Trao thẩm quyền quá lớn cho các chi nhánh khiến cánh cửa kiểm soát rủi ro trở nên lỏng lẻo

Trao thẩm quyền quá lớn cho các chi nhánh khiến cánh cửa kiểm soát rủi ro trở nên lỏng lẻo

Rủi ro ngân hàng khi trao quyền cho chi nhánh

(ĐTCK) Những vụ án lớn gần đây cho thấy, các chi nhánh ngân hàng được giao thẩm quyền rất lớn, có thể quyết định những giao dịch hàng chục tỷ đồng. Thẩm quyền này liên quan đến mô hình tổ chức kinh doanh của các ngân hàng.

Thẩm quyền lớn, thiệt hại nhiều?

Tháng 4/2017, Tòa án Nhân dân TP. Hà  Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án gây thiệt hại hơn 500 tỷ đồng ở một ngân hàng lớn. Giám đốc chi nhánh đã cấu kết với chủ doanh nghiệp để cấp nhiều bảo lãnh giả tạo, không đúng quy trình, không đúng thẩm quyền.

Trước khi vụ án hình sự được đưa ra xét xử, khoảng những năm 2011 - 2012, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã thụ lý một số vụ án kinh doanh thương mại, trong đó có một số doanh nghiệp yêu cầu ngân hàng này phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với số tiền vài chục tỷ đồng cho mỗi trường hợp.

Những hợp đồng bảo lãnh này đều xuất phát từ cùng một chi nhánh. Theo đó, giám đốc chi nhánh đã ký phát hành chứng thư bảo lãnh cho nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa giữa nhóm Công ty Xuất Nhập khẩu Tân Hồng với các doanh nghiệp khác.

Sau đó, Công ty Tân Hồng không trả tiền mua hàng và bên bán hàng yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Phía ngân hàng từ chối. Do đó, các doanh nghiệp được thụ hưởng bảo lãnh đã đệ đơn khởi kiện.

Các doanh nghiệp bán hàng đều khẳng định chứng thư bảo lãnh ký thật, dấu thật và trong thẩm quyền phán quyết của giám đốc chi nhánh vì vậy ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Trong một phiên tòa, đại diện bên khởi kiện còn trình bày rằng thẩm quyền của giám đốc chi nhánh được ký lên tới 80 tỷ đồng, các bảo lãnh này đều không vượt thẩm quyền, không có lý do gì từ chối bảo lãnh.

Suốt quá trình giải quyết tranh chấp kéo dài, cơ quan điều tra đã vào cuộc và sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, điều tra, xét xử các hành vi vi phạm xảy ra ở Công ty Xuất nhập khẩu Tân Hồng và chi nhánh ngân hàng.

Về cơ bản, các ngân hàng hiện nay áp dụng mô hình tổ chức kinh doanh theo khối nghiệp vụ, các chi nhánh bị giảm quyền quyết định, tập trung chủ yếu vào công tác phát triển khách hàng    

Về cơ bản, Công ty Tân Hồng là khách hàng lớn của chi nhánh ngân hàng, nhưng do sử dụng vốn vay sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả nợ. Hạn mức tín dụng của doanh nghiệp này đã hết nên không thể vay thêm để đảo nợ. Cùng lúc đó, ngân hàng này có quy định chi nhánh để nợ xấu từ 10% trở lên thì giám đốc chi nhánh phải kiểm điểm trách nhiệm để xử lý kỷ luật, kể cả bị mất chức.

Chính vì vậy, Giám đốc Chi nhánh ngân hàng và Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Tân Hồng đã bàn bạc tìm giải pháp. Hai bên thống nhất, Công ty Tân Hồng ký các hợp đồng mua bán trả chậm, huy động vốn, Chi nhánh sẽ phát hành chứng thư bảo lãnh để tạo niềm tin. Sau bán hàng, Công ty Tân Hồng sẽ trả nợ, không để xảy ra nợ xấu. Chi nhánh sẽ cho Công ty vay tiếp để có tiền trả cho các doanh nghiệp bán hàng.

Có tiền, Công ty Tân Hồng đã không trả nợ như thỏa thuận ban đầu mà sử dụng vào các mục đích khác, không thu hồi được.

Tài liệu vụ án thể hiện, Giám đốc Chi nhánh đã ký nhiều bảo lãnh với giá trị rất lớn, vài chục tỷ đồng. Chẳng hạn, Bảo lãnh không số ngày 7/1/2011 cho hợp đồng huy động vốn giữa Công ty Tân Hồng và Công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu và phát triển giáo dục Thăng Long với giá trị lên tới 70 tỷ đồng.

Bảo lãnh cho hợp đồng giữa Công ty Tân Hồng và Công ty THT có giá trị 70 tỷ đồng, bảo lãnh cho hợp đồng giữa Công ty Tân Hồng và Công ty Tràng An có giá trị 70 tỷ đồng.

Riêng với hành vi này, có 15 chứng thư bảo lãnh đã được ký với mức giá trị khác nhau, nhưng tổng cộng phải lên tới vài trăm tỷ đồng.

Trở lại với phiên tòa vừa qua, Tòa án xác định các hợp đồng mua bán hàng hóa, các chứng thư bảo lãnh là giả tạo, nhằm mục đích che giấu giao dịch khác nên bị xác định là vô hiệu. Do đó, ngân hàng không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Trong vụ án đình đám hơn, được đưa ra xét xử vào tháng 1/2017, chi nhánh đã duyệt cho nhóm công ty trong lĩnh vực may mặc, thời trang với  hạn mức rất lớn. Ví dụ một công ty trong nhóm này được cho vay số tiền 80 tỷ đồng để nhập khẩu nguyên phụ liệu theo hợp đồng liên kết với đối tác.

