Thách thức mục tiêu hạ lãi suất

Thách thức mục tiêu hạ lãi suất

(ĐTCK) Lãi suất tiết kiệm được dự báo tiếp tục tăng do tác động từ các yếu tố bên ngoài và việc các nhà băng đẩy mạnh tái cơ cấu nguồn vốn đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Mục tiêu giảm lãi suất cho vay trong năm 2017 đang gặp nhiều thách thức.

Lãi suất huy động nhích lên

Thanh khoản của các nhà băng sau Tết Nguyên đán khá tốt do dòng tiền nhàn rỗi đang dần quay trở lại với các ngân hàng. Tuy nhiên, lãi suất huy động trên thị trường có xu hướng tăng. VPBank, BIDV, Eximbank… đã nâng thêm 0,2 - 0,4%/năm lãi suất huy động với các kỳ hạn. Tại BIDV, kỳ hạn tiền gửi tiết kiệm 3 tháng được đẩy lên mức kịch trần 5,5%/năm từ ngày cuối năm âm lịch nên các nhà băng nhỏ buộc niêm yết mức này, thậm chí cao hơn ở kỳ hạn dài ngày, cộng thêm các tiện ích khác mới hút được tiền gửi.

Với kinh nghiệm điều hành của NHNN, khả năng giữ ổn định lãi suất vẫn có thể thực hiện được.

- TS. Lê Xuân Nghĩa.

Đáng chú ý, ở một số nhà băng nhỏ, lãi suất huy động chạm tới mức 8%/năm cho kỳ hạn dài. Với các kỳ hạn ngắn, các nhà băng tặng tiền lì xì đầu năm. Thậm chí, một số nhà băng như VietBank còn tặng vàng cho khách gửi tiền...

Trò chuyện với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, Chủ tịch Hội đồng quản trị một nhà băng quy mô vốn 5.000 tỷ đồng thừa nhận, thanh khoản của ngân hàng ông lúc này khá tốt, song không thể không cạnh tranh huy động với các ngân hàng nhỏ hơn.

Với mức trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 5 tháng trở xuống được cào bằng 5,5%/năm ở hầu hết các nhà băng hiện nay, ngân hàng lớn sẽ có lợi thế hơn nhiều so với nhà băng nhỏ.

Lãnh đạo nhiều nhà băng kỳ vọng, tín dụng năm 2017 sẽ tiếp tục cải thiện, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành đặt ra năm nay ở mức 18%, nhưng nhiều ngân hàng, nhất là nhà băng nhỏ còn đưa ra kế hoạch tăng trưởng 25 - 30%. Vì vậy, các nhà băng không ngừng thu hút dòng tiền nhàn rỗi để chuẩn bị cho các quý tăng tưởng tín dụng tốt nhất thường vào nửa cuối năm.

Ngoài nguyên nhân cạnh tranh trực tiếp trên thị trường khiến chi phí đầu vào khó giảm thì các yếu tố bên ngoài tiếp tục tác động, gây áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động trong năm nay khiến cho lãi suất đầu ra của các nhà băng khó giảm.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm trong tháng 12/2016, từ biên độ 0,25 - 0,5%/năm lên 0,5 - 0,75%/năm cũng khiến cho USD mạnh lên và tạo áp lực phần nào lên tỷ giá USD/VND.

Trong trường hợp tỷ giá tăng, lãi suất tiền đồng sẽ phải nhích lên và ở một mức chênh lệch đủ hấp dẫn người dân không dịch chuyển từ VND sang USD. Điều này cũng phần nào lý giải cho việc tại sao các nhà băng tăng lãi suất, khuyến mãi hút vốn ngay những ngày đầu năm mới.

Lãi suất còn được dự báo sẽ nhích lên do áp lực từ các yếu tố vĩ mô và một số kênh đầu tư tăng. TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng, khó có thể kỳ vọng lãi suất cho vay giảm thêm trong năm nay vì lạm phát bắt đầu có chiều hướng tăng và áp lực Fed tăng tiếp lãi suất trong năm 2017 cũng như áp lực từ một số kênh đầu tư khác. Trong đó, bất động sản là một trong những kênh đầu tư hút dòng tiền tiết kiệm chảy sang. 

Lãi suất cho vay khó giảm

Thời gian gần đây, khi Fed điều chỉnh lãi suất, USD mạnh lên đã tạo sức ép lên trần lãi suất 0% đối với tiền gửi ngoại tệ trong nước. Do đó, việc điều hành lãi suất năm 2017 sẽ là thách thức với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và để duy trì được mặt bằng lãi suất ổn định như năm 2016, theo giới phân tích, đã là thành công. Bản thân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng thừa nhận, lãi suất đang đứng trước áp lực bởi ở giữa nhiều mục tiêu và đôi khi các mục tiêu này mâu thuẫn nhau.

Mục tiêu của Chính phủ và ngành ngân hàng đưa ra năm 2017 tiếp tục xem xét giảm thêm lãi suất cho vay, song trước xu hướng lãi suất tiết kiệm hiện nay, các nhận định đưa ra, trước hết cần nỗ lực ổn định lãi suất, còn kỳ vọng giảm thêm không dễ.

Theo TS. Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, USD được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá do kỳ vọng Fed tăng lãi suất tiếp trong năm nay và các năm tiếp theo. Áp lực lên tỷ giá tiền đồng và lãi suất là khó tránh.

Chính xu hướng này sẽ gây khó cho ngành ngân hàng trong việc giảm lãi suất đầu ra. Đồng thời, bắt đầu từ ngày 1/1/2017, các ngân hàng phải thực hiện quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống còn 50% tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN sẽ buộc các nhà băng duy trì lãi suất kỳ hạn dài để hút tiền gửi, cơ cấu lại nguồn đáp ứng được yêu cầu trên.

Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia lại cho rằng, với kinh nghiệm điều hành của NHNN, khả năng giữ ổn định lãi suất vẫn có thể thực hiện được.

Theo TS Nghĩa, để giảm được áp lực lãi suất trong năm nay, NHNN nên có chính sách điều tiết tiền tệ hợp lý, có thể là tăng cung ứng tiền đồng, mua ngoại tệ hoặc tăng tái cấp vốn cho ngân hàng như tái cấp vốn bằng trái phiếu đặc biệt. Dĩ nhiên, việc bơm tiền ra lưu thông phải có giới hạn, liều lượng phù hợp để không tạo sức ép lên lạm phát. Nếu làm tốt các giải pháp trên, khả năng giữ được lãi suất ổn định là khả thi.

Tin bài liên quan