Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Tái cấu trúc ngân hàng và vấn đề nhóm lợi ích

(ĐTCK) Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, minh bạch sẽ là chìa khóa để vượt qua sự chi phối của lợi ích nhóm trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng.

Tái cơ cấu là tất yếu khách quan

Thưa Thống đốc, ông bình luận gì khi nhiều ý kiến cho rằng, Thống đốc đã “liều” khi quyết định thực hiện quá trình tái cấu trúc và có vẻ như mục tiêu đặt ra là quá cao?

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng không phải bắt nguồn từ ý muốn chủ quan của bất kỳ ai, mà bắt nguồn từ những vấn đề khách quan của quá trình phát triển kinh tế nước ta, cũng như quá trình phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng. Đại hội Đảng lần thứ XI đã đặt ra Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015), cũng như Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020), với trọng tâm là đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Đây là một yêu cầu rất khách quan của nền kinh tế để Việt Nam thoát ra khỏi nước có mức thu nhập trung bình thấp, vươn lên mức thu nhập trung bình cao và trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Tuy nhiên, muốn đổi mới mô hình tăng trưởng thì ta phải gắn liền với những cải cách rất cơ bản với nền kinh tế. Nhìn lại suốt 25 năm Đổi mới vừa qua, khi chúng ta theo đuổi mô hình phát triển kinh tế theo chiều rộng, vai trò của ngân hàng là rất lớn trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Bởi phát triển kinh tế theo chiều rộng đòi hỏi rất nhiều vốn. Trong khi trước đây, chúng ta không hề có thị trường vốn, kể cả đến bây giờ có thị trường vốn rồi, nhưng lĩnh vực ngân hàng vẫn chiếm trên 80% vốn của toàn bộ thị trường tài chính.

Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng ngày càng lộ rõ những bất cập, đòi hỏi phải đổi mới sang tăng trưởng theo chiều sâu để nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Từ đó, đòi hỏi hệ thống ngân hàng cũng phải tái cấu trúc để đáp ứng được nhu cầu phát triển mới của nền kinh tế.

 

Ông có thể điểm những mục tiêu cụ thể?

Theo định hướng trên, thứ nhất, chúng ta phải làm cho hệ thống ngân hàng lành mạnh.

Ở Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa là lãnh đạo ngân hàng Trung ương, vừa là thành viên Chính phủ, nên vừa phải kiềm chế lạm phát, vừa phải đảm bảo nền kinh tế phát triển hợp lý”

Thứ hai, nâng chất lượng dịch vụ của hệ thống ngân hàng. Hoạt động tín dụng cũng không thể chạy theo số lượng như trước mà phải đi vào chất lượng. Nói cách khác, việc tái cơ cấu không chỉ nâng cao chất lượng của bản thân hệ thống ngân hàng, mà còn đòi hỏi các doanh nghiệp nói chung phải cấu trúc lại. Bên cạnh đó, do ngân hàng vẫn đang là kênh dẫn vốn chủ đạo của nền kinh tế, nên bằng cách tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, sẽ tái cấu trúc lại các luồng vốn, đảm bảo các luồng vốn được phân bổ hiệu quả hơn. Đó là một yêu cầu hết sức khách quan, chứ không phải vì hệ thống ngân hàng quá yếu kém khiến chúng ta phải tái cấu trúc.

Ngoài yêu cầu khách quan đó, cũng vẫn có những vấn đề nội tại của hệ thống ngân hàng là do trước đây chúng ta phát triển chủ yếu theo số lượng, các ngân hàng đua nhau chạy theo tăng trưởng tín dụng nên chất lượng tín dụng cũng chưa được nâng cao. Vì vậy, chúng ta cũng nhân dịp này phải tái cấu trúc, để hệ thống ngân hàng thực sự lành mạnh, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Bởi muốn trở thành một nước công nghiệp, có nghĩa là phải tuân theo các chuẩn mực quốc tế, và hệ thống ngân hàng phải đi tiên phong. Tất nhiên là phải phù hợp với điều kiện và bước đi của Việt Nam .

