Lĩnh vực nông lâm thủy sản sẽ đón luồng vốn lớn trong năm 2015

Lĩnh vực nông lâm thủy sản sẽ đón luồng vốn lớn trong năm 2015

Số đẹp dư nợ 2014…

(ĐTCK) Chia sẻ với báo chí sáng qua (16/12), ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đã ở mức 11%. Đặc biệt, cơ cấu tăng trưởng tín dụng năm nay đi vào những lĩnh vực ưu tiên, thực chất hơn.

Cụ thể, tín dụng dành cho DN vừa và nhỏ đến hết tháng 10 đã tăng 13,8%; ứng dụng công nghệ cao đã tăng 14,8%; còn đối với nông nghiệp, phát triển nông thôn ước trong năm 2014 sẽ ở mức 12,8%.

“Như vậy, so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm 2014 là tăng trưởng khoảng 12 - 14% thì mức 12,5 - 13% chắc chắn sẽ đạt được. Và quan trọng hơn cả là dòng vốn năm nay đi vào sản xuất với tỷ trọng lớn, đúng với định hướng của NHNN”, ông Đông nói.

Liên quan đến những quan ngại liệu đó có phải là con số tăng trưởng “kỹ thuật” không, khi giai đoạn đầu năm tăng trưởng tín dụng rất thấp, thậm chí có tháng âm mà cuối năm con số “đẹp”, ông Đông phân tích, tăng trưởng tín dụng của năm 2014 khác so với cùng kỳ năm trước. Đó là, 6 tháng đầu năm 2014 tăng trưởng trên 3,5%, quý III tăng được 3,7% và 2 tháng của quý IV tăng xấp xỉ 2,8%. Như vậy, tăng trưởng khá đều chứ không phải tăng dồn vào thời điểm cuối năm như những năm trước đây, nên không thể nói là các TCTD đạo diễn “kỹ thuật”.

“Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng cuối năm 2014 khởi sắc hơn nhờ 2 yếu tố: một là, dấu hiệu phục hồi nền kinh tế tích cực hơn vào thời điểm cuối năm; hai là, bản thân các khách hàng DN và cá nhân có nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh cho mùa lễ tết cao hơn. Trên thực tế, hệ thống ngân hàng quý IV năm nay tăng tín dụng ở mức gần 4% cũng tương tự như quý III”, ông Đông nói.

Lĩnh vực cho vay trung, dài hạn hiện được thị trường quan tâm với Thông tư 36 vừa được NHNN ban hành. Về vấn đề này, ông Đông cho biết, trong tổng dư nợ, tín dụng trung, dài hạn hiện chiếm khoảng 36 - 37%. Thông tư 36 cũng nhằm tạo cơ hội để các NHTM mở rộng thêm đối tượng cho vay trung dài hạn. Từ đó, giúp các DN, thành phần kinh tế đầu tư dự án, mở rộng sản xuất - kinh doanh bền vững hơn…

Trước những lo ngại về tình trạng đô la hóa liệu có quay trở lại, ông Đông khẳng định, mặc dù tín dụng ngoại tệ thời điểm 6 tháng đầu năm 2014 rất cao khoảng 10% nhưng đến nay, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ ở mức 12,8%. Mức này không lớn trong tổng dư nợ và bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng nội tệ đã đạt 11% cũng cho thấy nhu cầu vay vốn ngoại tệ của các DN, các thành phần kinh tế không lớn như trước đây.

Trên thực tế, đại diện NHNN chia sẻ, về cơ bản, mức lãi suất cho vay giữa VND và ngoại tệ hiện không chênh lệch lớn như thời điểm đầu năm 2014, nên cơ quan này có hạn chế đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ cũng không ảnh hưởng đến các hoạt động nhập khẩu của DN để phục vụ cho việc sản xuất - kinh doanh. Đối với các NHTM, hiện nay nguồn vốn ngoại tệ và VND đều có khả năng đáp ứng cho các DN và nền kinh tế.

Ông Đông cho biết: “Dự kiến tín dụng nội tệ sẽ tăng cao hơn ngoại tệ. NHNN đang xem xét việc mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn cho DN ở lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, để đảm bảo chính sách quản lý ngoại hối và cán cân vĩ mô khác, việc hạn chế cho vay ngoại tệ, theo tôi thời điểm này là cần thiết. Cho vay ngoại tệ hạn chế nghĩa là cầu về ngoại tệ từ nền kinh tế giảm đi, sức ép về tỷ giá giảm dần”.

Đặc biệt, đối với việc hỗ trợ nguồn vốn cho ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67, vẫn theo ông Đông, sau 3 tháng Nghị định ra đời, mới có 8/28 tỉnh, thành có danh sách phê duyệt. Từ đó, các NHTM đã chủ động tiếp cận và mới đây nhất đã giải ngân được 2 trường hợp trị giá 22 tỷ đồng, còn 40 bộ hồ sơ nữa đang được các TCTD đang tích cực triển khai.

Không bình luận trực tiếp về những ý kiến cho rằng Nghị định 67 được NHNN triển khai chậm, ông Đông chỉ chia sẻ, mặc dù các NHTM đã chủ động tiếp cận nhưng vẫn còn chờ danh sách phê duyệt của các địa phương. Bên cạnh đó, tâm lý của ngư dân hiện muốn đóng tàu vỏ gỗ vì quen sử dụng hơn, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đưa ra phương án đóng tàu vỏ sắt. Muốn đóng tàu vỏ gỗ, ngư dân phải thuê thiết kế, lại phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, rồi từ đó mới có dự toán, lên phương án vay vốn và ngân hàng tính toán, thẩm định, ký hợp đồng cho vay…

“Đóng một con tàu trị giá 5 - 10 tỷ đồng là tài sản rất lớn với hầu hết ngư dân, nên nhiều người kiêng việc phải đóng mới con tàu vắt sang 2 năm. Do vậy, dù TCTD có ký ngay hợp đồng, giải ngân ngay, đóng tàu luôn thì cũng phải khoảng 3 - 6 tháng sau mới nhận được tàu, nên các ngư dân không muốn”, ông Đông nói.

Về kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho năm 2015, dự kiến trong tuần sau Ban lãnh đạo NHNN sẽ họp bàn đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng, nhưng ước vào khoảng 13 -  15%. Nhằm bám sát mục tiêu này, Vụ Tín dụng các nền kinh tế của NHNN đã chuẩn bị mọi phương án để tăng trưởng tín dụng được đảm bảo ngay từ quý I. Đặc biệt, với dự thảo Nghị định mới đã trình Chính phủ nhằm thay thế Nghị định 41 và nhiều khả năng sẽ được phê duyệt trong quý I/2015, ông Đông tin tưởng sẽ là động lực rất quan trọng để khuyến khích các DN, thành phần kinh tế mở rộng sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

“Từ đó, nhu cầu vốn đi liền với cung ứng vốn cho lĩnh vực này cũng sẽ lớn nhất trong năm 2015. Dự kiến, tăng trưởng riêng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo đối tượng trong Nghị định mới sẽ vào khoảng 15% trong năm 2015”, ông Đông nhấn mạnh.

Tin bài liên quan