Ghi nhận từ một số đại hội đồng cổ đông đã tổ chức, có câu bình luận vui nhưng… không đùa của một cổ đông lâu năm rằng: “Năm ngoái các lãnh đạo còn thanh minh sao chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận thấp, thế rồi cuối năm báo lãi quá lớn, vượt cả nghìn tỷ đồng, tức là công tác lập kế hoạch kinh doanh… có vấn đề! Và năm nay đặt kế hoạch lãi cao liệu có lại… dự báo sai?!”.
Thực trạng ngân hàng năm vừa qua đúng là như vậy, “đầu năm thận trọng, cuối năm vui vẻ”. Các kế hoạch đặt ra cho năm 2018 đều được khẳng định là đã tính kỹ, nhưng liệu có sự bất ngờ theo chiều ngược lại 2017?
Kết quả khảo sát của Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trên toàn hệ thống cho thấy, dự kiến trong năm 2018, có tới 92,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị sẽ tăng trưởng dương so với năm 2017, với mức tăng trưởng toàn hệ thống bình quân kỳ vọng đạt 19,33%, cao hơn nhiều so với mức bình quân kỳ vọng 13,4% của các TCTD tại cuộc khảo sát cùng kỳ năm trước.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, các ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2018 bởi 3 yếu tố chính: tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ xấu và cho vay tiêu dùng.
Nợ xấu không còn là “cục máu đông”
Theo NHNN, đánh giá sơ bộ bước đầu, đến 30/11/2017, toàn hệ thống xử lý được 39,9 nghìn tỷ đồng và ước tính đến 31/12/2017 xử lý được khoảng trên 50 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42; trong đó, riêng 6 tổ chức tín dụng (TCTD) được lựa chọn tập trung chỉ đạo xử lý nợ xấu, gồm Agribank, BIDV, VietinBank, ACB, Sacombank, Techcombank tính đến 30/11/2017 đã được xử lý là 20,44 nghìn tỷ đồng, bằng 51,3% nợ xấu được xử lý toàn hệ thống.
TS. Nghĩa cho biết: “Trên thực tế mấy tháng vừa qua, các ngân hàng xử lý nợ xấu cũng rất quyết liệt, đồng thời với đó, thị trường bất động sản cũng lên hỗ trợ tốt cho việc xử lý nợ xấu”.
Thực ra, không cần nhìn các con số, chỉ cần nhìn vào tốc độ ra thông báo xử lý tài sản có thể hiểu rằng nợ xấu đang được xử lý khá mạnh tay.
TPBank thông báo sẽ tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm từ 09h00 ngày 02/04/2018 là Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liến với đất đối với thửa đất số LK13-2, tờ bản đồ số 00, diện tích 44.5 m2; tọa lạc tại Khu nhà ở dân cư Ngô Thì Nhậm, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội; VietinBank vừa thông báo xử lý toàn bộ (khoản nợ gần 80 tỷ đồng, trong đó có 41,3 tỷ đồng nợ gốc và 38,2 nợ lãi) của CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng An Cư tại VietinBank Tiên Sơn theo các Hợp đồng thế chấp và Hợp đồng tín dụng đã ký…. Đến cả tòa nhà nổi tiếng Saigon One Tower tại trung tâm thành phố cũng được VAMC “rao bán” giữa năm ngoái.
“Giả định, các ngân hàng xử lý được 2% nợ xấu, có nghĩa 2% này hoàn toàn là lợi nhuận, không phải trích lập dự phòng rủi ro. Theo đó, giả định vốn tự có là 100, lợi nhuận năm 2017 là 11 đồng tăng lên 30%. nghĩa là 14 đồng. Trong số 14 đồng đã có 2% thu hồi từ nợ xấu nên kỳ vọng lợi nhuận tăng cao từ việc xử lý nợ xấu là việc đương nhiên”, TS. Nghĩa nói.
Tín dụng vẫn là nguồn thu chính
Báo cáo tình hình kinh tế tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2018 vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố cho thấy, tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017, nhưng cao hơn so với các năm từ năm 2016 trở về trước.
Cụ thể, tháng 1/2018, tổng tín dụng (bao gồm cả cho vay khách hàng và đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp) tăng khoảng 0,9%; tháng 2/2018, tín dụng ước tăng khoảng 1% với cuối năm 2017.
Một ví dụ minh chứng như BIDV, tiếp nối thành công gói tín dụng 10.000 tỷ đồng, Ngân hàng vừa triển khai Gói tín dụng mới với quy mô 20.000 tỷ đồng từ tháng 3 đến 30/6/2018. Theo đó, tham gia gói tín dụng, khách hàng có thể lựa chọn linh hoạt các gói vay khác nhau, lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm đối với các khoản vay có thời hạn đến 5 tháng và từ 7,2%/năm đối với các khoản vay trên 5 tháng đến 11 tháng… Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, BIDV đã triển khai thành công 2 gói tín dụng vay sản xuất kinh doanh với tổng quy mô 25.000 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết: “NHNN sẽ thực hiện các giải pháp hỗ trợ các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Đồng thời, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hệ thống mở rộng tín dụng, phục vụ phát triển kinh tế, đi đôi với an toàn hoạt động”.
