Vấn đề lớn nhất 
hiện tại là làm sao xử lý số nợ xấu VAMC đã “gom” về

Vấn đề lớn nhất hiện tại là làm sao xử lý số nợ xấu VAMC đã “gom” về

Tăng tốc bán nợ xấu trước giờ G

(ĐTCK) Mục tiêu NHNN đưa ra từ đầu năm là kiểm soát nợ xấu trên toàn hệ thống xuống dưới 3% và không có NHTM yếu kém vào cuối năm 2015. Trong đó, trước thời điểm 30/9, các NHTM sẽ phải hoàn tất bán số nợ xấu không tự xử lý được cho VAMC.

Giờ G đã điểm

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, đến cuối năm nay sẽ đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%. Đối với số nợ xấu phải tự xử lý, đến thời điểm 31/7, nếu ngân hàng không tự xử lý được sẽ phải bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trong tháng 8 và tháng 9/2015. Đối với số nợ xấu bán cho VAMC, đến ngày 30/6, ngân hàng phải bán tối thiểu 75% và đến 31/8 hoàn thành bán 100% số nợ xấu phải bán cho VAMC theo chỉ tiêu được giao.

Trả lời ĐTCK, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, đã hoàn tất việc bán nợ xấu cho VAMC theo chỉ tiêu, nhưng phần nợ xấu tự xử lý vẫn có những khó khăn nhất định, do thị trường chưa được thuận lợi và việc phát mãi tài sản khó khăn. Vì thế, khả năng sẽ phải bán tiếp nợ xấu cho VAMC trước khi thời hạn 30/9 kết thúc.

MB là một trong những ngân hàng cho biết đã hoàn tất kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC. Với MB, chưa năm nào nhà băng này có mức nợ xấu vượt 3%, nhưng thực hiện chỉ đạo của NHNN, Ngân hàng quyết tâm đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp hơn vào cuối năm 2015. Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, 6 tháng đầu năm 2015, nợ xấu của MB ở mức 2,04%, thấp hơn mục tiêu đặt ra là dưới 2,5%.

Eximbank cũng cho biết đã bán gần hết chỉ tiêu nợ xấu được giao. Trước đó, tại thời điểm 30/6, Eximbank đã xử lý thu hồi được gần 1.000 tỷ đồng và bán 1.526 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trên chỉ tiêu bán cho VAMC trong năm nay là hơn 2.000 tỷ đồng.

BIDV đã bán 8.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm nay, cao gần gấp đôi so với năm trước. Nhà băng này cũng cho biết đã gần về đích trong kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC. Vietcombank cũng bán khoảng 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong quý II/2015. Kế hoạch trong năm 2015, VIB sẽ tiếp tục bán cho VAMC 1.800 tỷ đồng nợ xấu và ngân hàng này đang từng bước tăng tốc hoàn tất việc bán nợ xấu trước 30/9. Tỷ lệ nợ xấu của ACB hiện dưới 1,7% và không thuộc diện bắt buộc bán nợ cho VAMC. Tuy nhiên, Ngân hàng vẫn đăng ký bán xấp xỉ 1.000 tỷ đồng nợ trong năm 2015. ACB đặt mục tiêu xử lý 1.600 tỷ đồng nợ xấu và sẽ xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Với VietinBank, giá trị nợ xấu đã bán cho VAMC là 4.500 tỷ đồng trong năm 2014 và Ngân hàng đang tiếp tục xem xét bán nợ cho VAMC trong năm 2015. Các nhà băng cho biết, đang gấp rút bán nợ xấu theo chỉ tiêu đã được giao. Saigonbank sẽ hoàn tất việc bán khoảng 500 tỷ đồng nợ xấu trước ngày 30/9. Tại DongA Bank, 6 tháng đầu năm đã bán khoảng 1.000 tỷ đồng và đang tiếp tục bán nợ xấu cho VAMC…

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, đến cuối tháng 7/2015, các NHTM trên địa bàn đã bán được 15.900 tỷ đồng nợ xấu so với chỉ tiêu được phân giao là 22.200 tỷ đồng và sẽ bán tiếp để hoàn tất việc này trước ngày 30/9.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn về tiến độ xử lý nợ xấu của các ngân hàng và mục tiêu đưa nợ xấu toàn hệ thống về dưới 3% ngay trong quý III/2015. 

