Nhiều ngân hàng đạt kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2017

Nhiều ngân hàng đạt kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2017

Quý I, bức tranh sáng về hiệu quả ngân hàng

(ĐTCK) Tiếp đà kinh doanh khởi sắc của năm 2016, kết quả kinh doanh trong quý I/2017 của các ngân hàng tiếp tục ghi nhận sự tích cực.

Kết quả quý I/2017: Những con số  ấn tượng

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, quý I/2017, Ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất từ năm 2011 trở lại đây. Cụ thể, tổng tài sản ước đạt 986.500 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm (khoảng 37.800 tỷ đồng); dư nợ tín dụng ước đạt 752.700 tỷ đồng, tăng tăng 5,6% (hơn 40.000 tỷ đồng). So với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả là 16%, thì riêng quý I đã đạt 5,6%.

Tổng nguồn vốn của VietinBank ước đạt 911.000 tỷ đồng, tăng 4,7% (khoảng 40.830 tỷ đồng). So với mức bình quân chung của ngành, mức tăng trưởng của VietinBank là khá lớn. VietinBank tiếp tục duy trì chất lượng tín dụng tốt, với tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng dưới 1%. Lợi nhuận trước thuế trong kỳ tiếp tục có cải thiện so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 2.488 tỷ đồng.

Tại BIDV, ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, tín dụng quý I/2017 tăng trưởng hơn 4%, huy động vốn tăng 3,15% (tương đương cùng kỳ năm trước), lợi nhuận đạt hơn 2.000 tỷ đồng, hoàn thành 27% kế hoạch năm. Được biết, tính đến 31/12/2016, tổng tài sản của BIDV đạt 1.006.404 tỷ đồng

Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần, VIB cho biết, lợi nhuận sau thuế quý I vừa qua đạt 126 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng trưởng ở hầu hết các khoản mục: thu nhập lãi thuần tăng 16%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 31% và thu từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 21%. Sau 3 tháng đầu năm 2017, bảng tổng kết tài sản của VIB đạt gần 106.000 tỷ đồng, tăng 1.400 tỷ đồng, chủ yếu đến từ danh mục tín dụng đang có đà phát triển tốt.

Dư nợ đạt 73.400 tỷ đồng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp), trong đó dư nợ cho vay khách hàng tăng 3.400 tỷ đồng, tương ứng 5,7%. Trong kỳ, VIB đã tăng hơn 4.000 tỷ đồng huy động tiền gửi, bao gồm chứng chỉ tiền gửi. Các khoản mua nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cuối năm 2016 đang có kết quả xử lý tốt, khiến tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,58% cuối năm 2016 xuống còn 2,19% tại thời điểm 31/3/2017. Chi phí dự phòng rủi ro giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.

Sacombank cũng vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017. Theo đó, tính đến 31/3/2017, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 344.000 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Cho vay khách hàng và huy động vốn lần lượt đạt 206.000 tỷ đồng và 306.000 tỷ đồng, tăng tương ứng 3,3% và 3,78% so với con số đầu năm. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế đạt 210 tỷ đồng, tăng tới 30% cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến 31/3/2017, nợ xấu của Sacombank đang là 10.882 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn là 1.552 tỷ đồng, nợ nghi ngờ là 1.929 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn là 6.602 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank là 4,88%, giảm 0,47% so với con số 5,35% của đầu năm 2017.

Tăng trưởng tín dụng khu vực bán lẻ hỗ trợ lợi nhuận ngân hàng

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, Việt Nam là điểm đến rất hấp dẫn của các đầu tư quốc tế tại thời điểm hiện nay. Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017 vẫn ở mức trên 6%, cầu nội địa và xuất khẩu dựa trên sản xuất vẫn trong điều kiện tốt.

