Một môi trường pháp lý chưa nghiêm minh là cơ hội cho những sai phạm  bùng nổ

Một môi trường pháp lý chưa nghiêm minh là cơ hội cho những sai phạm bùng nổ

Rủi ro đạo đức và những lời cảnh báo muộn màng

(ĐTCK) Ngành ngân hàng trong những năm qua chứng kiến nhiều vụ án, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng, cán bộ ngân hàng phải thụ mức án phạt cao nhất - tử hình. Điều đáng buồn là hầu hết những vụ án đó đều liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp.

Tội phạm ngân hàng gia tăng

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico nhận định, đề cập đến đạo đức kinh doanh ngành ngân hàng, thực chất là nói đến việc những cán bộ ngân hàng dựa vào vị trí, công việc của mình để kiếm lời bất chính, bất chấp pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Thời gian gần đây, số vụ án hình sự liên quan đến ngành ngân hàng gia tăng đột biến mà trong đó, có nhiều vụ liên quan đến vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trải dài trên nhiều lĩnh vực nghiệp vụ, mọi vị trí trong khối ngân hàng.

Có vụ việc, người phụ trách đơn vị kinh doanh trong ngân hàng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Điển hình là trường hợp Huỳnh Thị Huyền Như, với số tiền chiếm đoạt của khách hàng lên tới gần 4.000 tỷ đồng. Hay hồi đầu năm nay, cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt được đối tượng Lê Quý Hiển, nguyên Giám đốc chi nhánh một ngân hàng sau một thời gian trốn nã. Vị nguyên giám đốc chi nhánh này bị bắt vì có hành vi giả mạo trong công tác. Chỉ trong thời gian hơn 3 tháng, từ tháng 12/2011 đến tháng 3/2012, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, Lê Quý Hiển đã ký phát hành hàng chục chứng thư bảo lãnh thanh toán giả với giá trị bảo lãnh lên tới hàng trăm tỷ đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của các DN nhận bảo lãnh và hoạt động kinh doanh ngân hàng...

“Các vụ án trên cho thấy, đạo đức nghề nghiệp đã bị xâm phạm ở mọi vị trí, từ những vị trí đơn giản nhất như giao dịch viên cho đến lãnh đạo cao nhất của ngân hàng. Những sai phạm nghiệp vụ gây hậu quả, thất thoát lớn hầu hết đều trên cơ sở lợi dụng quyền hạn, sai phạm trách nhiệm từ chính những vị trí được giao phó, xâm phạm vào nền tảng đạo đức nghề nghiệp của người làm ngân hàng”, luật sư Trần Minh Hải nhận định.

Nguyên nhân từ đâu?

Tại Hội thảo thường niên khu vực ASEAN “Lãnh đạo sự thay đổi”, do Ngân hàng Nhà nước, BTCI, Tạp chí Ngân hàng phối hợp tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, ông Mark Billington, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Hiệp hội Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) nhận định: “Cuộc khủng hoảng đã khiến các tổ chức tài chính chịu ảnh hưởng về danh tiếng của mình”.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, những vụ án, đại án ngân hàng liên quan đến đạo đức gần đây được phát hiện nhiều hơn có nguyên nhân mang tính tình hình. Khi nền kinh tế trì trệ, những hạn chế, tiêu cực bộc lộ rất rõ, giống như dòng sông khi nước đầy lên, không nhìn rõ rác rưởi, nhưng khi nước cạn sẽ lộ ra rất nhiều.

“Nói chung, những sai phạm trong hệ thống ngân hàng Việt Nam bắt nguồn từ tập quán kinh doanh theo kiểu Á Đông, trong đó, những vấn đề hối lộ, tham nhũng, lợi dụng quyền thế… là một phần của đời sống kinh tế. Không chỉ Việt Nam mà các nước xung quanh cũng vậy và điều này được xem là hiển nhiên”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Còn theo luật sư Trần Minh Hải, những vụ án diễn ra trong ngành ngân hàng thời gian qua xuất phát từ những rắc rối của hệ thống pháp luật. Nhìn vào thực tế các vụ án, có thể thấy, rất nhiều trường hợp không thể phân biệt rõ ràng đâu là đúng, đâu là sai, ranh giới giữa tuân thủ pháp luật và vi phạm pháp luật rất mong manh. Do đó, sai phạm pháp luật là điều khó tránh khỏi. Một môi trường pháp lý chưa nghiêm minh, đầy rẫy điểm mờ pháp lý là cơ hội cho những sai phạm bùng nổ, những thủ đoạn tinh vi phát triển, do không được kiểm soát, ngăn ngừa kịp thời.

