SCB: Lợi nhuận lũy kế chưa phân phối hơn 500 tỷ đồng, nhưng chưa thể chia cổ tức

SCB: Lợi nhuận lũy kế chưa phân phối hơn 500 tỷ đồng, nhưng chưa thể chia cổ tức

(ĐTCK) Ngày 18/4, SCB tiến hành ĐHCĐ thường niên năm 2017 thông qua kế hoạch hoạt động năm 2017 và trình cổ đông tăng thêm vốn điều lệ trong năm nay.

Tại ĐHCĐ, hầu hết ý kiến của cổ đông muốn chia cổ tức. Tuy nhiên, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, Ngân hàng không được chia cổ tức, vì Nhà nước quy định, trong quá trình tái cấu trúc, ngân hàng cần tăng cường năng lực tài chính, lợi nhuận để lại và không chia cổ tức, song quyền lợi của cổ đông vẫn được đảm bảo.

"Lợi nhuận lũy kế chưa phân phối hiện nay vẫn là hơn 500 tỷ đồng, nếu NHNN chỉ đạo tăng vốn hay chia thì chúng tôi sẽ thực hiện theo", ông Văn cho biết.

Mặt khác, trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu SCB phải dành nguồn lực, lợi nhuận đạt được để trích lập dự phòng rủi ro. Trong năm qua, SCB đã trích lập hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo SCB, lợi nhuận của ngân hàng còn khiêm tốn do chi phí tái cơ cấu còn tương đối cao và trích lập dự phòng. Trong giai đoạn 2012 - 2016, SCB đã trích lập 6.638 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, trong đó trích lập trái phiếu VAMC là 3.369 tỷ đồng.

Trong giai đoạn sau hợp nhất 3 ngân hàng (Tín Nghĩa, Đệ Nhất, SCB ), SCB hợp nhất đã nỗ lực xử lý nợ xấu, thu hồi nợ và kiểm soát chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 7,25% đầu năm 2012 xuống còn 0,68% vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, lượng nợ xấu SCB bán cho VAMC chưa được xử lý, hiện vẫn còn 14.000 tỷ đồng, nên đòi hỏi trích lập dự phòng lớn.

SCB: Lợi nhuận lũy kế chưa phân phối hơn 500 tỷ đồng, nhưng chưa thể chia cổ tức ảnh 1

Theo kế hoạch năm 2017, SCB sẽ tiếp tục chiến lược tái cơ cấu giai đoạn 2015 -2019 đã được NHNN phê duyệt. Cụ thể, SCB phải đạt mức vốn điều lệ 16.000 tỷ đồng trong năm 2017 và năm 2019 đạt 18.000 tỷ đồng. Mục đích tăng vốn được SCB cho biết, là để nâng cao năng lực tài chính và đáp ứng điều kiện đối vốn trong kinh doanh tín dụng.

SCB cũng đã được chấp thuận về nguyên tắc bán trên 50% cổ phần cho đối tác ngoại. Khi bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, vốn của SCB sẽ tăng thêm.

Hiện SCB đã có 5 quỹ đầu tư nước ngoài tham gia và các cổ đông lớn nắm giữ trên 5% tại SCB chiếm tỷ lệ cổ phần tộng cộng khoảng 40%. Các quỹ đầu tư này đều là những nhà đầu tư chuyên nghiệp và đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam nên muốn gắn bó lâu dài với Ngân hàng. SCB có ý định lên sàn sau quá tình bán cổ phần cho đối tác nước ngoài và chấm dứt việc tái cấu trúc.

Các chỉ tiêu khác trong năm 2017 như tổng tài sản dự kiến đạt 427.021 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016. Tổng dư nợ tín dụng dự kiến 251.234 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2016. Dự phòng rủi ro dự kiến 2.658 tỷ đồng, tăng gần 26% so với năm 2016.

Trong ĐHCĐ kỳ này, SCB bầu 7 người vào HĐQT và 4 người vào Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2022.

SCB: Lợi nhuận lũy kế chưa phân phối hơn 500 tỷ đồng, nhưng chưa thể chia cổ tức ảnh 2

 HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới SCB ra mắt Đại hội

Cụ thể, 7 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 -2022 trúng cử trong ĐHCĐ kỳ này của SCB gồm: ông  Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT; ông Henry Sun Ka Ziang, Phó chủ tịch HĐQT; ông Tạ Chiêu Trung, Phó chủ tịch HĐQT; ông Chiêm Minh Dũng, Thành viên  HĐQT; ông Võ Tấn Hoàng Văn, Thành viên  HĐQT - Tổng giám đốc; bà Nguyễn Thị Phương Loan, Thành viên HĐQT; ông Nguyễn Tiến Thành, Thành viên HĐQT độc lập.

Bên cạnh đó, SCB cũng bầu 4 thành viên BKS nhiệm kỳ 2017 - 2022 gồm: bà Phạm Thu Phong, Trưởng Ban; bà Võ Thị Mười, thành viên chuyên trách; ông Trần Chấn Nam, thành viên chuyên trách; ông Vũ Mạnh Tường, thành viên chuyên trách.

Đồng thời, Đại hội cũng đã thông qua việc tái bổ nhiệm ông Võ Tấn Hoàng Văn giữ chức vụ Tổng giám đốc Ngân hàng nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Tin bài liên quan