sang phương thức xử lý tự động, sử dụng chứng từ điện tử… Các giao dịch thanh toán được xử lý điện tử chiếm tỷ trọng lớn, thời gian xử lý hoàn tất một giao dịch được rút ngắn xuống còn vài phút, thậm chí chỉ trong vòng vài giây hoặc tức thời.

Bên cạnh đó, thanh toán qua di động (Mobile payment) phát triển tốt, cùng với các công cụ, hệ thống hỗ trợ thanh toán trên điện thoại di động như MPoS, ví điện tử, QR code…

Với những diễn biến này, có thể thấy thanh toán điện tử đã có những kết quả nhất định, nhưng tôi cho rằng, thị trường này tại Việt Nam vẫn đang ở mức sơ khai và còn nhiều tiềm năng. So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam sẽ có những tiến triển nhanh hơn và thành tựu lớn hơn trong thời gian tới.

Phải chăng việc thị trường nhiều tiềm năng và đang ở mức sơ khai đã khiến Việt Nam trở nên rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài?

Đúng vậy. Nhiều doanh nghiệp thương mại, thanh toán điện tử quốc tế đang thể hiện sự quan tâm rõ rệt đối với thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, Alibaba đang nhanh chóng thúc đẩy việc thành lập công ty riêng, sớm gia nhập thị trường.

Với nguồn lực tài chính mạnh, Alibaba sẽ trở thành đối thủ đáng gờm đối với các doanh nghiệp thanh toán điện tử trong nước, vốn chưa có quy mô tương xứng. Do đó, đây là một trong những mối lo ngại của toàn thị trường.

Một trường hợp có tính chất tương tự đang diễn ra đó là Grab đã thâu tóm Uber Đông Nam Á, khiến Uber rút lui khỏi Việt Nam. Điều này làm dấy lên lo ngại về tình trạng độc quyền trên thị trường chia sẻ xe công nghệ, cũng như khiến tài xế, người dùng bị “chèn ép”. Khi các doanh nghiệp thanh toán điện tử nội địa còn nhỏ lẻ, khó liên kết với nhau, khoảng 5 năm nữa, các doanh nghiệp nước ngoài có thể thống lĩnh thị trường.

Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với vấn đề này ra sao?

Vấn đề dễ nhìn thấy của các công ty thanh toán điện tử trong nước là vốn ít, tiềm lực mỏng. Trong khi tại lĩnh vực này, nguồn lực tài chính tốt chính là nền tảng bền vững cho sự phát triển.

Thực tế, các doanh nghiệp thương mại điện tử của Trung Quốc như Alibaba, Tencent hay Baidu có thể nhanh chóng lớn mạnh chủ yếu nhờ chính sách bảo hộ của chính phủ, bảo vệ họ khỏi sự đe dọa từ các ông lớn trên toàn cầu như Google, Paypal, Facebook. Khi các đơn vị này phát triển mạnh tại thị trường nội địa, nhu cầu mở rộng ra các khu vực khác trên thế giới là dễ hiểu.

Trong khi đó, nếu tiến hành đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và nhận được các chính sách chào đón, tạo điều kiện một cách nhiệt tình từ cơ quan quản lý, thì các doanh nghiệp này sẽ như “hổ mọc thêm cánh”, có thể dễ dàng đè bẹp các doanh nghiệp địa phương.

Theo tôi, trong bối cảnh này, để có thể tồn tại, về phía doanh nghiệp, cần có sự chuẩn bị từ sớm về nguồn lực và nhân lực. Việc mở rộng hoạt động sang một lĩnh vực khác cũng là một sự lựa chọn tốt. Về phía cơ quan quản lý, nếu không có rào cản bảo hộ thì doanh nghiệp nội địa sẽ không có được sự bảo vệ tương xứng, khó có thể chống chọi với các công ty nước ngoài tại thị trường này.

Ông có dự báo gì về xu hướng thị trường thanh toán điện tử Việt Nam trong thời gian tới?

Tỷ phú Jack Ma từng ví thương mại điện tử tại Việt Nam như một mỏ vàng. Mỏ vàng này đang được khai thác ra sao và trong tương lai sẽ đi về đâu? Lazada nhận 1 tỷ USD từ Alibaba; Shopee nhận được khoản đầu tư 500 triệu USD từ Tencent…

Thị trường thương mại điện tử như thế nào thì thị trường thanh toán điện tử cũng sẽ tương tự. Trong khoảng 5 năm tới, nếu không có vai trò điều tiết chính sách của Nhà nước thì thị trường thanh toán điện tử Việt Nam sẽ là trận chiến của những “ông lớn” nước ngoài, người Việt Nam sẽ đứng ngoài cuộc chơi.

Tin bài liên quan