 

Là một nền kinh tế thị trường, tại sao Việt Nam vẫn giữ quan điểm không để một ngân hàng nào đổ vỡ, thưa ông?

Bởi vì cái giá phải trả, hay hậu quả của việc đổ vỡ một tổ chức tín dụng (TCTD) là rất to lớn và có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của nền kinh tế. Cho nên chính quyền bất kỳ nước nào cũng cân nhắc vấn đề này hết sức thận trọng. Ví dụ ở Mỹ, hiện có khoảng 2.000 - 2.500 TCTD, nhưng chỉ có khoảng 10 TCTD cực lớn, mang tính chất trụ cột cho cả hệ thống, còn các TCTD khác rất nhỏ. Việc các TCTD nhỏ đổ vỡ là chuyện bình thường, thậm chí hàng ngày, hàng tháng có rất nhiều tổ chức đổ vỡ. Nhưng khi một TCTD lớn, có ảnh hưởng đến nền kinh tế hoặc ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, xã hội đổ vỡ thì họ hết sức cân nhắc. Như trong khủng hoảng 2008 - 2009 vừa qua, có nhiều TCTD mà nếu để bản thân họ tự vận động thì có thể đã lâm vào tình trạng phá sản, nhưng Chính phủ Mỹ vẫn can thiệp bằng nhiều biện pháp khác nhau, không để cho họ đổ vỡ, và đến bây giờ họ đã vượt qua.

Ở Việt Nam cũng tương tự. Về nguyên tắc, TCTD cũng là một doanh nghiệp và chúng ta cũng có luật cho phép các doanh nghiệp phá sản. Song, TCTD là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, sự đổ vỡ của nó có tính dây chuyền tác động rất mạnh, có thể kéo theo sự đổ vỡ của các TCTD khác, hay ít nhất cũng làm cho các TCTD khác lâm vào tình trạng khó khăn, từ đó cũng gây khó khăn thêm cho nền kinh tế.

Thêm nữa, một TCTD đổ vỡ thì quyền lợi của người gửi tiền tại các TCTD đó sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Bởi theo các quy định của bảo hiểm tiền gửi, thì mức bảo hiểm tối đa chỉ có 50 triệu đồng, trong khi số tiền gửi của người dân còn cao hơn nhiều. Từ đó sẽ có những tác động rất lớn đến đời sống xã hội, thậm chí là trật tự an toàn xã hội.

Như vậy, Đảng và Nhà nước ta cũng cân nhắc việc đó giống như bất kỳ nền kinh tế thị trường nào. Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nên càng phải bảo vệ quyền lợi của người dân. Do đó, đứng trước khả năng đổ vỡ của một TCTD, các cơ quan của Nhà nước phải cân nhắc, lựa chọn phương án nào cho hợp lý nhất.

 

Trong quá trình thực hiện tái cấu trúc, ông có nhận được sự “mặc cả” của các nhóm lợi ích?

Vấn đề lợi ích nhóm không phải là vấn đề mới. Theo tổng kết kinh nghiệm của thế giới thì đây là một “căn bệnh chết người” đối với các nước đang phát triển đạt tới ngưỡng đầu của các nước có thu nhập trung bình.

Kinh nghiệm và cũng là bài học đối với các nước có mức thu nhập trung bình là phải luôn luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore , cũng có rất nhiều nhóm lợi ích khi mới bước vào quá trình phát triển, nhưng họ cũng đã giải quyết vấn đề này rất tốt, theo hướng luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Với lòng yêu nước của nhân dân ta và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tôi tin rằng, chúng ta sẽ không để lợi ích nhóm chi phối lợi ích quốc gia.

