Quản trị ngân hàng: Thiếu sót cốt lõi về phát triển bền vững

Quản trị ngân hàng: Thiếu sót cốt lõi về phát triển bền vững

(ĐTCK) Mặc dù chính phủ các quốc gia trong khu vực ASEAN đã cam kết thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, nhưng để đạt được mục tiêu này, khối ngân hàng của ASEAN cần có nhiều thay đổi cụ thể hơn nữa. 

Báo cáo “Tài chính bền vững khối ASEAN” nghiên cứu 34 ngân hàng thuộc 6 nước ASEAN mới đây cho thấy, cam kết của các chính phủ về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đã không được phản ánh đầy đủ trong thực tiễn, cũng như trong quy định hoạt động của các ngân hàng khối ASEAN.

Theo đó, ngân hàng Việt Nam đang “đội sổ” trong các vấn đề cốt lõi trong quản trị doanh nghiệp và tích hợp yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG – Environmental, Social and Governance). 5 ngân hàng Việt Nam góp mặt trong báo cáo bao gồm: BIDV, Vietcombank, Eximbank, VietinBank và VPBank.

Vấn đề quản trị doanh nghiệp

Không ngân hàng Việt Nam nào có đa số thành viên hội đồng quản trị độc lập hay lập một ủy ban lương thưởng (remuneration committee). Bên cạnh đó, một vấn đề đáng lưu ý khác là tại các ngân hàng khác trong khu vực, việc công bố chính sách thù lao nói chung thường đặt ra điều kiện trả lương cho các hoạt động ngoài công tác quản lý cho thành viên hội đồng quản trị như tư vấn. Tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng cũng chưa chú trọng đưa vấn đề phát triển bền vững vào một trong các điều kiện lương thưởng.

Ngân hàng Việt Nam công bố rõ ràng chính sách trong việc bảo đảm cho các nhà đầu tư sử dụng quyền cổ đông và thực thi có hiệu quả chức năng sở hữu của họ trong công ty mà họ đầu tư.

Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý và các chính sách liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư tổ chức, thị trường chứng khoán và các trung gian khác còn yếu kém. Sự thiếu minh bạch thông tin của ngân hàng Việt Nam, hay các doanh nghiệp niêm yết nói chung, một phần là do chưa có Bộ nguyên tắc quản trị để đưa vào khuôn khổ.

Cả 5 ngân hàng Việt Nam không có nhắc tới ESG hay CSR (Corporate Social Responsibility – trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) trên website. Tuy nhiên, 4 ngân hàng có công bố báo cáo phát triển bền vững.

Chưa xem xét quản lý các rủi ro ESG

Nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách và kế hoạch hành động nhằm lồng ghép và thực hiện các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh, cũng như phát triển bền vững. Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh đến năm 2020.

Theo đó, Quyết định số 403/QĐ-TTg nhấn mạnh rằng, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững.

Đồng thời, thực hiện rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, qua đó thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, các ngân hàng chưa xem xét đầy đủ việc quản lý các rủi ro về môi trường. Điều này góp phần làm suy thoái môi trường như biến đổi khí hậu, gia tăng rủi ro hoạt động cho các ngân hàng và khách hàng của họ về mặt dài hạn.

Phần lớn các ngân hàng thừa nhận rằng, các hoạt động họ đang hỗ trợ tài chính có thể có những tác động tiêu cực về môi trường và xã hội. Tuy nhiên, không có ngân hàng nào công bố việc họ quản lý các rủi ro về khí hậu và phát triển bền vững ra sao trong các hạng mục đầu tư. Các ngân hàng Việt Nam cần phải thay đổi cách quản lý rủi ro ngắn hạn và đưa yếu tố bền vững vào chiến lược và hài hoà hoạt động đầu tư của mình với Thoả thuận Khí hậu Paris và mục tiêu phát triển bền vững.

Điều đáng lo ngại hơn đó là, không ngân hàng nào công bố thông tin về nỗ lực của nhân viên trong các yếu tố ESG hay sự hiện diện của Ban điều hành trong việc điều phối và giám sát các chính sách về môi trường hay xã hội.

Bước đi cần thiết

Đối với Việt Nam, khi hệ thống ngân hàng đã, đang và sẽ tiếp tục là trụ cột của hệ thống tài chính quốc gia thì yêu cầu phải xây dựng và bảo đảm một hệ thống ngân hàng phát triển ổn định cả trong ngắn - trung - dài hạn càng có ý nghĩa quyết định.

Ngân hàng cần phải có hướng dẫn tài chính bền vững cụ thể và hành động khẩn cấp để ngăn chặn những khủng hoảng về môi trường và xã hội có khả năng làm tê liệt sự tăng trưởng kinh tế của khu vực trong tương lai. Ngân hàng cần hoạch định và thực thi những chiến lược cần thiết trong chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, đảm bảo chất lượng tín dụng và các hoạt động cho vay.

Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách về tài chính và thị trường vốn cần phải quan tâm nhiều hơn đến thế hệ tương lai hay hợp tác với các tổ chức xã hội để có những giải pháp trong đó có ý kiến tham gia của các bên liên quan khi đưa ra quyết sách.

ThS Nguyễn Mai Hương, Trung tâm nghiên cứu quản trị công ty, định chế và tổ chức Đại học Quốc gia Singapore   

Báo cáo “Tài chính bền vững khối ASEAN: Giải quyết các vấn đề về Rừng, Sinh cảnh, Khí hậu, Nguồn nước và Xã hội của ASEAN”, được thực hiện bởi WWF và Trung tâm nghiên cứu quản trị công ty, định chế và tổ chức (CGIO), Đại học Quốc gia Singapore.

Báo cáo đánh giá các thông tin công khai của các ngân hàng thuộc 6 quốc gia trong khối ASEAN (Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philipines và Việt Nam) dựa trên một bộ chỉ số đại diện cho các vấn đề cốt lõi trong quản trị doanh nghiệp và tích hợp yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG – Environmental, Social and Governance).

Báo cáo xem xét báo cáo thường niên năm 2016, báo cáo phát triển bền vững hoặc báo cáo trách nhiệm doanh nghiệp xã hội bằng tiếng Anh trên trang web của ngân hàng, trước ngày 30/6/2017.

Tin bài liên quan