“Tiêu dùng tăng hỗ trợ cầu nội địa và dòng vốn đầu tư nước ngoài vững mạnh. Vị thế của Việt Nam so với các nền kinh tế trong khu vực vẫn rất tốt dựa vào tính cạnh tranh về lực lượng lao động, độ mở với thương mại quốc tế, tính ổn định của kinh tế vĩ mô và chính trị. Nếu sản xuất, công nghệ thông tin và bán lẻ đang là “ngôi sao”, chúng ta thấy một lĩnh vực quan trọng là ngân hàng vẫn có thể cải thiện để trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, ngành ngân hàng Việt Nam mở ra cơ hội tiếp cận với số dân hơn 90 triệu người, đứng hàng thứ 13 trên thế giới và thứ 3 tại ASEAN (sau Indonesia và Philippines). Phần lớn của “miếng bánh” này còn chưa được khai thác, khi mới có 30% dân số có tài khoản ngân hàng, một tỷ lệ tương đối thấp nếu so sánh với các nước láng giềng.

Bên cạnh đó, tầng lớp có thu nhập trung bình và cao lại đang gia tăng. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, với xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, hoạt động mở này được hỗ trợ phần lớn bởi hệ thống ngân hàng. Sự hội nhập kinh tế ngày càng tăng sẽ dẫn tới cầu gia tăng với các loại hình sản phẩm ngân hàng ngày càng tinh tế.

“Nhìn chung, tỷ trọng thu nhập từ các hoạt động tín dụng của các ngân hàng Việt chiếm khoảng 70-80% tổng thu nhập và có xu hướng đạt mức lợi nhuận biên cao hơn các ngân hàng trong khu vực. Kỳ vọng trong năm 2017, lợi nhuận của các ngân hàng Việt sẽ được cải thiện. Tăng trưởng tín dụng khu vực bán lẻ và lợi nhuận ổn định từ hoạt động cho vay sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận ngân hàng”, ông Hải nhấn mạnh.

Tình hình sẽ khả quan hơn, nếu…

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, cần xử lý dứt điểm các ngân hàng thương mại yếu kém, tiêu biểu là 3 ngân hàng “0 đồng” hay DongA Bank và Sacombank sau sáp nhập với SouthernBank... Bên cạnh đó, Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 cũng cần được được chính thức thông qua để triển khai thực hiện.

“Thời gian không dài, trong khi khối lượng công việc lại rất lớn với yêu cầu các tổ chức tín dụng, không phân biệt tốt hay yếu kém, đều phải có đề án cơ cấu lại gắn với lộ trình tổng thể của cả hệ thống ngân hàng trong 5 năm tới. Do đó, việc sớm phê duyệt Đề án tổng thể cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng giúp các ngân hàng thương mại chủ động cơ cấu lại, tăng cường quản trị rủi ro, trong bối cảnh tiếp sục mở rộng tín dụng và nâng cao khả năng cạnh tranh của mỗi ngân hàng, cũng như của toàn bộ hệ thống”, TS. Ánh nói.

Đặc biệt, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với một hệ thống kinh tế phụ thuộc lớn vào ngân hàng, thì rõ ràng, ngân hàng có thị trường lớn. Vấn đề là nâng tầm quản lý, nâng cao năng lực quản lý, tìm kiếm những người quản lý thực sự có tầm nhìn toàn cầu, những người này mới thực sự là nhà quản trị ngân hàng…

“Các cơ quan chức năng cần có những động thái hỗ trợ, trước mắt, hãy để các ngân hàng chỉ làm sứ mệnh của hệ thống ngân hàng, đừng giao nhiệm vụ mang tính chất chính trị-xã hội. Nếu có thì đó phải phục vụ lợi ích kinh doanh, phát sinh từ những nhiệm vụ kinh doanh tự nhiên. Chỉ có như vậy hệ thống ngân hàng mới lớn lên được và có như vậy mới có những nhà quản trị ngân hàng xuất hiện…”, ông Cung nhấn mạnh.

Tin bài liên quan