Cho vay tiêu dùng, “trứng vàng” cho 5-10 năm tới
Cho vay tiêu dùng hiện đang được thực hiện chủ yếu bởi các công ty tài chính và bộ phận bán lẻ các ngân hàng thương mại.
Với nhóm công ty tài chính, tiếc rằng chỉ có 2 ngân hàng đang sở hữu 3 ông lớn gồm HDSaison (thuộc HDBank), FECredit (thuộc VPBank) và một công ty độc lập là HomeCredit. Đây là 3 công ty chi phối thị trường cho vay tiêu dùng màu mỡ và đương nhiên mang lại những con số khủng cho các ngân hàng mẹ. Một ví dụ, FE Credit năm 2017 đóng góp hơn một nửa số lợi nhuận trên 8.000 tỷ đồng của VPBank.
Năm 2018, nhóm công ty tài chính có thể hy vọng một gương mặt mới là MCredit, thành viên của ngân hàng MB, bởi đã có quá trình chạy đà ấn tượng. Sau 10 tháng hoạt động, MCredit bắt đầu kinh doanh có lãi, hiện MCredit đạt dư nợ trên 1.000 tỷ đồng tính đến tháng 10/2017 và mạng lưới trên 30 tỉnh thành phố với hơn 800 điểm giới thiệu sản phẩm. Nhưng tất nhiên, lĩnh vực tài chính tiêu dùng dù màu mỡ nhưng khắc nghiệt và khó điều hành, nhiều ngân hàng từng phải bán đi hoặc tạm thời chưa khởi động các công ty tài chính thành viên của mình, câu chuyện của MCredit sẽ được kể thêm vào dịp khác.
Còn đối với các ngân hàng thương mại, khối bán lẻ trực thuộc đang thay thế dần khối bán buôn (cho vay doanh nghiệp) trong đóng góp lợi nhuận. Hầu hết các ngân hàng đang đầu tư mạnh vào nhóm này, đặc biệt là cho vay mua nhà, bán các sản phẩm thẻ, cung cấp dịch vụ bảo hiểm…
Theo thống kê của Ủy ban Giám sát sát tài chính quốc gia, tín dụng tiêu dùng năm 2017 tăng gần 70% (chưa kể năm 2016 đã tăng 50,2%), gấp gần 4 lần tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Đây là lĩnh vực được cho là có độ rủi ro thấp hơn và biên lợi nhuận cao hơn, nên việc các ngân hàng hướng trọng tậm là điều dễ hiểu.
Theo phân tích của TS. Lê Xuân Nghĩa, vốn vào cho vay tiêu dùng thời gian tới còn tiếp tục được đẩy mạnh hơn vì đây cũng là chủ trương của Chính phủ và cũng là xu hướng chung toàn cầu.
Số liệu của 16 nước châu Âu, nguồn từ Eurofinas 2015 cho biết, cho vay công nghiệp chiếm 7%, nhà ở và bất động sản chiếm 14%, phương tiện vận chuyển chiếm 31% (trong đó: xe thương mại là 17%, cá nhân là 24%), cho vay tiêu dùng cá nhân là 47%. Cộng số liệu của cho vay tiêu dùng cá nhân với phương tiện vận chuyển cá nhân là 71% tín dụng cho tổng tín dụng dành cho vay tiêu dùng và đó cũng là chưa tính 14% của bất động sản. Theo đó, trong 423,1 tỷ euro tín dụng mới thì 71% tín dụng dành cho cho vay tiêu dùng.
Cho vay tiêu dùng, tức là cho vay đến từng cá nhân sẽ là lĩnh vực thu lợi nhuận lớn của các ngân hàng, bất kể từ bộ phận cho vay bán lẻ hay từ các công ty tài chính.
VIB vừa công bố tài liệu dành cho ĐHCĐ dự kiến được tổ chức vào ngày 29/3/2018 tại Hà Nội cho biết, lợi nhuận trước thuế đạt 1.405 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2016 và đạt 187% kế hoạch ĐHCĐ giao. Năm 2018, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.005 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2017. Thông tin trước ĐHCĐ từ VPBank cho thấy, năm 2018, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2018 ở mức 10.800 tỷ đồng, tăng 33% so với con số thực hiện được năm 2017. Techcombank đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 10.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2017 là hơn 8.036 tỷ đồng. Vietcombank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 13.000 tỷ đồng. Còn VCBS dự đoán lợi nhuận trước thuế của ACB trong năm 2018 là 4.117 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với năm 2017…