Tính đến ngày 30/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,28% so với cuối năm 2016

Tính đến ngày 30/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,28% so với cuối năm 2016

Tăng tưởng tín dụng cao nhưng không gây sức ép lạm phát

(ĐTCK) Sáng 21/7, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 -2020, Ngân hàng Nhà nước đã thông tin về một số kết quả 6 tháng đầu năm.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoản và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ.

Với mục tiêu tổng phương tiên thanh toán tăng khoảng 16 -18%, tín dụng tăng khoảng 18%, tính đến ngày 30/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,28% so với cuối năm 2016.

Mặt bằng lãi suất trong 6 tháng đầu năm vẫn giữ được ổn định dù có nhiều yếu tố gây sức ép lạm phát như là tín dụng tăng nhanh từ đầu năm, trái phiếu chính phủ tiếp tục phát hành với khối lượng lớn...

Tại Hội nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đến ngày 30/6 ở mức 9,06%. Đây là mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ các năm gần đây và tăng ngay từ những tháng đầu năm hỗ trợ cho tăng trưởng.

Thống đốc Lê Minh Hưng đánh giá, cơ cấu tín dụng đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong đó tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đã tăng chậm lại.

Mặt bằng lãi suất cho vay 6 tháng ở mức 8 -10% đối với cho vay trung và dài hạn, lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt chỉ khoảng 4 – 5%.

“Từ đầu năm 2016 đến nay, dù FED tăng lãi suất, thị trường ngoại tệ ổn định nhờ vào việc sử dụng nhiều công cụ như tỷ giá trung tâm, các công cụ trên thị trường nội tệ... Nhu cầu ngoại tệ  của nền kinh tế luôn được đáp ứng đầy đủ, dự trữ ngoại hối vẫn tăng”, ông Lê Minh Hưng nói.

Sau 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu và 3 năm thực hiện Đề án xử lý nợ xấu, hệ thống ngân hàng ổn định, an toàn, nhiều tổ chức tín dụng yếu kém được nhận diện và cơ cấu lại.

Song theo đánh giá của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Mặc dù nợ xấu nhìn chung được kiểm soát dưới 3%, nhưng tổng thể cả nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu còn cao, trên 10% và phải tập trung quyết liệt triển khai thực hiện, xử lý.

Nhiều tổ chức tín dụng có quy mô nhỏ, hiệu quả kinh doanh chưa được cao, năng lực quản trị, năng lực quản lý rủi ro bất cập với tốc độ tăng trưởng.

Tình trạng sở hữu chéo vẫn còn, mặc dù thực trạng nhóm cổ đông chi phối hoạt động ngân hàng từng bước được kiểm soát nhưng thực tế còn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Ông Lê Minh Hưng nhấn mạnh đây là điểm rất đáng quan tâm và khi thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, cần phải nhận diện, đánh giá, xử lý.

Tin bài liên quan