Bên cạnh đó, trong việc điều hành, phải hết sức đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng. Khi công khai, minh bạch rồi thì đa số người dân sẽ hiểu được mức độ đúng đắn của lợi ích quốc gia, và sẽ tuân thủ lợi ích quốc gia để dẹp bỏ lợi ích nhóm. Đồng thời, phải làm tốt công tác tuyên truyền, thuyết phục. Khi đã công khai, minh bạch, tuyên truyền, thuyết phục tốt, thì trong hành động phải hết sức kiên quyết và dứt điểm. Với phương châm điều hành như vậy, tôi tin chúng ta sẽ vượt qua được hiện tượng lợi ích nhóm trong quá trình phát triển tiếp theo.

 

Tái cấu trúc ngân hàng và vấn đề nhóm lợi ích ảnh 1

Việc hợp nhất tăng tính minh bạch và sức cạnh tranh cho các ngân hàng

 

Một cuộc cải cách mạnh mẽ

Ông có thể cho biết rõ hơn về lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng?

Có thể coi đó là một cuộc cải cách mạnh mẽ trong hệ thống ngân hàng. Bởi vậy, phải có lộ trình vững chắc, vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo hoạt động bình thường của TCTD. Nói cách khác, trong quá trình tái cấu trúc, hệ thống các TCTD vẫn phải đáp ứng được các nhu cầu về vốn và về dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế. Do vậy, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là việc không thể làm trong một sớm một chiều, mà phải làm theo từng giai đoạn, có những bước đi rõ ràng.

Ví dụ, trong năm 2012, phải tập trung vào việc chấn chỉnh về cơ bản các TCTD có tình hình tài chính yếu kém, kéo dài trong nhiều năm qua. Trên cơ sở kết quả đạt được, sẽ có những bước cao hơn nữa. Cùng với những chương trình tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước, bản thân các TCTD cũng phải có những sắp xếp lại, tự hoàn thiện mình để nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn tới.

Quá trình này sẽ được hoàn thiện liên tục, để đến 2013, chúng ta có một hệ thống TCTD lành mạnh, có đủ sức cạnh tranh trong môi trường kinh tế nhiều biến động. Theo đó, phấn đấu có từ 1 đến 2 TCTD mang tầm cỡ khu vực, đảm bảo sự canh tranh với quốc tế; có khoảng 10 đến 15 ngân hàng đủ lớn để làm trụ cột cho hệ thống. Bên cạnh đó, còn có các TCTD quy mô nhỏ và vừa, nhưng phải hoạt động trên nguyên tắc lành mạnh. Vì quy mô nhỏ và vừa nên phân khúc thị trường của các TCTD này cũng phải hết sức rõ ràng.

Một số TCTD có quy mô rất nhỏ, như quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô để đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng của mọi tầng lớp xã hội, kể cả ở vùng sâu, vùng xa và những ngành nghề có thu nhập thấp. Mục tiêu là đến năm 2015, về cơ bản, các TCTD Việt Nam sẽ hoạt động trên cơ sở các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, nhưng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

 

"Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc thời điểm thích hợp, liều lượng thích hợp để điều chỉnh lãi suất ngân hàng phù hợp với tiến trình chung”  - Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ông sẽ điều hành để cân bằng mục tiêu hạ lãi suất và kiểm soát lạm phát như thế nào?

Đối với việc điều hành chính sách tiền tệ của năm nay, nước ta vẫn chưa có điều kiện để áp dụng đúng lý thuyết lạm phát mục tiêu, vì nó có rất nhiều điều kiện đi kèm, mà chúng ta chưa đáp ứng được, nhưng chúng ta vẫn phải lấy đó làm định hướng. Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng hướng tới lạm phát mục tiêu.

Ví dụ, mục tiêu năm nay là đưa lạm phát xuống 10%, thì đó là mục tiêu mà ngân hàng đặt ra để điều hành chính sách tiền tệ. Trong lạm phát, ngoài những yếu tố khác thì yếu tố rất quan trọng là kỳ vọng về lạm phát. Như vậy, nếu lạm phát đã có xu hướng giảm, mà lãi suất ngân hàng lại không giảm thì có thể nói là đi ngược lại với kỳ vọng lạm phát. Khi đó sẽ lại đẩy lạm phát tăng lên.

Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc thời điểm thích hợp, liều lượng thích hợp để điều chỉnh lãi suất ngân hàng phù hợp với tiến trình chung. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, như thanh khoản của hệ thống ngân hàng, thời vụ trong sản xuất, kinh doanh. Thời điểm Ngân hàng Nhà nước đưa vốn ra, hay hạ lãi suất phải phù hợp với diễn biến nền kinh tế, cũng như các yếu tố thời vụ. Nếu tạo ra cú sốc mạnh quá thì cũng không được, nhưng nếu cú sốc không đủ lực thì cũng làm nền kinh tế bị trì trệ.

Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước nói riêng và của Chính phủ nói chung là phải làm sao để lượng vốn vừa đủ để khuyến khích sản xuất, nhưng cũng không gây ra lạm phát và cũng không gây ra trì trệ của nền sản xuất. Làm sao để cân bằng, vừa kiềm chế lạm phát lại vừa đủ vốn cho tăng trưởng hợp lý và hạ được lãi suất.

Ở các nước tư bản, khi ngân hàng trung ương độc lập thì chính sách sẽ khác, vì họ chỉ có một mục tiêu duy nhất là đảm bảo giá trị của đồng tiền. Ở Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa là lãnh đạo ngân hàng trung ương, vừa là thành viên chính phủ, nên vừa phải kiềm chế lạm phát, vừa phải đảm bảo nền kinh tế phát triển hợp lý.

 

Việc điều hành chính sách lãi suất liệu có phải căn cứ vào chỉ tiêu Quốc hội đề ra, thưa ông?

Quyết định của Quốc hội là quyết định tối cao, bất cứ ai cũng phải chấp hành. Cho nên, Chính phủ nói chung và Ngân hàng Nhà nước nói riêng, phải coi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã thông qua là một chỉ tiêu pháp lệnh và phải làm. Tuy nhiên, diễn biến kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động, khi lập kế hoạch chưa thể lường đoán hết được. Khi đó, Chính phủ sẽ có giải trình, nếu Quốc hội thấy hợp lý thì sẽ có điều chỉnh.

 

Ông có tham vọng sẽ ghi dấu ấn vào cuối nhiệm kỳ?

Đến cuối nhiệm kỳ, tôi cũng không hy vọng bản thân sẽ ghi được dấu ấn gì ghê gớm. Tôi chỉ mong rằng sẽ cùng với toàn bộ hệ thống ngân hàng, góp phần chung với Chính phủ, thực hiện được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới. Bởi cho dù chúng ta có quyết tâm cải cách để hoạt động hệ thống ngân hàng dần trở về đúng với thực tế là hoạt động của thị trường tiền tệ, phát triển thị trường vốn, nhưng không dễ sớm đạt mục tiêu, vì đó là cả một lộ trình.

Trong 5 năm tới, hệ thống ngân hàng vẫn đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống tài chính Việt Nam . Hy vọng với việc tái cấu trúc toàn diện hiện nay, trong cả điều hành chính sách tiền tệ cũng như tái cấu trúc hệ thống tín dụng, thì 5 năm tới, chúng ta có cách điều hành chính sách tiền tệ bài bản hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn, trên cơ sở đạt được chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lành mạnh hơn.

Riêng trong hệ thống ngân hàng, chúng ta sẽ tái cấu trúc được một bước cơ bản các TCTD. Chúng ta cũng sẽ làm được một bước cơ bản về chống “đô la hóa”, còn chấm dứt hoàn toàn tình trạng “đô la hóa” thì tôi cho rằng, chỉ đạt được khi nào chúng ta không còn nhập siêu.

 

Ông có thể đưa ra thông điệp ngắn gọn trong năm 2012 và 5 năm tới?

Cải cách quyết liệt toàn diện, sâu sát để tăng trưởng nhanh, chất lượng và bền vững.