Room tín dụng đã được nới cho mức tăng trưởng cao hơn

Room tín dụng đã được nới cho mức tăng trưởng cao hơn

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận nới room tín dụng cho một loạt ngân hàng, mức tăng trưởng tín dụng cao hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đã sẵn sàng.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank cho biết, Ngân hàng đã được cơ quan quản lý chấp thuận nới room tăng trưởng tín dụng từ 16% lên 18%.

Tương tự, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank chia sẻ, room tăng trưởng tín dụng của nhà băng này đã được tăng lên mức 18%.

Đối với khối các ngân hàng thương mại cổ phần, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, Ngân hàng cũng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận nới room tín dụng từ 14% lên 22%, trong khi VIB được nới room lên 24% từ mức 16%. Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, Ngân hàng cũng được tăng room tín dụng từ 16% lên 20%. 

Thực tế, kể từ đầu năm tới nay, tăng trưởng tín dụng tốt hơn nhiều so với các năm trước nên việc phải nới room cho các ngân hàng cũng là điều dễ hiểu.

Cụ thể, tại khối các ngân hàng có vốn nhà nước: Vietcombank đạt 13,86% so với chỉ tiêu 16%; BIDV đạt 11,4% (chỉ tiêu 18%); VietinBank là 10,2% (chỉ tiêu 16%). Với khối ngân hàng thương mại cổ phần: VIB đạt 15,7% (chỉ tiêu 16%); HDBank tăng gần 18% (chỉ tiêu 20%); MB đạt 14,6% (chỉ tiêu 16%) và VPBank tín dụng tăng trưởng 13,3% (chỉ tiêu 16%). Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 8 đạt gần 12% so với cuối năm 2016.

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng được cấp đầu năm dựa trên cơ sở tính toán của NHNN nhằm phục vụ đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16 - 18% theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Thống đốc NHNN có kế hoạch, lộ trình để làm sao bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21 - 22%.

“Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN đã có cuộc họp với các ngân hàng thương mại để chỉ đạo toàn hệ thống tăng trưởng tín dụng nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ”, lãnh đạo cao cấp của ngân hàng cho biết.

“Lượng vốn phục vụ tăng trưởng tín dụng cao hơn đã sẵn sàng, vấn đề với từng ngân hàng là phải đưa đúng vào các khu vực có hiệu quả, tránh bài học vừa xảy ra là tín dụng dễ dãi khi doanh nghiệp không hấp thụ được khiến nợ xấu tăng vọt”.

Tăng trưởng nhưng phải hiệu quả

Các nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đều ghi nhận rằng, các doanh nghiệp nhà nước hiện đang hấp thụ một lượng tín dụng không cân xứng trong nền kinh tế Việt Nam so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, nghiên cứu thực nghiệm của IMF cũng cho thấy, các doanh nghiệp nhà nước được vay vốn với lãi suất thấp hơn so với các doanh nghiệp tư nhân.

Điều này cho phép các công ty nhà nước yếu tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để tránh tình trạng thu hẹp bảng cân đối kế toán. Trong khi đó, một cuộc khảo sát của WB cho thấy, chỉ có 29% số doanh nghiệp nhỏ (có từ 1 - 20 nhân viên) có hạn mức tín dụng chủ động, trong khi các doanh nghiệp nhà nước và các công ty lớn trong nước có thị phần tín dụng lớn nhất trên thị trường.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia HSBC nhận định: “Việc phân bổ tín dụng sai lệch và giảm bớt đầu tư tư nhân nếu không được kiểm soát có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và tăng nguy cơ nợ xấu trong tương lai”.

Theo một chuyên gia kinh tế, mỗi vấn đề đều có 2 mặt, môi trường thuận lợi là sự ổn định kinh tế vĩ mô đang tạo cơ sở cho phép mở rộng tín dụng, nhưng sự cảnh báo sớm luôn là cần thiết. Báo cáo của các tổ chức tài chính lớn, của các chuyên gia trong ngành cũng đáng tham khảo với các ông chủ nhà băng.

“Đưa đồng vốn vào khu vực hiệu quả với chi phí hợp lý không chỉ bảo toàn vốn vay và tránh nguy cơ nợ xấu, mà còn có tác dụng cho các khu vực kinh tế chưa có hiệu quả tốt thấy rằng, nếu kinh doanh nghiêm túc và tạo được giá trị gia tăng tốt, họ sẽ được tiếp cận tín dụng tốt hơn với chi phí thấp”, vị chuyên gia này cho biết.       

Tin bài liên quan