Xử lý không dễ

VAMC cho biết, 7 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã gửi hồ sơ bán nợ xấu cho Công ty với tổng trị giá khoảng 64.000 tỷ đồng. Hiện VAMC đã phê duyệt mua 59.000 tỷ đồng nợ gốc với giá mua là 54.000 tỷ đồng; phát hành được 51.300 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt. Thời gian tới, các TCTD sẽ phải tích cực gửi bán nợ cho VAMC để đảm bảo trước 30/9, Công ty phát hành được 80.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt. Sau 7 tháng đầu năm, VAMC xử lý bán tài sản đảm bảo, bán nợ và thu hồi được 6.513 tỷ đồng, trong khi cả năm 2014 con số này chỉ đạt hơn 4.800 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, mục tiêu đến hết năm 2015, Công ty sẽ đảm bảo kế hoạch xử lý, thu hồi nợ 10.000 tỷ đồng. Sang năm 2016, VAMC sẽ căn cứ vào thực tiễn để xây dựng lộ trình xử lý, thu hồi nợ xấu hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ phận phân tích CTCK HSC, với tình hình xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, VAMC đang gặp nhiều thách thức trong việc hoàn thành mục tiêu mua nợ xấu đúng thời hạn vào cuối tháng 9 năm nay. Nghị định 34/2015/NĐ-CP cho phép VAMC phát hành trái phiếu để mua nợ xấu. Tuy nhiên, quá trình xử lý bán tài sản đảm bảo hiện đang vướng mắc về cơ chế bởi hiện Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ xấu đúng nghĩa. Lãnh đạo VMAC cũng thừa nhận, hiện Công ty chỉ bán được tài sản đảm bảo chứ chưa bán được nợ xấu vì chưa có thị trường mua bán nợ. Chính điều này gây nhiều khó khăn cho VAMC trong quá trình tổ chức thực hiện mua bán nợ xấu và khiến tốc độ xử lý nợ xấu không như kỳ vọng.

Xét từ phía các ngân hàng, việc xử lý nợ xấu cũng không dễ. Chẳng hạn như trường hợp SCB. Dự kiến, trong năm nay, Ngân hàng này sẽ bán tổng khối lượng nợ xấu khoảng 3.000 tỷ đồng, nâng tổng nợ xấu bán trong năm nay lên trên 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc này gặp không ít khó khăn, bởi thị trường bất động sản dù có dấu hiệu ấm lên, nhưng nhiều dự án có vốn vay ngân hàng lớn vẫn bê trễ và chưa tái khởi động cũng như bán hàng. Trong 6 tháng đầu năm nay, SCB đã xử lý thu hồi được khoảng 700 - 800 tỷ đồng nợ xấu. Kế hoạch chính thức trong năm nay của SCB là xử lý 1.600 tỷ đồng nợ xấu, còn mục tiêu kỳ vọng là xử lý 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tình hình thị trường hiện nay, không dễ đạt được mục tiêu này.

Để xử lý nợ xấu nhanh, rất cần nguồn lực từ bên ngoài. Trong khi đó, đầu ra của nợ xấu vẫn chưa có khi VAMC loay hoay bài toán mua về, nhưng không biết bán cho ai.

TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, với tình hình bán nợ xấu của các NHTM hiện nay thì mục tiêu đưa nợ xấu về 3% cuối năm nay là không khó. Điều quan trọng là làm thế nào để xử lý được những khoản nợ xấu đã “gom” về VAMC.

Theo ông Lịch, cần sớm hình thành thị trường mua bán nợ để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, thay vì trông chờ vào sự hồi phục của thị trường bất động sản. Đồng thời, khâu phát mãi tài sản vẫn là rào cản lớn trong việc xử lý, thu hồi nợ, nên cần sớm sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách nhằm khơi thông vấn đề này.                

Tin bài liên quan