Sau đó, chi nhánh đã đề nghị Hội sở nâng mức phán quyết tín dụng ngắn hạn của Giám đốc chi nhánh đối với công ty này lên 400 tỷ đồng. Và đó mới chỉ là 1 doanh nghiệp. Tổng thiệt hại từ việc cho vay đối với nhóm doanh nghiệp này lên tới khoảng 2.500 tỷ đồng.

Một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng khi phải ra tòa đã trình bày rằng, sau khi nhậm chức đã yêu cầu toàn hệ thống rà soát về thực trạng nâng quyền phán quyết tại ngân hàng và sau đó có báo cáo cấp trên. Tuy nhiên, chưa có gì thay đổi thì vụ án đã bị phát hiện, khởi tố.

Nhìn sang một vụ án khác xảy ra tại Lâm Đồng, ba bị cáo bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo buộc, từ tháng 3/2009 đến 1/2011, ba bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối trong việc lập hồ sơ vay vốn để ngân hàng giải ngân đối với 63 khế ước và chiếm đoạt gần 600 tỷ đồng.

Vụ án đã có bản án có hiệu lực pháp luật nhưng có tình tiết rất đáng quan tâm, đó là lời khai của Giám đốc Chi nhánh TP. HCM - người bị cáo buộc phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng rằng tại thời điểm đó, giám đốc chi nhánh chỉ có quyền phán quyết đối với khoản vay từ 500 triệu đồng trở xuống. Các khoản vay có giá trị lớn hơn, thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn.

Dọc hay ngang?

Có thể thấy, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại nhà nước được trao quyền phán quyết khá lớn, gấp nhiều lần so với giám đốc chi nhánh của một ngân hàng thương mại cổ phần.

Điều này có liên quan đến mô hình tổ chức kinh doanh “hội sở - chi nhánh”. Chi nhánh chịu áp lực chỉ tiêu, doanh số thì cũng cần được trao quyền tương ứng để chủ động kinh doanh. Hội sở chính ngân hàng giao nhiều quyền năng cho chi nhánh, mức độ can thiệp của hội sở vào hoạt động kinh doanh của chi nhánh là không nhiều.

Chi nhánh là một đơn vị kinh doanh độc lập và có thẩm quyền như một ngân hàng thu nhỏ tại địa phương, đảm bảo việc thực hiện yêu cầu về chỉ tiêu kinh doanh, chủ động mọi vấn đề, quản lý nhân sự, sản phẩm... Chỉ khi nào những khoản vay vượt mức phán quyết đã được quy định, chi nhánh mới phải trình hội sở chấp thuận nâng quyền phán quyết.

Đã từng có nhiều ý kiến của các chuyên gia phân tích về ưu điểm của mô hình này như là chi nhánh có tính chủ động cao hơn và tích cực theo đuổi doanh số.

Mô hình tổ chức hoạt động ở cả hội sở và chi nhánh đều đơn giản với các phòng, ban đơn thuần ở hội sở và tại các chi nhánh là phòng tín dụng (kinh doanh) và các bộ phận có chức năng hỗ trợ, tổng hợp... Nhưng mô hình này cũng có rủi ro bởi chi nhánh có thể làm sai định hướng của cả hệ thống, cạnh tranh địa bàn, khách hàng lẫn nhau để đạt chỉ tiêu.

Chính vì vậy, mô hình hội sở - chi nhánh đã dần được thay thế. Cơ bản, các ngân hàng hiện nay áp dụng mô hình tổ chức kinh doanh theo khối nghiệp vụ.

Các chi nhánh bị giảm quyền quyết định, tập trung chủ yếu vào công tác phát triển khách hàng, còn việc quản trị nghiệp vụ được chuyển về các khối nghiệp vụ khác nhau trên hội sở từ khối quản trị rủi ro, bán buôn, khối vận hành, quản trị nguồn nhân lực, dịch vụ ngân hàng cá nhân…

Như vậy, các sản phẩm được triển khai thống nhất trên toàn hệ thống, không có chuyện mỗi chi nhánh một chương trình.

Thực tế ở nhiều ngân hàng cho thấy quá trình chuyển đổi mô hình với sự chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa đã giúp dịch vụ khách hàng của ngân hàng tốt hơn, hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn và hạn chế rủi ro.

Qua các vụ án, một luật sư trong lĩnh vực ngân hàng đã từng bình luận rằng, việc chuyển đổi mô hình với các ngân hàng thương mại nhà nước với hàng nghìn phòng giao dịch là chuyện không dễ dàng. Việc chuyển đổi mô hình, thành lập các khối nghiệp vụ, các trung tâm tín dụng, nếu không tính toán kỹ có thể sẽ làm bộ máy chậm chạp do số lượng các hồ sơ phải chuyển trung tâm phê duyệt quá lớn.

Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, một ngân hàng thương mại nhà nước gần đây đã có sự chuyển đổi dần dần theo mô hình khối nghiệp vụ. Thẩm quyền của các chi nhánh đã bị siết chặt, thậm chí rất nhiều điều kiện của khách hàng không nằm trong “khung”, chi nhánh đều phải trình hội sở phê duyệt. Điều này cho thấy việc chuyển đổi không phải là không thực hiện được.

Tin bài liên quan