Rơi giữa vùng xung đột, MH17 khiến vàng tăng giá

Rơi giữa vùng xung đột, MH17 khiến vàng tăng giá

(ĐTCK) Với sự thiếu vắng tiếp diễn của nhu cầu vàng vật chất, các thành viên thị trường vàng có khả năng sẽ chú ý vào các sự kiện địa chính trị vốn có khuynh hướng tạo ra sự biến động, ít nhất là trong ngắn hạn, trên thị trường.

Giá vàng giao tháng 8 đã giảm hôm thứ Sáu tuần trước, chốt tuần ở mức 1.310,90 USD/ounce trên sàn Comex, giảm 2,1 USD/ounce so với cuối tuần trước đó.

Theo khảo sát của Kitco News, trong số 25 thành viên thị trường trả lời, có 11 người đoán giá vàng tăng trong tuần tới, 9 người đoán giá giảm và 5 người đoán giá đi ngang.

Giá vàng đã có những biến động dữ dội trong tuần qua, đầu tiên là giảm mạnh hôm thứ Hai bởi hoạt động chốt lời sau khi giá đạt mức cao nhất kể từ tháng 3 trong tuần trước đó và trước phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ của Chủ tịch Fed Janet Yellen. Giá kim loại quý tăng mạnh hôm thứ Năm sau tin về tai nạn bi thảm của một máy bay thương mại Malaysia ở Ukraine và sự bùng phát trở lại của cuộc xung đột Israel - Hamas. Đến thứ Sáu, vàng lại giảm giật cục về sát trên ngưỡng 1.300 USD/ounce.

Một nhà môi giới vàng ở công ty North American nói rằng, biến động đảo chiều liên tục trong tuần qua cho thấy giá vàng có thể dễ dàng thay đổi thế nào trong một thị trường giao dịch “nông nổi”.

“Thị trường này đang khiến tôi đau đầu. Nó rất bập bềnh”, nhà môi giới trên nói. “Xu hướng chung là điều chỉnh vì không có nhu cầu vàng vật chất, nhưng với những diễn biến ngoại lai mà chúng ta đã thấy, như vụ máy bay rơi ở Ukraine, giá có khả năng vẫn quanh quẩn ở trên ngưỡng 1.300 USD/ounce”.

Có một vài ý kiến trái chiều trên thị trường vàng về cách mà kim loại quý phản ứng với 2 sự kiện xảy ra hôm thứ Năm (vụ máy bay rơi ở Ukraine và xung đột trên Dải Gaza). Một bên là các thành viên thị trường cho rằng, các sự kiện địa chính trị chỉ hỗ trợ nhẹ cho vàng, chủ yếu để làm bệ đỡ cho giá khỏi rớt. Bên khác nói họ bị bất ngờ khi thấy giá vàng không tăng vọt sau hai sự kiện trên.

Vàng các thương hiệu khác SJC giảm mạnh

Tại thị trường trong nước, phản ánh diễn biến giật cục của giá vàng thế giới, giá vàng SJC cũng có biến động tương tự. Cụ thể, giá đã có hai lần giảm mạnh vào đầu các ngày 14 và 16/7, sau dó tăng lại. Tuy nhiên, giá vẫn giảm sau 1 tuần. Chốt tuần, giá vàng thương hiệu quốc gia ở mức 36,74 - 36,86 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước đó. Mức thấp nhất trong tuần là 36,57 - 36,69 triệu đồng/lượng vào đầu ngày 16/7.

Chốt tuần, giá vàng Phượng Hoàng PNJ-DAB của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận ở mức 34,33 - 34,53 triệu đồng/lượng, giảm 470.000 đồng/lượng so với tuần trước đó. Giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu là 33,86 - 34,31 triệu đồng/lượng, giảm 360.000 đồng/lượng so với trước đó 1 tuần.

USD hồi nhẹ nhờ động thái của NHNN

Tuần qua, giá USD đã tăng trở lại trên thị trường ngân hàng sau khi liên tục giảm trong tuần trước đó, xuống cả dưới mức trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng lần gần đây nhất. Sự phục hồi này được cho là nhờ vào động thái can thiệp của NHNN thông qua tăng tỷ giá mua vào tại Sở Giao dịch NHNN hôm 14/7, từ 21.100 đồng/USD lên 21.200 đồng/USD (giá bán giữ nguyên mức 21.400 đồng/USD).

Giá USD do Vietcombank niêm yết tăng 30 đồng/USD trong ngày đầu tuần qua lên 21.180 - 21.230 đồng/USD rồi giữ nguyên mức này thêm 3 ngày sau đó trước khi tăng thêm 15 đồng/USD lên 21.195 - 21.245 đồng/USD vào ngày cuối tuần, 18/7.

Trong khi đó, giá USD trên thị trường tự do hầu như không thay đổi trong tuần qua khi chỉ một lần tăng nhẹ 5 đồng/USD ở giá mua, lên 21.215 đồng/USD. Giá bán giữ nguyên mức 21.230 đồng/USD trong cả tuần và không đổi so với tuần trước đó.

Với các ngoại tệ khác, có 3 đồng tiền giảm giá là CAD với -0,76%; EUR với -0,34% và CHF với -0,29%, còn lại đều tăng. Trong đó, SGD và THB tăng mạnh nhất, lần lượt là 0,29% và 0,28%.

Tin bài liên quan