NHNN đã chấp thuận chủ trương cho Southern Bank sáp nhập vào Sacombank

NHNN đã chấp thuận chủ trương cho Southern Bank sáp nhập vào Sacombank

Sẽ có thêm nhiều thương vụ M&A ngân hàng

(ĐTCK) Ngoài 9 NHTM cổ phần yếu kém được xác định từ năm 2012 và đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại, chuẩn bị trình Chính phủ phương án tái cơ cấu ngân hàng còn lại, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang tích cực chỉ đạo một số ngân hàng triển khai việc mua lại tổ chức tín dụng khác.

2 thương vụ lớn sắp mở màn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận chủ trương cho Southern Bank sáp nhập vào Sacombank, Mekong Bank (MDB) sáp nhập vào Maritime Bank. Thực ra, thông tin về hai thương vụ sáp nhập này đã được hé lộ từ đầu năm và kế hoạch sáp nhập cũng được cổ đông của các ngân hàng thông qua tại kỳ ĐHCĐ thường niên trong quý II/2014.

Lãnh đạo Sacombank cho hay, kế hoạch nhận sáp nhập Southern Bank đã được chuẩn bị sau khi cổ đông thông qua. Vì thế, khi Sacombank nhận được văn bản chính thức từ Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung triển khai đề án sáp nhập. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu Southern Bank sang cổ phiếu Sacombank vẫn là một ẩn số khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm. Vì giữa 2 ngân hàng này có sự chênh lệch khá lớn về quy mô cũng như hiệu quả kinh doanh. Nếu như hai năm qua, Sacombank đều đạt lợi nhuận trên dưới 3.000 tỷ đồng thì Southern Bank lại sụt giảm mạnh lợi nhuận, chỉ đạt 18 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2013. Nhưng Southern Bank – Sacombank cùng chung dáng dấp của một chủ sở hữu, khi gia đình ông Trầm Bê nắm tỷ lệ cổ phần lớn tại hai ngân hàng, nên việc sáp nhập sẽ là cơ hội để xóa tình trạng sở hữu vượt trần mà Ngân hàng Nhà nước đang quyết liệt xử lý trong thời gian này.

Báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2014 của Southern Bank cho thấy, ông Trầm Bê và các thành viên trong gia đình vẫn nắm tỷ lệ sở hữu 21,14% tại Ngân hàng, không thay đổi so với cuối năm 2013. Trong khi, tại Sacombank, gia đình Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Trầm Bê sở hữu 6,78% cổ phần. Vì thế, cái được lớn nhất trong thương vụ sáp nhập giữa hai nhà băng này theo nhận định của các chuyên gia lĩnh vực tài chính, tiền tệ, chính là xóa được sở hữu chéo. Tuy nhiên, cái khó đối với Sacombank là phải gánh khoản nợ xấu không nhỏ từ Southern Bank. Tỷ lệ nợ xấu của Southern Bank đến cuối năm 2013 vẫn ở trên mức 4%.

Thương vụ sáp nhập Mekong Bank vào Maritime Bank cũng không khác nhiều so với trường hợp trên, khi Maritime Bank hiện đang nắm giữ 10,16% cổ phần của Mekong Bank. Đồng thời, cổ đông lớn của Mekong Bank là Tập đoàn FFH (Singapore) đã chuyển nhượng lại 20% cổ phần cho Maritime Bank. Vì thế, cổ đông của hai ngân hàng đã sớm thông qua kế hoạch sáp nhập và chờ quyết định từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Được biết, phương án hoán đổi cổ phiếu giữa Mekong Bank và Maritime Bank là 1:1 (tức 1 cổ phiếu Mekong Bank sẽ được chuyển đổi thành 1 cổ phiếu Maritime Bank) và hai ngân hàng cho biết, đã chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch này.

Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu trên, được nhiều người cho rằng, chỉ có lợi cho cổ đông Mekong Bank, vì quy mô của Maritime Bank lớn hơn nhiều so với Mekong Bank. Thế nhưng, nếu nhìn lại các thương vụ M&A ngân hàng trước đó, có thể thấy, không ít thương vụ có tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu tương tự. Chẳng hạn như thương vụ DaiA Bank sáp nhập vào HDBank. Nếu phương án sáp nhập được Ngân hàng Nhà nước thông qua, Maritime Bank sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ gần 11.800 tỷ đồng (Maritime Bank 8.000 tỷ đồng và MDB vốn 3.750 tỷ đồng), với tổng tài sản khoảng 113.000 tỷ đồng. 

Thêm ngân hàng khác M&A

Không chỉ với hai thương vụ M&A lớn kể trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang tích cực chỉ đạo triển khai một số ngân hàng mua lại TCTD khác. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, nhiều khả năng, tới đây sẽ diễn ra thương vụ M&A giữa một ngân hàng vừa hoàn tất việc hợp nhất (có vốn điều lệ hiện tại là 9.000 tỷ đồng) sẽ sáp nhập thêm một nhà băng nhỏ khác (có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng), bởi hai ngân hàng này có dáng dấp một chủ sở hữu là một tập đoàn kinh tế lớn. Vả lại, nếu không sớm sáp nhập, ngân hàng nhỏ kia khó có thể tự mình vượt qua sóng gió.

Tại TP. HCM, thời gian gần đây cũng rộ lên thông tin 2 ngân hàng có chung một cổ đông lớn - Nhà nước sẽ sớm xúc tiến xin ý kiến của cổ đông để xây dựng phương án sáp nhập đệ trình lên Ngân hàng Nhà nước. Đáng chú ý là cả hai nhà băng này nhiều năm qua gặp khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ. Một trong số đó đã phải hủy kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng, vì nhà đầu tư không đóng đủ tiền. Mặt khác, hoạt động kinh doanh của 2 nhà băng này sụt giảm mạnh trong những năm gần đây. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu lại tăng mạnh, phải trích lập dự phòng cao. Vì thế, phương án sáp nhập được xem là cách duy nhất để cả hai ngân hàng có thể phát triển.

Một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng cho rằng, không sớm thì muộn hai nhà băng trên cũng phải tính đến chuyện M&A, để có thể cùng nhau phát triển trước tình hình cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt và chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là thu hẹp số lượng ngân hàng xuống còn 20 - 25 đơn vị.

“Tôi cho rằng, những ngân hàng nhỏ, hoạt động không hiệu quả, nhưng nợ xấu tăng sẽ khó tránh khỏi M&A”, vị lãnh đạo này cho biết.

Thực tế, các ngân hàng sau M&A đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại theo đúng phương án được duyệt. Trong đó, một số NHTM cổ phần yếu kém được xác định trong năm 2013 đang được Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ và chỉ đạo xây dựng phương án tái cơ cấu.

Sau hơn 2 năm tái cơ cấu, đến nay, hệ thống ngân hàng đã giảm bớt 5 ngân hàng qua M&A gồm: Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Nhà Hà Nội, Phương Tây, Đại Á. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, hầu hết các phương án tái cơ cấu NHTM cổ phần yếu kém, kể cả sáp nhập, hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện. Ngân hàng Nhà nước chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào theo quy định của pháp luật. Sau khi sáp nhập, hợp nhất hoặc phương án cơ cấu lại được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, các ngân hàng đã và đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và khắc phục các sai phạm dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, các tỷ lệ an toàn hoạt động, khả năng chi trả được cải thiện và cơ bản đảm bảo theo quy định. Đến cuối tháng 6/2014, tổng tài sản của 9 NHTM cổ phần yếu kém tăng 3,l7% so với cuối năm 2013; huy động vốn tăng 3,28% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ thị trường 1 tăng 10,18% so với cuối năm 2013.

Tin bài liên quan