Ông Ngô Đăng Khoa

Ông Ngô Đăng Khoa

Tăng tỷ giá không nhằm thúc đẩy xuất khẩu

(ĐTCK) Theo nhận định của ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc kinh doanh trái phiếu và ngoại hối, Ngân hàng HSBC Việt Nam, đợt điều chỉnh tỷ giá USD/VND thêm 1% vào hôm qua (7/5) không nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Những lo ngại về việc mất năng lực cạnh tranh xuất khẩu đang bị phóng đại quá mức. 

Mặc dù tỷ giá USD/VND trong ngày thứ 4 được giao dịch kịch trần, nhưng thông tin từ thị trường cho biết, thanh khoản đồng USD vẫn rất tốt. Theo ông, vì sao NHNN lại điều chỉnh tỷ giá ở thời điểm này?

Tỷ giá tăng dần trong thời gian vừa qua và tăng sát trần biên độ sau kỳ nghỉ lễ do nhu cầu mua ngoại tệ của các DN phục vụ thanh toán và chuyển lợi nhuận về nước tăng lên. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn khá tốt với nguồn cung từ các DN đầu tư gián tiếp, đầu tư trực tiếp nước ngoài và một số DN bán kỳ hạn khi giá tốt.

Bốn tháng đầu năm, cán cân thương mại thâm hụt khoảng 3 tỷ USD, lạm phát hiện khá thấp, chỉ tăng khoảng 1% so với cùng kỳ, nên có thể NHNN tận dụng cơ hội điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, hỗ trợ cán cân thương mại trong thời gian tới; đồng thời, giải tỏa tâm lý kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá, găm giữ ngoại tệ, giúp thị trường ngoại hối tự điều chỉnh và ổn định hơn. 

Ông đánh giá tác động của đợt điều chỉnh tỷ giá lần này với thị trường ra sao?

Xu hướng tăng giá của đồng USD so với các đồng tiền khác trên thế giới cùng với thâm hụt thương mại khá cao trong bốn tháng đầu năm nay đã tạo tâm lý kỳ vọng tỷ giá USD/VND điều chỉnh vào cuối quý II, đầu quý III. Tuy nhiên, tùy theo tình hình và điều kiện thị trường, NHNN sẽ linh hoạt trong việc điều hành chính sách tỷ giá. Sau khi điều chỉnh tỷ giá, thị trường đã giao dịch ổn định quanh mức 21.700 - 21.715 trong sáng ngày 7/5 với thanh khoản khá tốt. 

Có ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND của NHNN nhằm hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, ông có cùng quan điểm này?

Mặc dù đã có một số lập luận đưa ra, nhưng tôi không cho rằng, việc làm mất giá tiền đồng được NHNN sử dụng để thúc đẩy xuất khẩu.

Tôi tin rằng, những lo ngại về việc mất năng lực cạnh tranh xuất khẩu đang bị phóng đại quá mức. Những mặt hàng xuất khẩu như điện tử, dệt may và giày dép vẫn đang hồi phục. Những mặt hàng xuất khẩu này cũng sẽ được hỗ trợ khi Việt Nam gia nhập vào các hiệp định tự do thương mại với khu vực châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương khác (thông qua TPP).

Mặc dù phương pháp tính của tỷ giá thực hiệu dụng (REER) của tiền đồng dựa trên tổng khối lượng thương mại đã làm đồng VND tăng giá trong năm qua, chúng tôi tin rằng, một chỉ số có liên quan hơn là hiệu suất hoạt động của tiền đồng so với các loại tiền tệ của các nền kinh tế khác mà Việt Nam cạnh tranh trực tiếp về mặt xuất khẩu. Đồng VND đã thực sự yếu hơn so với tiền tệ của năm nước cạnh tranh thương mại trực tiếp hàng đầu là Nhân dân tệ Trung Quốc (CNY), Rupee Sri Lanka (LKR), Taka Bangladesh (BDT), Peso Philippines (PHP), Bath Thái Lan (THB). 

NHNN đã cam kết sẽ kiểm soát tỷ giá dao động trong biên độ 2% trong năm 2015, như vậy “room” điều chỉnh tín dụng đã hết, trong khi 7 tháng còn lại của năm, tỷ giá vẫn chịu nhiều sức ép từ xu hướng tăng giá của đồng USD. Ông có cho rằng NHNN sẽ buộc phải điều chỉnh cam kết của mình?

Theo quan điểm của HSBC, tỷ giá USD/VND sẽ ổn định trong biên độ 2% theo như cam kết của NHNN, ở mức 21.750 vào cuối năm nay. Với chu kỳ tín dụng tốt, lạm phát thấp và lãi suất thực cao hơn, chính sách ngoại hối sẽ trở nên linh động hơn trong khả năng quản lý các thời điểm có nhu cầu USD cao.

Mặc dù NHNN đã sử dụng một phần dự trữ ngoại tệ của mình, nhưng họ vẫn còn ở vị thế tốt trên phương diện ngoại hối hơn so với một số thời điểm trước đây. Điều này đảm bảo chúng ta sẽ không chứng kiến cặp tỷ giá USD/VND có sự tăng cao quá mức nào trong một vài tháng tới.

Dưới góc độ nhà điều hành, cam kết của NHNN mang tính định hướng và giúp cho thị trường ổn định, tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của từng giai đoạn, NHNN sẽ linh hoạt và chủ động đối với các chính sách điều hành thị trường của mình. 

Có ý kiến cho rằng, tình hình lạm phát vẫn đang thấp nên Chính phủ đã điều chỉnh giá xăng, điện và giờ đây là thay đổi tỷ giá để tác động lên lạm phát. Quan điểm của ông ra sao?

Khi điều chỉnh giá xăng, điện và tỷ giá sẽ tác động lên lạm phát. Với lạm phát 4 tháng đầu năm khá thấp và dự đoán năm 2015 khoảng 3%, Chính phủ và NHNN đã có tính toán đến dư địa về lạm phát khi điều chỉnh giá cả các mặt hàng thiết yếu và tỷ giá.

Tin bài liên quan