Sắp lộ diện nhà đầu tư nước ngoài mua lại Ocean Bank

Sắp lộ diện nhà đầu tư nước ngoài mua lại Ocean Bank

(ĐTCK) “Tôi không xác nhận thông tin này, nhưng theo những gì tôi được biết, hiện giờ nhà đầu tư nước ngoài đang ở giai đoạn 2 trong việc soát xét đánh giá lại toàn diện Ocean Bank”.

Đó là câu trả lời của ông Bùi Huy Thọ, Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng (TCTD) và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trả lời câu hỏi của phóng viên, tại buổi Họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 do Báo Đầu tư và AVM tổ chức sáng nay tại Hà Nội, liên quan đến thông tin “Ocean Bank đã được bán cho một đối tác nước ngoài trong khu vực châu Á” được Đầu tư Chứng khoán đưa tin ngày 23/6.

Ông Thọ chia sẻ thêm, việc mua lại một ngân hàng không hề đơn giản, tài sản, công nợ của ngân hàng rất đa dạng, phong phú; có nhiều tài sản chuyên sâu như hoạt động tín dụng, bảo lãnh, thanh toán, mạng lưới trải dài trên toàn quốc…

“Tuy vậy, nhà đầu tư này rất nghiêm túc và thực lòng muốn đầu tư vào Việt Nam”, ông Thọ nói.

Sắp lộ diện nhà đầu tư nước ngoài mua lại Ocean Bank ảnh 1

 Ông Bùi Huy Thọ trả lời tại buổi Họp báo M&A Việt Nam 2017

Nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán cho biết, đối tác nước ngoài trong khu vực châu Á này đã có kế hoạch chi 8.000 tỷ đồng để đổ vào OceanBank và đang đợi sự chấp thuận của Chính phủ, NHNN.

Cũng liên quan đến các ngân hàng mua lại bắt buộc, ông Thọ cho biết, đối với 2 ngân hàng còn lại (Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu - GPBank) và Ngân hàng Xây dựng - CBBank – PV) cũng đã có những nhà đầu tư trong và ngoài nước bước đầu đặt vấn đề tham gia tái cơ cấu, mua lại những ngân hàng này.

NHNN đã đồng ý để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận 2 ngân hàng mua lại bắt buộc để có những thông tin bước đầu, đánh giá để đưa ra những quyết định bước tiếp theo.

“NHNN và Chính phủ khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cơ cấu các ngân hàng mua lại bắt buộc, yếu kém”, ông Thọ nhấn mạnh.

Xung quanh chủ đề được trao đổi trên thị trường thời gian qua về việc VIB mua lại toàn bộ tài sản, công nợ, mạng lưới, vật chất của CBA và HSBC bán phần vốn của mình tại Techcombank có phải là hiện tượng không tích cực?

Ông Thọ cho biết, không những đây không phải là hiện tượng không tích cực mà, còn ngược lại. CBA đóng cửa chi nhánh để tập trung vào quan hệ cổ đông chiến lược với VIB tại Việt Nam, thậm chí đã đặt vấn đề dùng toàn bộ vốn điều lệ của chi nhánh để tăng vốn góp của VIB. Tuy nhiên, hiện giờ room của Ngân hàng không còn.

Còn tại HSBC, do đã có có ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam hoạt động hiệu quả, nên HSBC không có nhu cầu là cổ đông chiến lược tại Techcombank nữa.

“Đây cũng là điểm phù hợp với chiến lược của NHNN là giảm đầu mối quản lý số lượng TCTD và tăng quy mô và hiệu quả, lành mạnh của hoạt động”, ông Thọ nhấn mạnh.

Liên quan đến Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội thông qua, ông Thọ cho rằng, sẽ có những bước đột phá trong thời gian tới liên quan đến việc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.

Về mặt thực tiễn, xử lý tài sản đảm bảo là linh hồn của việc xử lý nợ xấu. Nếu không tháo gỡ quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các TCTD hay khi bán một khoản nợ hay xử lý tài sản bảo đảm dưới mệnh giá thì cán bộ tín dụng và cả VAMC đều không dám làm. Do vậy, Nghị quyết 42 đã tháo gỡ cho những lo ngại về trách nhiệm, thậm chí là mặt hình sự cho các cán bộ của TCTD.

Cũng theo ông Thọ, với Nghị quyết 42, nợ xấu sẽ có những bước đột phá có tác động đến M&A trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng và M&A nói chung vì.

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu, mua lại một ngân hàng được mua lại bắt buộc, nhà đầu tư nước ngoài cần phải biết triển vọng xử lý nợ xấu thế nào?

Diễn đàn thường niên mua bán, sáp nhập doanh nghiệp năm 2017 (M&A Việt Nam 2017) được Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào thứ Năm, ngày 10/8/2017 tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM). Đây là sự kiện thường niên có quy mô lớn thu hút sự quan tâm của các cơ quan Chính phủ, đông đảo các chuyên gia hàng đầu và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Trong khuôn khổ Diễn đàn M&A 2017 với chủ đề "Tìm bước đột phá - Seeking a big push", Báo Đầu tư sẽ xuất bản Đặc san “Toàn cảnh thị trường Mua bán - Sáp nhập Việt Nam 2017 - Vietnam M&A Outlook 2017”. Đặc san được xuất bản bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh, phát hành rộng rãi qua các kênh phát hành của Báo Đầu tư ở trong nước và nước ngoài và là tài liệu chính thức của Diễn đàn M&A Việt Nam 2017.

Tin bài liên quan