Ngân hàng không có chính sách yêu cầu thu phụ phí đối với các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ

Ngân hàng không có chính sách yêu cầu thu phụ phí đối với các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ

Phụ phí vẫn là rào cản cho thanh toán thẻ

(ĐTCK) Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối năm 2015, đã có trên 200.000 POS (điểm chấp nhận thanh toán thẻ), tăng khoảng 18% so với cuối năm 2014. 

Trong đó, phải kể đến Vietcombank với gần 64.680 máy, VietinBank với trên 60.760 máy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng máy vẫn tỷ lệ nghịch với lượng người sử dụng thực và nguyên do không có gì mới…

Chị H.D (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chị có nhu cầu mua một chiếc vali tại cửa hàng trên phố Đinh Tiên Hoàng. Khi thanh toán, chị đề nghị được sử dụng thẻ vì không đủ tiền mặt nhưng chủ cửa hàng thông báo, nếu thanh toán qua thẻ, chị phải trả thêm phụ phí.

Biết rõ quy định khách hàng không phải trả thêm phụ phí, chị H.D trao đổi với cửa hàng và nhận được câu trả lời: “May là thẻ của chị từ Vietcombank, là ngân hàng bên em giao dịch nên không phải mất phí”.

Chị H.D cho biết, sự bực mình vẫn chưa dừng lại khi qua đại lý sữa của một nhãn hàng sữa lớn trên phố Tây Sơn, nhân viên cửa hàng cũng thông báo chị sẽ bị phụ thu phí khi dùng thẻ để thanh toán.

Về nguyên tắc, các ngân hàng không có chính sách yêu cầu thu phụ phí đối với các đơn vị bán hàng hóa dịch vụ. Đây là yêu cầu của NHNN.

“Khi tôi gay gắt hơn, nhân viên ở đây mới rút máy cà thẻ ra nhưng loay hoay một hồi rồi bảo, máy hỏng, chị thông cảm, thanh toán bằng tiền mặt giúp”, chị H.D nói.

Việc thanh toán bằng thẻ của khách hàng không phải là dễ dàng, hoặc sẽ bị các chủ cửa hàng tính thêm phụ phí. Trong khi đó, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có thanh toán điện tử đã được xác lập và tiếp tục hoàn thiện. Việc nâng cao tỷ lệ người dân có thẻ tín dụng và phát triển thanh toán qua điểm chấp nhận thẻ (POS) được chú trọng. Bên cạnh đó, nhiều kế hoạch, chương trình, đề án cấp quốc gia được xây dựng trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng thanh toán điện tử.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang chủ trì Đề án quy hoạch chợ toàn quốc, là cơ sở quan trọng trong công tác hiện đại hóa ngành bán lẻ. Trong đó, việc mở rộng lắp đặt thiết bị POS tại đây sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu sử dụng tiền mặt trong giao dịch, tạo thói quen tiêu dùng văn minh.

“Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 689 ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020, NHNN cùng với Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh phát triển thanh toán thẻ, đặc biệt thanh toán thẻ qua POS”, ông Tuấn Anh nói.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết thêm, các thành viên của Hiệp hội hiện đều tuân thủ quy định không thu phụ phí sử dụng thẻ tại các điểm kinh doanh của mình.

Về vấn đề này, ông Sean Preston, Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia của Visa phân tích, phụ phí là phí (cố định hoặc một tỷ lệ phần trăm của tổng số tiền mua) áp đặt bởi một số nhà bán lẻ và các nhà cung cấp dịch vụ khi khách hàng sử dụng thẻ để thanh toán.

Phụ phí làm cho tổng chi phí người mua hàng phải trả đắt hơn so với nếu trả bằng tiền mặt. Visa không đồng tình với việc thu phụ phí bởi việc này không công bằng khi áp chi phí kinh doanh lên người tiêu dùng chọn thanh toán bằng thẻ, thay vì qua các hình thức thanh toán khác.

Trao đổi với ĐTCK, ông Đào Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietcombank nhấn mạnh, về nguyên tắc, các ngân hàng không có chính sách yêu cầu thu phụ phí đối với các đơn vị bán hàng hóa dịch vụ. Đây là yêu cầu của NHNN. Ông Tuấn cũng thừa nhận, việc bắt khách hàng phải trả phí khi cà thẻ ở nhiều nước trên thế giới tuy có xảy ra nhưng là những trường hợp cá biệt, còn ở Việt Nam, câu chuyện này vẫn lặp lại thường xuyên, chưa giải quyết được dứt điểm.

“Đây là vấn đề tổng thể của xã hội, do nhận thức của một bên mua sắm hàng hóa, dịch vụ và một bên cung cấp dịch vụ. Khi nào nhận thức chưa đồng bộ thì những bất cập đương nhiên vẫn còn xảy ra. Vấn đề đặt ra là, cần nâng cao nhận thức, song song với cơ chế pháp luật để xử lý đối với những hành vi như trên bởi điều này sẽ hạn chế, ngăn chặn việc triển khai các dự án không dùng tiền mặt của Chính phủ”, ông Tuấn nói.

Ông Sean Preston cho biết, Visa làm việc chặt chẽ với các đối tác ngân hàng địa phương, các cửa hàng và NHNN Việt Nam để chủ động ngăn chặn thực tế này xảy ra, cho đến nay đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này. Nhưng, trước mắt, người tiêu dùng có thể không hoàn toàn hiểu được khái niệm về phụ phí, vì vậy, một trong những cách hiệu quả nhất để giúp dập tắt việc thu phụ phí là để người tiêu dùng lên tiếng, kiên quyết loại bỏ phụ phí thông qua việc chọn những cửa hàng cạnh tranh khác.            

Tin bài liên quan