Tăng tín dụng thêm 22%, làm được, nhưng hậu quả thế nào?

Tăng tín dụng thêm 22%, làm được, nhưng hậu quả thế nào?

(ĐTCK) Tại sự kiện “Step into the future” do Ngân hàng HSBC Việt Nam cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp Hongkong (HKBAV) tổ chức ngày 6/9 nhằm cập nhật thông tin thị trường cùng triển vọng kinh tế thương mại Việt Nam, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ Tướng cho biết, Chính phủ có thể còn đặt ra mức tăng trưởng tín dụng tới 22% chứ không phải là con số 21%.

Ông Thiên thừa nhận: “Đây là mức rất cao và ở tỷ lệ này, việc hoàn thành mục tiêu là điều hoàn toàn làm được, nhưng câu chuyện quan trọng hơn cả là hậu quả sau đó như thế nào"?

Theo ông Thiên, có một số vấn đề cần cân nhắc.

Thứ nhất, rủi ro có thể lặp lại chu kỳ cách đây 5 năm. Trong khuyến cáo của tổ tư vấn Thủ tướng và cả Chính phủ, đã lưu ý cẩn thận không để lặp lại tình thế của 5 năm trước. Khi nền kinh tế khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, Chính phủ đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng lên rất cao gây nên tình hình lạm phát quá sức tưởng tượng.

“Đến năm 2011 lại đưa ra chính sách siết chặt tín dụng và không nghĩ là tác động ghê gớm, nhưng hậu quả của việc siết quá mạnh là doanh nghiệp đứt hơi, kiệt quệ, di chứng vẫn còn đến tận bây giờ. Khu vực doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả nhà nước và tư nhân vẫn yếu”, ông Thiên nói.

Tăng tín dụng thêm 22%, làm được, nhưng hậu quả thế nào? ảnh 1

 Các diễn giả trao đổi tại sự kiện

Thứ hai, khả năng hấp thụ tín dụng của doanh nghiệp Việt Nam rất yếu. Vốn đầu tư công 8 tháng được hơn 40%, cho thấy khả năng hấp thụ tín dụng, cũng như các thủ tục để hấp thụ rất yếu. Nếu bơm vốn ra mà hấp thụ không tốt thì sẽ làm méo mó dòng vốn.

Thứ ba, nguy cơ trong một năm gần đây, dòng tín dụng được “lái” vào bất động sản, thị trường chứng khoán, nên có thể dễ lặp lại vấn đề cũ và có thể tạo ra bong bóng trên hai thị trường này.

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ cực kỳ thận trọng khi tăng trưởng tín dụng, dưới con số 18% là tốt, bởi điểm cơ bản là cải thiện hiệu quả đầu tư chứ không phải tăng trưởng tín dụng”, ông Thiên nói.

Ông Thiên phân tích thêm, nếu Chính phủ đặt mục tiêu bơm tín dụng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là trái với quy luật của nền kinh tế. Nguyên do vì bơm tín dụng vào giai đoạn cuối năm, hệ quả sẽ trượt sang năm sau, như vậy lợi ích của năm nay Chính phủ muốn cũng không đạt được, mà hậu quả năm sau lại không có giải pháp gì phòng tránh.

“Thủ tướng nói vì doanh nghiệp Việt Nam quá yếu nên chúng tôi đang đề xuất cần tập trung chủ yếu tháo gỡ các bó buộc cho doanh nghiệp, tập trung hạ chi phí cho doanh nghiệp như lãi suất hay các chi phí gián tiếp. Đây là hướng có thể tạo ra được thế cân bằng cho câu chuyện tăng trưởng tín dụng cao đang gây ra những lo lắng trong xã hội”, ông Thiên nhấn mạnh

 Dự báo của HSBC về các chỉ số kinh tế chính của Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Cơ điện lạnh (REE) cho rằng, đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng mang tính hành chính lớn.

Bà Thanh nhận định, nếu tăng trưởng tốt, kiểm soát được nợ xấu tốt thì không nên thổi còi trong câu chuyện tăng trưởng tín dụng. Không nợ xấu, không ảnh hưởng đến hệ thống và nền kinh tế. Điều quan trọng nhất là liệu nền kinh tế có hấp thụ dòng vốn như thế nào và mảng nào đang hấp thụ dòng vốn đó.

“Cho đến thời điểm nàym thị trường bất động sản có vẻ tương đối suôn sẻ vì cung và cầu chưa lệch nhiều nhưng “hên-xui”. Thời gian tới sắp tới, cung sẽ nhiều hơn cầu nên vấn đề tín dụng cho bất động sản cần hết sức lưu ý”, bà Thanh nhấn mạnh.

Đi vay để sản xuất, theo bà Thanh vẫn khó. Lý giải cho việc doanh nghiệp khó khăn khi vay vốn ngân hàng, bà Thanh cho biết, vì khả năng tìm hàng dự án rất yếu, thủ tục đấu thầu rất nhiêu khê, thủ tục hành chính chưa có cải cách được nhiều, nên không thể xúc tiến nhanh đượcm dù ngân hàng muốn giải ngân cho nhanh.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, khi tín dụng quá dễ dàng, hộ gia đình, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với tín dụng thì không có động lực nào để cải cách, cải thiện năng suất lao động.

“Tăng trưởng tín dụng 22% nên là mức trần chặn chứ không nhất định phải tăng trưởng đến 22%”, ông Hải nhấn mạnh.

Dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Hải cho biết, HSBC tự tin về triển vọng ngắn hạn đến trung hạn và lạc quan một cách thận trọng trong dài hạn. Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong 3 - 5 năm tới. Triển vọng dài hạn phụ thuộc vào tiến triển của công cuộc cải cách. Cải cách là lựa chọn duy nhất. Việt Nam không còn nhiều thời gian. AEC, FTA với EU và có thể là RCEP sẽ thúc đẩy cải cách nhanh hơn".

Tin bài liên quan