Những ngân hàng lớn như HSBC, Standard Chartered, Citi đều đã có mặt tại Việt Nam - Ảnh: Hoài Nam

Những ngân hàng lớn như HSBC, Standard Chartered, Citi đều đã có mặt tại Việt Nam - Ảnh: Hoài Nam

“Sóng ngầm” ngân hàng ngoại

(ĐTCK) “Trong những trường hợp và thời điểm cụ thể, việc đầu tư chưa mang lại những lợi ích như mong muốn, nên có lẽ các ngân hàng nước ngoài đưa ra những quyết sách thay đổi nhất định. Tuy nhiên, với quy mô dân số trên 90 triệu người, thị trường bán lẻ, ngân hàng tư nhân, quản lý tài sản, cho vay tài trợ thương mại… là những cơ hội đầu tư tốt mà các ngân hàng nước ngoài nhìn thấy tại Việt Nam”.

Đó là nhận định của ông Keith Pogson, lãnh đạo cấp cao dịch vụ tài chính ngân hàng EY khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong cuộc trao đổi với Đặc san Toàn cảnh ngân hàng 2015. 

Ông đánh giá như thế nào về số lượng ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam?

Tôi không quan tâm nhiều đến tỷ lệ ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, bởi hiện tại, số lượng ngân hàng nội địa vẫn nhiều hơn và các ngân hàng nước ngoài hiện diện tại đây chủ yếu là văn phòng đại diện và chi nhánh. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không có từ 5 - 10 ngân hàng nước ngoài trong hệ thống, đó mới là điều lo lắng.

Điều quan trọng đối với tôi là xem các ngân hàng nước ngoài trong hệ thống đóng góp như thế nào vào ngành ngân hàng và nền kinh tế.

Tôi muốn chia sẻ trường hợp tại Trung Quốc có 4 ngân hàng nội địa lớn nhất, nhưng có tới 43 ngân hàng nước ngoài trong hệ thống. Tuy nhiên, những ngân hàng nước ngoài này chỉ đóng góp có 1,73% vào tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Có lẽ nên đánh giá theo chiều tương tự như vậy đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. 

“Sóng ngầm” ngân hàng ngoại ảnh 1

 Ông Keith Pogson

Công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam đang diễn ra, theo ông, có phải là cơ hội để các ngân hàng nước ngoài thâm nhập sâu hơn vào hệ thống?

Đây đúng là cơ hội tốt đối với các ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều năm trước đây, các ngân hàng nước ngoài có thể sẵn sàng mua cổ phiếu của ngân hàng Việt Nam hơn, vì gần đây Việt Nam đã trải qua những giai đoạn kinh tế khó khăn nên các quyết định của nhà đầu tư nước ngoài trở nên cẩn trọng hơn. 

Theo ông, lợi ích cũng như thách thức, rủi ro của các ngân hàng nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam là gì?

Việt Nam vẫn nằm trong số ít những thị trường ngân hàng trên thế giới chưa có ngân hàng dẫn dắt thị trường. Nếu như các ngân hàng ngoại tham gia vào quá trình này và tranh thủ cơ hội cùng với ngân hàng tái cơ cấu, có thể vươn lên trở thành ngân hàng dẫn đầu thị trường. Mà một khi đã dẫn đầu sẽ rất dễ duy trì vị thế này trên nền tảng lợi thế về quy mô và công nghệ.

Bên cạnh đó, rõ ràng có rủi ro và cũng là thách thức lớn nếu ngân hàng nước ngoài mua lại một ngân hàng nhỏ hơn nhiều so với quy mô của mình.

Có thể ngân hàng đang tăng trưởng với tốc độ 15%/năm, nếu không thực hiện sáp nhập có thể tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, do chi phí của quá trình sáp nhập, ngân hàng nước ngoài có thể bị sao nhãng khỏi mục tiêu tăng trưởng khiến tỷ lệ này còn 5%, bởi ngân hàng kia quá nhỏ và việc sáp nhập kéo theo nhiều việc phải làm. 

Một số ngân hàng nước ngoài có vẻ như đang thu hẹp hoạt động tại Việt Nam. Ông nhìn nhận câu chuyện này như thế nào?

Trong những trường hợp cụ thể, thời điểm cụ thể, việc đầu tư chưa mang lại những lợi ích như mong muốn nên có lẽ các ngân hàng nước ngoài đưa ra những quyết định thu hẹp hoạt động. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với nhiều ngân hàng nước ngoài, tôi thấy họ vẫn rất để ý, quan tâm đến thị trường ngân hàng Việt Nam.

Lý do bởi đây là thị trường có triển vọng tốt với quy mô dân số trên 90 triệu người, thị trường bán lẻ, ngân hàng tư nhân, quản lý tài sản, cho vay tài trợ thương mại… là những cơ hội đáng để kỳ vọng.

Những ngân hàng như HSBC, Standard Chartered, Citi đều đã ở Việt Nam và có những hoạt động đón đầu xu thế trong tương lai. Cá nhân tôi cho rằng, về lâu dài, triển vọng của việc đầu tư vào ngân hàng Việt Nam vẫn rất tốt.

Theo ông, Nhà nước nên có chính sách gì để hỗ trợ hơn các ngân hàng nước ngoài tham gia ngày một mạnh mẽ hơn vào hệ thống ngân hàng Việt Nam?

Có rất nhiều việc mà cơ quan quản lý Việt Nam có thể triển khai để hỗ trợ sự tham gia nhiều hơn của các đối tác nước ngoài.

Thứ nhất, nới dần tỷ lệ sở hữu hiện đang khống chế trần đối với các ngân hàng nước ngoài. Việc này không phải là ngay và luôn, nhưng cần có một lộ trình rõ ràng.

Thứ hai, nâng cao năng lực hoạt động của VAMC và các cơ chế cho VAMC có thể thể giải quyết, xử lý được các khoản nợ xấu một cách hiệu quả, tạo thanh khoản tốt hơn cho thị trường.

Thứ ba, cần có những quy định về phá sản. Chừng nào còn chưa có những quy định về phá sản, chắc chắn có những khó khăn để các ngân hàng nước ngoài cân nhắc tham gia hoạt động tại Việt Nam.

Tin bài liên quan