Các ngân hàng phải đầu tư công nghệ để cho ra đời sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng

Các ngân hàng phải đầu tư công nghệ để cho ra đời sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng

Rủi ro công nghệ trong cuộc đua ngân hàng bán lẻ

(ĐTCK) Chiến lược đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ đang được hầu hết các ngân hàng thương mại quan tâm thực hiện, song nếu không tiến hành một cách thận trọng sẽ dễ dẫn đến những rủi ro. 

Trong đó, đầu tư công nghệ, điều kiện tất yếu và quan trọng nhất trong quá trình triển khai chiến lược bán lẻ, cần phải được tiến hành bài bản.

Xu thế kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ chủ đạo trong tương lai đến năm 2020 của các ngân hàng chủ yếu vẫn là chi nhánh, phòng giao dịch, nhưng theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cần phải có sự cơ cấu lại, phân bổ hợp lý hơn.

Mặt khác, công nghệ phát triển khiến nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính, ngân hàng dựa trên các sản phẩm công nghệ hiện đại cũng được nâng cao, như tương lai của ATM và POS; dịch vụ kỹ thuật số qua mobile, internet, mạng xã hội… Vì vậy, bài toán đầu tư công nghệ thông tin đối với các nhà băng cần được quan tâm và đặt lên hàng đầu trong công cuộc đẩy mạnh chiến lược ngân hàng bán lẻ.

TS Lực cho rằng, các ngân hàng phải xây dựng và thực thi chiến lược ngân hàng số. Cụ thể, các nhà băng phải ứng dụng công nghệ số trên cơ sở mô hình kinh doanh hiện tại và nâng tầm trong tương lai; xây dựng mới giải pháp tăng giá trị cho khách hàng thông qua công nghệ số. Tuy nhiên, đi kèm với chiến lược đầu tư và tăng trưởng theo công nghệ số này, các nhà băng phải quản lý được rủi ro công nghệ và an toàn thông tin. Bởi công nghệ giúp giảm chi phí, nhưng rủi ro hoạt động có thể tăng. Trong khi đó, năng lực quản trị, điều hành và quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại còn ở mức thấp.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Vietinbank cho biết, thị trường bán lẻ có nhiều phân khúc khách hàng khác nhau nên đòi hỏi ngân hàng phải có sự đầu tư công nghệ để cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng.

Thêm vào đó, việc hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào thị trường quốc tế, cũng như việc có nhiều ngân hàng khu vực tham gia vào thị trường trong nước, với sản phẩm đa dạng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại buộc các ngân hàng nội địa phải có sự đầu tư để thu ngắn hơn nữa khoảng cách giữa ngân hàng và khách hàng. Theo ông Lân, việc quản trị rủi ro công nghệ rất quan trọng nên khi đầu tư về công nghệ còn phải đầu tư giải pháp bảo mật và an toàn thông tin cho khách hàng.

Ông Phạm Gia Dân, Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp của Infobip (đơn vị cung cấp giải pháp tài chính - ngân hàng) cho rằng, để có thể thành công trong chiến lược đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ, cần đẩy mạnh việc phân phối đa kênh. Trong đó, cần đầu tư công nghệ thông tin để giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm tài chính, dịch vụ ngân hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện qua phần mềm công nghệ thông tin hiện đại. Tuy nhiên, việc đầu tư công nghệ giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay không mấy đồng đều khiến rủi ro về bảo mật thông tin vẫn còn hiện hữu, dẫn tới sự e ngại của nhiều khách hàng.

Giám đốc khối bán lẻ Vietcombank ông Huỳnh Song Hào cũng đưa ra nhận định, Việt Nam có dân số trên 90 triệu người, trong đó khoảng 69% lực lượng lao động là giới trẻ, đồng thời thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Đây sẽ là tiền đề mở ra nhiều cơ hội để các ngân hàng có thể triển khai các sản phẩm dịch vụ bán lẻ. Tuy nhiên, theo ông Hào, khó khăn chung hiện nay đối với các ngân hàng trong việc phát triển lĩnh vực bán lẻ là thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, cũng như tâm lý e ngại đến ngân hàng vẫn còn chiếm một tỷ lệ cao. Mặt khác, trước kia, các ngân hàng chủ yếu chú ý đến lĩnh vực bán buôn, trong 5 năm trở lại đây mới đẩy mạnh phát triển bán lẻ, chính vì vậy, vẫn còn tồn tại nhiều điểm yếu đòi hỏi phải được khắc phục trong thời gian tới đây.

 Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, mặc dù có tỷ lệ dân số đông và trẻ, nhưng chỉ có 31% người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình toàn thế giới.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, mặc dù có tỷ lệ dân số đông và trẻ, nhưng chỉ có 31% người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình toàn thế giới. Thực tế này chứng tỏ rằng thị trường Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển với tiềm năng lớn trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ. Do đó, cải thiện trải nghiệm khách hàng là ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển dài lâu của các ngân hàng bán lẻ.

Theo lộ trình đã cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đến năm 2020, mọi rào cản và khác biệt trong ngành ngân hàng giữa các quốc gia trong khu vực sẽ được xóa bỏ, tạo ra một hệ thống ngân hàng AEC hoạt động một cách bình đẳng với ngân hàng sở tại của bất kỳ quốc gia thành viên nào trong khối. Từ đó, cạnh tranh ngân hàng bán lẻ sẽ ngày càng gay gắt hơn, đòi hỏi các ngân hàng thương mại trong nước cần có sự đầu tư về công nghệ và bảo mật thông tin, TS Cấn Văn Lực cho biết.     

Tin bài liên quan