Lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng tại nhà băng nhỏ ở mức 8,5-8,8%/năm

Lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng tại nhà băng nhỏ ở mức 8,5-8,8%/năm

Thanh khoản ngân hàng: nơi thừa, chỗ chật vật!

(ĐTCK) Tín dụng bí đầu ra, các ngân hàng lớn cắt giảm lãi suất huy động để tiết kiệm chi phí, song không ít nhà băng nhỏ vẫn phải chật vật cạnh tranh thu hút vốn.

Lãi suất huy động tiết kiệm được áp dụng tại các ngân hàng lớn phổ biến ở mức 5 - 6%/năm cho kỳ hạn từ 1 - 5 tháng; 6 - 6,5%/năm cho kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm và cao nhất là 7%/năm cho kỳ hạn trên 1 năm.

Trong khi đó, các NHTM cổ phần nhỏ vẫn phải “neo” lãi suất huy động kịch trần đối với kỳ hạn từ 1 - 5 tháng và áp dụng mức 7 - 8%/năm cho kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm. Riêng kỳ hạn 12 - 13 tháng, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm vẫn được duy trì ở mức 8,5 - 8,8%/năm. Thậm chí, các NHTM nhỏ còn gia tăng khuyến mãi, tặng tiền cho khách hàng và nếu quy đổi sang lãi suất có thể lên tới 9 - 10%/năm cho kỳ hạn tiền gửi 9 tháng đến 1 năm. Song một số nhà băng nhỏ cho biết, huy động tiền gửi tiết kiệm bắt đầu có chiều hướng chững lại trong tháng này. 

Sở dĩ các ngân hàng quy mô nhỏ vẫn phải chạy đua cạnh tranh huy động vốn, theo đánh giá của ông Huỳnh Bửu Sơn, chuyên gia lĩnh vực ngân hàng, là do người gửi tiền vẫn “chọn mặt gửi tiền” ở những nhà băng lớn, buộc nhà băng nhỏ phải cạnh tranh về lãi suất mới mong giành được thị phần huy động lẫn cho vay. Và với tình hình tín dụng khó khăn hiện nay, việc chạy đua huy động lãi suất cao như con dao 2 lưỡi, nếu không thận trọng, các ngân hàng sẽ dễ lặp lại vòng luẩn quẩn trước đây.

Theo quy chuẩn mới của NHNN, trong năm nay, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn trên tổng nguồn huy động, vì thế càng khó khăn cho ngân hàng. Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, Ngân hàng phấn đấu tỷ lệ sử dụng vốn trên tổng huy động là 80% (tức huy động về 100 đồng thì chỉ cho vay ra 80 đồng) và phải chấp nhận chi phí vốn 20 đồng. Điều này trước mắt đảm bảo được an toàn trong hoạt động ngân hàng, nhưng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng cho rằng, việc một số ngân hàng nhỏ đưa ra mức lãi suất hấp dẫn hơn các ngân hàng lớn kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi ngoài lý do thương hiệu yếu hơn thì có nguyên nhân khác. Đó là do nợ xấu của các ngân hàng nhỏ ở mức cao và cho dù đã bán nhiều cho VAMC thời gian qua, nhưng đòi hỏi các ngân hàng vẫn phải trích dự phòng 20% hàng năm cho trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.

Để có nguồn vốn giá rẻ mở rộng hơn hoạt động tín dụng, vị lãnh đạo trên cho biết, một số ngân hàng trình xin NHNN để được tái cấp vốn, thế chấp bằng trái phiếu đặc biệt nói trên, nhưng trên cơ sở xem xét, đến nay, NHNN vẫn chưa tái cấp vốn thế chấp trái phiếu đặc biệt cho một nhà băng nào. Những ngân hàng cần vốn, muốn gia tăng nguồn thế chấp bằng trái phiếu đặc biệt vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc nên chưa thể đẩy mạnh tín dụng. Trong khi đó, nhà băng lớn lại dư nguồn và không có nhu cầu tái cấp vốn.

Chính vì thế, các nhà băng nhỏ tiếp tục chạy đua với lãi suất huy động từ thị trường một (dân cư và tổ chức kinh tế), nhưng do lãi suất tiền đồng mất dần tính hấp dẫn, nên các nhà băng phải gia tăng khuyến mãi, quà tặng để có thể thu hút được dòng tiền nhàn rỗi.

Cũng theo nhận định của chuyên gia Hùng Bửu Sơn, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm khó có thể giảm thêm nhiều so với mức trần hiện nay. Bởi lạm phát mục tiêu kỳ vọng trong năm nay ở mức 5,5 - 6%/năm thì trần lãi suất tiền đồng ở mức hiện nay là phù hợp. Nếu trần lãi suất giảm thêm sẽ khó có thể tránh được tình trạng tiền đồng chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác. Trong khi đó, không ít ý kiến lại đồng tình với việc duy trì lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp để khuyến khích dòng tiền nhàn rỗi chảy ra ngoài thị trường, thay vì ở lại ngân hàng. Có như vậy, sức mua của thị trường mới được kích cầu, tác động động tích cực lên các kênh đâu tư và sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động tốt trở lại.

Tin bài liên quan