Pháp luật không quy định chủ tài khoản phải có mặt tại ngân hàng để thực hiện việc giao nhận ủy nhiệm chi

Pháp luật không quy định chủ tài khoản phải có mặt tại ngân hàng để thực hiện việc giao nhận ủy nhiệm chi

Thận trọng với giao dịch tài khoản gián tiếp

(ĐTCK) Vừa qua, ngành ngân hàng chứng kiến một số vụ việc khách hàng khiếu nại vì bị rút mất tiền, mặc dù không thực hiện giao dịch với ngân hàng. Các vụ việc này liên quan đến nghiệp vụ ủy nhiệm chi. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO. 

Về 2 vụ việc khách hàng khiếu nại xảy ra tại VPBank và SCB vừa qua, ông có bình luận gì?

Những vụ việc khách hàng khiếu nại mất tiền trùng hợp về yếu tố rủi ro ở chỗ, ngân hàng đã giải quyết giao dịch khi không trực tiếp tiếp xúc với khách hàng. Trong cả hai vụ việc, khách hàng đều khiếu nại họ không đến giao dịch tại ngân hàng, nhưng ngân hàng đã giải quyết các ủy nhiệm chi chuyển khoản từ tài khoản tiền gửi của họ.

Xem xét kỹ vụ việc, ngân hàng cũng không hoàn toàn sai khi các giao dịch chuyển khoản đều được tiến hành với sự lưu giữ chứng từ ủy nhiệm chi từ khách hàng. Khách hàng cũng không hoàn toàn đúng khi có những yếu tố không giải thích rõ ràng về việc bị lợi dụng chữ ký trên chứng từ ủy nhiệm chi tại ngân hàng. Tuy nhiên, về phía ngân hàng cũng như khách hàng, cần có quan điểm thận trọng trong giao dịch gián tiếp sau những rủi ro pháp lý đã nhìn thấy từ chính các vụ việc này.

Luật sư Trần Minh Hải 

Một số ngân hàng chấp nhận cho doanh nghiệp được mở tài khoản giao dịch hoặc thay đổi thông tin nhận diện tài khoản giao dịch mà chủ tài khoản không trực tiếp đến thực hiện thủ tục. Điều này đúng hay sai luật và liệu có rủi ro gì cho ngân hàng?

Theo quy định tại Điều 14, Thông tư số 23/2014/TT-NHNN năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước về mở và sử dụng tài khoản thanh toán thì có 3 phương thức nộp hồ sơ mở tài khoản. Đó là phương thức nộp trực tiếp, phương thức gửi qua đường bưu chính và phương thức gửi qua phương tiện điện tử đến ngân hàng.

Trong cả 3 phương thức nêu trên, pháp luật chỉ đặt ra quy định về bộ hồ sơ mở tài khoản cần những tài liệu gì. Pháp luật không yêu cầu hay chỉ rõ ai là người nộp hoặc gửi hồ sơ mở tài khoản. Do vậy, trừ phi ngân hàng có quy trình nội bộ yêu cầu cụ thể thì bất kỳ ai cũng có thể nộp và gửi hồ sơ mở tài khoản doanh nghiệp tại ngân hàng mà không nhất thiết phải là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận yếu tố rủi ro cho ngân hàng trong trường hợp không trực tiếp nhận hồ sơ từ người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu như chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị làm giả trên toàn bộ các tài liệu trong hồ sơ mở tài khoản, thay đổi tài khoản; chữ ký mẫu của chủ tài khoản ngay từ đầu đã bị làm giả thì rủi ro là ngân hàng mất kiểm soát toàn bộ các chứng từ thật giả trong giao dịch sau đó. Việc đối chiếu các chữ ký giao dịch của khách hàng sau đó không còn nhiều ý nghĩa, bởi ngay cả chữ ký mẫu cũng là giả mạo.

Trong vụ việc khách hàng khiếu nại mất 4 tỷ đồng tại SCB, khách hàng cho rằng, Ngân hàng đã sai khi giải quyết lệnh ủy nhiệm chi chuyển tiền do người khác mang đến, chứ không phải khách hàng. Về vấn đề này, pháp luật quy định thế nào, thưa ông?