Nguyên nhân thứ hai, theo luật sư Hải, là hậu quả của sự phát triển quá “nóng” của ngành ngân hàng trong hơn chục năm qua. Rất nhiều cán bộ được bổ nhiệm chức vụ, vị trí cao mà còn non tay nghề, thiếu kinh nghiệm và chưa thực sự am hiểu bản chất nghề nghiệp của mình. Nói đơn giản là nhiều cán bộ chưa biết sợ trách nhiệm phát sinh từ nghề nghiệp, chưa nhận thức được rủi ro cho chính mình, coi thường trách nhiệm pháp lý của chính mình.

“Cũng từ đó mà việc coi nhẹ quyền lợi của khách hàng và của chính ngân hàng mà họ phục vụ là điều đương nhiên và các động cơ sai phạm được tạo đà nảy nở”, luật sư Trần Minh Hải nói.

Đâu là giải pháp?

Giám đốc ICAEW khu vực ASEAN, Mark Billington nhận định, nếu như không có hệ thống quản trị tốt, nhiều hậu quả tiêu cực sẽ xảy ra. Do vậy, các ngân hàng đa quốc gia đã đặt ra chiến lược rõ ràng, bao gồm 5 điểm chính: có bảng cân đối tài sản lành mạnh; đa dạng hóa rủi ro; minh bạch; quản trị rủi ro rõ ràng; có các biện pháp phòng vệ, có sự tham gia của quản lý trong hoạt động hàng ngày…

Dưới góc độ một luật sư, ông Trần Minh Hải cho rằng, khoan hãy nói về đạo đức nghề nghiệp, khi mà ý thức tuân thủ pháp luật trong hoạt động nghiệp vụ còn chưa được bảo đảm. Do vậy, tiền đề của việc xây dựng môi trường tôn trọng đạo đức nghề nghiệp trong ngành ngân hàng là thượng tôn pháp luật khi thực thi mọi nghiệp vụ. Những buổi tập huấn, đào tạo thường xuyên về pháp luật, nghiệp vụ nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm pháp lý nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên là giải pháp quan trọng bảo đảm yếu tố này được thực thi.

“Thiết lập hệ thống quy tắc chuẩn mực ứng xử nghề nghiệp cho nhiều hành vi nằm ngoài khuôn khổ pháp luật điều chỉnh là giải pháp bổ trợ lâu dài giúp môi trường hoạt động của ngân hàng an toàn hơn. Với một người cán bộ ngân hàng hiểu rõ bản chất nghề nghiệp, thì bên cạnh nỗi lo sợ trách nhiệm pháp lý, còn phải đối mặt với nỗi sợ về uy tín chuyên nghiệp, thương hiệu bản thân, sẽ khiến không ít những hành vi sai trái được ngăn chặn bởi vách chắn là đạo đức nghề nghiệp”, luật sư Trần Minh Hải nêu quan điểm.

Ông Mark Billington phân tích thêm, đặc thù của hoạt động kinh doanh ngân hàng là phải xây dựng được lòng tin với khách hàng. Lòng tin đó chỉ được xây dựng trên cơ sở đạo đức nghề nghiệp của mỗi cán bộ, nhân viên ngân hàng.

Luật sư Trần Minh Hải nhận định, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục duy trì một môi trường pháp lý ngân hàng minh bạch, ổn định, nghiêm minh của ngành. Đây chính là cơ sở căn bản để ngăn ngừa các sai phạm pháp luật và qua đó cũng phòng tránh sai phạm đạo đức kinh doanh trong ngành. Bên cạnh đó, việc thiết lập chuẩn mực ứng xử đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ trên nền tảng tuân thủ pháp luật là vấn đề thuộc về vai trò của các NHTM. Tùy thuộc vào mức độ triển khai thực sự vấn đề này của mỗi ngân hàng, sẽ cho thấy uy tín thương hiệu, chất lượng dịch vụ thực tế của ngân hàng.

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị, từ phía khách hàng, những người hưởng thụ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cũng cần phải biết tiếp nhận lợi ích cá nhân trong khuôn khổ luật pháp cho phép.

“Về tổng thể, rủi ro đạo đức trong hệ thống ngân hàng cần phải gắn liền với việc triệt để bài trừ tham nhũng của quốc gia”, TS. Hiếu nhấn mạnh.      

Tin bài liên quan