Tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II: “Đánh” vào tử huyệt sở hữu chéo, nhóm cổ đông lũng đoạn

Từ một hệ thống mong manh về thanh khoản, đến nửa đầu năm 2017, nhiều ngân hàng đã dồn dập báo lãi hàng ngàn tỷ đồng. Đằng sau những con số ấn tượng đó, là cả một quá trình tái cơ cấu đau đớn...

Chữa huyết mạch của nền kinh tế 

Trong câu chuyện bên lề với phóng viên Báo Đầu tư vào cuối năm 2014, khi được hỏi, tại sao xử lý ngân hàng yếu kém vẫn còn quá chậm, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trầm ngâm nói: “Muốn lắm chứ, nhưng xử lý không hề dễ dàng. Nhóm cổ đông lớn nhiều ngân hàng chống đối rất quyết liệt, vận động nhiều nơi can thiệp. Nếu quá vội vàng, tình hình sẽ phức tạp hơn, nhất là khi hành lang pháp lý còn nhiều khoảng trống”.

Sau cuộc nói chuyện đó không lâu, NHNN gây sốc với thị trường bằng một hành động chưa từng có tiền lệ: mua lại Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng. Tiếp đó, chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, NHNN tiếp tục mua 0 đồng với OceanBank và GPBank. Biện pháp mạnh tay này của NHNN cũng chính thức khép lại giai đoạn I tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II: “Đánh” vào tử huyệt sở hữu chéo, nhóm cổ đông lũng đoạn ảnh 1

Theo ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN), sau gần 5 năm triển khai đề án tái cơ cấu, số tổ chức tín dụng yếu kém đã được thanh lọc đáng kể: toàn hệ thống đã giảm được 22 tổ chức tín dụng với hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập.

Tính đến ngày 31/12/2016, các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 500.000 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống là 2,46%, giảm mạnh với con số 17% vào tháng 9/2012. Sức khỏe tài chính của các ngân hàng cũng nâng lên đáng kể, thể hiện qua nhiều con số như: tổng tài sản, vốn điều lệ, lợi nhuận…

Dẫu rằng, đến nay, số nợ xấu ngoại bảng vẫn còn khá lớn (hơn 10 tỷ USD), tập trung tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), song với nghị quyết thí điểm về xử lý nợ xấu (Nghị quyết 46) vừa được ban hành, chắc chắn, xử lý nợ xấu sẽ từng bước được xử lý triệt để.

Quan trọng nhất, hệ thống ngân hàng từ chỗ lung lay thanh khoản, lỏng lẻo kỷ luật nay đã vận hành an toàn, trơn tru, thanh khoản dồi dào trở lại, kỷ cương được thiết lập với các thiết chế quản trị rủi ro được siết chặt.

PGS - TS Trần Hoàng Ngân nhận xét, tái cơ cấu chính là bước đi chiến lược đúng đắn của Đảng và Chính phủ. Việc quyết liệt tái cơ cấu, xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém đã góp phần nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng.

“Đánh” vào tử huyệt sở hữu chéo, nhóm cổ đông lũng đoạn

Dù tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn I đã đạt được nhiều thành quả thấy rõ, song không  phải vì vậy, mà tái cơ cấu giai đoạn II trở nên dễ dàng. Lý do, đây là lúc phải xử lý những vấn đề khó khăn và phức tạp nhất như vốn, sở hữu, nợ xấu.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh: “Chúng ta có những bài học quan trọng tái cơ cấu giai đoạn vừa qua. Hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã bước vào giai đoạn II với bối cảnh khác, đòi hỏi phải xử lý triệt để sở hữu chéo ngân hàng, đảm bảo vốn của ngân hàng là vốn thực có, chứ không phải vốn ảo”.

Đây cũng là lý do trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đang được đưa ra lấy ý kiến, NHNN siết rất chặt hoạt động mua bán cổ phần ngân hàng.

Tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II: “Đánh” vào tử huyệt sở hữu chéo, nhóm cổ đông lũng đoạn ảnh 2

Cụ thể, tới đây, các trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện. Nguồn tiền mua cổ phần ngân hàng phải được chứng minh rõ ràng và không có nguồn gốc từ vốn vay.

Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định, cổ đông lớn và người liên quan không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác. Quy định này góp phần làm minh bạch nguồn vốn góp của cổ đông, ngăn tình trạng sở hữu chéo, tăng vốn ảo.

Nếu các quy định này được thông qua, những trường hợp lòng vòng mua bán cổ phần như thương vụ mua TrustBank giữa Hà Văn Thắm – Phạm Công Danh – Hứa Thị Phấn (trong đại án VNCB) sẽ được kiểm soát

Bên cạnh đó, để mạnh tay xử lý ngân hàng yếu kém, song cổ đông chây ỳ tái cơ cấu hoặc phương án tái cơ cấu không hiệu quả, tới đây, NHNN cũng bổ sung vào luật các quy định về chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, tránh những tranh cãi xung quanh việc mua lại ngân hàng 0 đồng như trước đây.

Nếu như Nghị quyết 46 “gỡ” những khâu khó nhất với xử lý nợ xấu, thì Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng sẽ tập trung vào xử lý sở hữu chéo và xử lý những tổ chức tín dụng yếu kém, thậm chí là cho phá sản. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Tháng 7/2017, trên cơ sở đồng ý của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. 

Đây cũng là lý do từ đầu năm nay, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã chỉ đạo toàn bộ tổ chức tín dụng phải xây dựng đề án tái cơ cấu của riêng mình gắn với lộ trình tổng thể hệ thống ngân hàng 5 năm tới. 

Trên thực tế, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, hệ thống ngân hàng tuy đã qua giai đoạn nguy nan nhất, song vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế. Do vậy, tái cơ cấu triệt để để ngành ngân hàng phát triển an toàn, bền vững, có thể cạnh tranh được với khu vực là điều cần thiết.

Tin bài liên quan