Giá dịch vụ y tế, giáo dục, xăng dầu... là các yếu tố tạo áp lực tăng CPI nửa cuối năm

Giá dịch vụ y tế, giáo dục, xăng dầu... là các yếu tố tạo áp lực tăng CPI nửa cuối năm

Tăng trưởng tín dụng gặp “chướng ngại” lạm phát

(ĐTCK) Mục tiêu đẩy tăng trưởng tín dụng lên mức 18-20% năm nay cần có sự cân nhắc khi lạm phát ở mức cao nhất 5 năm.

Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo CPI tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016, theo đó, tốc độ tăng CPI tháng 6 so với tháng trước đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Luỹ kế, CPI 6 tháng tăng 1,72% so với cùng kỳ năm ngoái, bình quân mỗi tháng tăng 0,39%.

Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, nửa cuối năm 2016, sẽ có nhiều yếu tố tạo áp lực lên CPI, đó là giá dịch vụ y tế, giáo dục, xăng dầu… Do đó, mục tiêu kiềm chế lạm phát 5% cần phải được quan tâm.

Quan ngại này không phải không có lý, bởi trước đó, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016 đã nhấn mạnh: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; xây dựng các kịch bản điều hành giá xăng dầu theo biến động của giá xăng dầu thế giới, sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn giá xăng dầu trong quá trình điều hành, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường…

6 tháng đầu năm, GDP tăng trưởng 5,52%, xuất khẩu tăng 5,8%, CPI tăng 1,72% so với cùng kỳ năm ngoái, bình quân mỗi tháng tăng 0,39%.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng lộ trình phù hợp, tránh điều chỉnh học phí cùng thời điểm với giá dịch vụ y tế để hạn chế tác động đột biến đến giá tiêu dùng. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng lộ trình, phương án điều chỉnh giá dịch vụ y tế phù hợp, tránh điều chỉnh giá vào cùng thời điểm tại 63 tỉnh, thành phố. Bộ Giao thông vận tải không tăng phí giao thông đường bộ trong năm 2016…

“Nghị quyết trên cho thấy, Chính phủ đã giao các bộ ngành theo dõi diễn biến thị trường, cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng để tránh gây tác động lan toả về mặt tâm lý lên CPI”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Có lẽ sau một thời gian dài “ngủ đông”, CPI bắt đầu có biểu hiện “thức giấc” nên cơ chế phòng, chống lại được đẩy mạnh hơn. Hành động này được thị trường đánh giá là phù hợp, bởi sức ép lạm phát lớn đòi hỏi chính sách tiền tệ thắt chặt và điều này được cho rằng sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp sản xuất bao bì tại Biên Hòa tỏ rõ lo ngại: “Doanh nghiệp đang hoạt động rất khó khăn một phần nguyên nhân do lãi suất cao, giờ CPI tăng lên nhiều khả năng phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Thắt chặt tiền tệ đi liền với lãi suất tăng cao sẽ khiến doanh nghiệp không còn đường sống”.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, giá cả trên toàn cầu về cơ bản đang giảm và nhu cầu trên thế giới duy trì ở mức yếu. Bên cạnh đó, xuất khẩu Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) hay của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam vào EU cũng gặp khó khăn nên khó có chuyện tăng mạnh trong xuất khẩu. CPI có thể nhích lên dần dần do Việt Nam điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục, xăng dầu… nhưng không đáng ngại.

“6 tháng đầu năm, GDP mới tăng trưởng 5,52%, xuất khẩu tăng 5,8% và dự kiến trong thời gian tới sẽ giảm nên những lo ngại xung quanh việc CPI tăng có khả năng gây ra xung đột giữa chính sách tiền tệ (khi phải tính đến việc thắt chặt) và mục tiêu tăng trưởng kinh tế là không có cơ sở”, TS. Nghĩa cho biết.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Izumi Devalier, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Việt Nam, Khối nghiên cứu kinh tế HSBC cho biết: “Chúng tôi cho rằng, các nhà điều hành chính sách nên hài lòng với bức tranh tăng trưởng hiện tại, ngay cả trong trường hợp GDP thấp hơn mục tiêu đề ra.

Tăng trưởng tuy chậm nhưng bền vững vẫn tốt hơn tăng trưởng mạnh dựa trên tín dụng nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ vĩ mô trong tương lai. Theo chúng tôi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên bắt đầu thắt chặt tín dụng theo định hướng đối với những nhóm ngành thể hiện các dấu hiệu ban đầu của tình trạng tăng trưởng quá nóng (như bất động sản). Cuối cùng, thắt chặt trên diện rộng là điều cần thiết thực hiện trong năm 2017 khi lạm phát tiếp tục tăng”.

Dự báo về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2016, ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế châu Á, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn so với nửa đầu năm và cả năm 2016, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,9%. Vị chuyên gia này nhấn mạnh thêm, cho dù không có bất kỳ sự hỗ trợ, cũng như không có hành động hạ lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng vẫn sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay.

“Điều này khá phù hợp với kế hoạch của Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi không thấy bất kỳ tín hiệu áp lực nào lên lãi suất bởi lãi suất đang khá thấp và sẽ được giữ ổn định tới cuối năm”, ông Chidu Narayanan nói.

Tin bài liên quan