Ủy nhiệm chi là lệnh chi do chủ tài khoản lập trên mẫu in sẵn để yêu cầu ngân hàng nơi mình mở tài khoản, trích một số tiền nhất định từ tài khoản của mình để trả cho người thụ hưởng hoặc chính mình. Thông tư số 46/2014/TT-NHNN năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước về thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt là văn bản pháp quy điều chỉnh nghiệp vụ này.

Theo đó, quy trình thanh toán ủy nhiệm chi được giao cho các ngân hàng tự xây dựng. Thông tư số 46 chỉ đưa ra một số yêu cầu trong việc lập, giao nhận và kiểm soát ủy nhiệm chi. Theo quy định về trình tự lập, giao ủy nhiệm chi tại Thông tư này, chủ tài khoản chỉ cần gửi đến ngân hàng phục vụ.

Thông tư không yêu cầu chủ tài khoản phải có mặt tại ngân hàng để thực hiện việc giao nhận ủy nhiệm chi. Trách nhiệm của ngân hàng chỉ là đối chiếu sự khớp đúng giữa chữ ký trên chứng từ ủy nhiệm chi với mẫu chữ ký mà khách hàng đã đăng ký với ngân hàng.

Thực tế, các ngân hàng thường chấp nhận giải quyết lệnh ủy nhiệm chi mà không cần có sự hiện diện của chủ tài khoản đối với các doanh nghiệp. Đối với khách hàng cá nhân, ngân hàng sẽ yêu cầu khách hàng trực tiếp đến ngân hàng giao dịch. Nhưng xét về mặt pháp lý, ngân hàng có thể chấp nhận một ủy nhiệm chi do bất kỳ ai đến giao nhận tại ngân hàng, miễn là sau khi đối chiếu chữ ký giao dịch, ngân hàng thấy khớp đúng.

Trước những sự cố về giao dịch tiền gửi của khách hàng và ngân hàng, ông có lời khuyên gì?

Đối với các khách hàng gửi tiền, nên nhìn nhận việc thiếu thận trọng trong quản lý chữ ký, yếu tố nhận diện sẽ tạo thành nguy cơ rủi ro gây mất an toàn tiền gửi. Khi thiệt hại xảy ra, nếu lỗi không thuộc về khách hàng thì về nguyên tắc, khách hàng sẽ được ngân hàng bồi hoàn toàn bộ thiệt hại.

Tuy nhiên, nếu lỗi thuộc về khách hàng, trách nhiệm trước thiệt hại thuộc về chính khách hàng. Nguyên tắc này đã được ghi nhận tại Điều 5, Thông tư số 23/2014/TT-NHNN. Cụ thể, chủ tài khoản chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình.

Đối với ngân hàng, từ những vụ việc bất thường cho thấy, cần tăng cường quản lý rủi ro giao dịch tài khoản nói chung và rủi ro giao dịch gián tiếp đối với chứng từ tài khoản của khách hàng nói riêng. Có ý kiến cho rằng, nên điều chỉnh quy định của pháp luật theo hướng bắt buộc khách hàng phải trực tiếp đến ngân hàng khi thực hiện các giao dịch.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp hàng ngày phải thực hiện rất nhiều giao dịch khác nhau nên không phải lúc nào người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp cũng có thể đến ngân hàng để ký chứng từ. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch với ngân hàng là một xu hướng cần khuyến khích. Không nên vì một vài trường hợp rủi ro xảy ra mà bắt buộc khách hàng phải đến giao dịch trực tiếp tại ngân hàng. Điều đó có thể ảnh hưởng đến hàng triệu giao dịch qua tài khoản mỗi ngày.

Tuy nhiên, ngân hàng cần tăng cường lưu giữ thêm trong hồ sơ giao dịch các tài liệu, chứng từ liên quan đến việc giới thiệu hoặc ủy quyền cho cá nhân đại diện doanh nghiệp thực hiện thủ tục giao dịch với ngân hàng. Đồng thời, cũng cần lưu giữ trong hồ sơ mở tài khoản hoặc hồ sơ giao dịch tài khoản thông tin hoặc chứng cứ giúp xác định người đã cung cấp các chứng từ giao dịch cho ngân hàng, nhằm phân định rõ trách nhiệm pháp lý cho chính ngân hàng.

Tin bài liên quan