Năm 2015, cuốn sách “Hiểu nghề, giữ nghiệp” của luật sư Trần Minh Hải với 26 bài học pháp lý nghiệp vụ dành cho nghề tín dụng ngân hàng được giới ngân hàng đón nhận nồng nhiệt, bởi đây là cuốn sách đầu tiên đề cập những vấn đề rủi ro pháp lý và kinh nghiệm ứng phó dành cho cán bộ ngành ngân hàng.
Sau đó, cuốn sách “Hiểu nghề, giữ nghiệp” thứ hai của luật sư Hải được xuất bản, với 30 bài học pháp lý nghiệp vụ dành cho nghề giao dịch viên ngân hàng.
Bộ phận nghiệp vụ với rủi ro pháp lý vượt giới hạn quy trình
Nhiều ngân hàng cho rằng, bộ phận giao dịch khách hàng là khâu nghiệp vụ đơn giản mà để quản lý mọi rủi ro thì cứ theo quy trình bình thường của ngân hàng là được. Tuy nhiên, cuốn sách “Hiểu nghề, giữ nghiệp” thứ hai của luật sư Hải cho thấy, có rất nhiều tình huống rủi ro pháp lý gây mất tiền cho ngân hàng phát sinh từ bộ phận nghiệp vụ này. Vấn đề nằm ở chỗ, hầu hết những tình huống rủi ro pháp lý đều nằm ngoài quy trình bình thường của các ngân hàng.
Thực tế, các trường hợp nhân viên ngân hàng gian lận thời gian vừa qua chỉ như sự tái hiện các tình huống đã được mô tả kỹ lưỡng trước đó trong các câu chuyện pháp lý của sách “Hiểu nghề, giữ nghiệp” như: “Khi phải làm sai theo lệnh sếp”, “Lập chứng từ nộp tiền khống - nguy cơ án tù”, “Tự đẩy mình vào nguy cơ trách nhiệm hình sự”... Và rủi ro nhân viên ngân hàng gian lận chỉ là thứ yếu so với hàng loạt rủi ro khác có thể gây mất tiền gửi cho ngân hàng mà cuốn sách chỉ ra.
Có rất nhiều tình huống vụ việc bất thường gây mất an toàn tiền gửi cho ngân hàng đến từ những thủ đoạn phạm pháp bên ngoài. Nhiều cán bộ giao dịch khách hàng của ngân hàng đã “rùng mình” khi nghiên cứu các bài học pháp lý nghiệp vụ được chỉ dẫn từ cuốn sách như “Xử lý bất thường từ giấy tờ tuỳ thân”, “Nguy cơ gặp hạn từ ủy quyền vô hạn”, “Thủ thuật lừa đảo qua chuyển khoản”, “Ứng phó chữ ký giả khi doanh nghiệp mở tài khoản”…
Những bài học nghiệp vụ này cho thấy, các trường hợp giao dịch bất thường, đến từ những thủ đoạn lừa đảo, đều đánh vào nhận thức và kỹ năng yếu trong phòng ngừa rủi ro của bộ phận giao dịch khách hàng. Không một hệ thống quy trình hiện hành nào của ngân hàng kham nổi hướng dẫn xử lý những trường hợp tương tự, mà chỉ có thông tin, nhận thức, kinh nghiệm được phổ biến và tích luỹ mới trở thành chiếc khiên phòng vệ hữu hiệu cho bộ phận giao dịch của ngân hàng.
Mắt xích trọng yếu trong hệ thống nghiệp vụ ngân hàng
Bộ phận giao dịch khách hàng vừa là mắt xích trọng yếu, vừa là mắt xích yếu nhất trong hệ thống ngân hàng. Tại sao vậy? Trước hết, trọng yếu vì tính chất quan trọng của bộ phận nghiệp vụ này. Ngân hàng là hầu bao của nền kinh tế do nắm giữ và quản lý nguồn tiền huy động từ các khách hàng trên thị trường.
Trong nội bộ ngân hàng, bộ phận giao dịch khách hàng lại chính là nơi nắm giữ túi tiền của ngân hàng. Thực tiễn trong ngành ngân hàng đã chứng minh, chỉ cần một vụ việc sai phạm xảy ra tại một bộ phận giao dịch khách hàng nhỏ cũng có thể khiến ngân hàng đó lao đao và ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống các ngân hàng.
Trọng yếu đúng rồi, nhưng tại sao lại là mắt xích yếu? Mặc dù vai trò của bộ phận giao dịch khách hàng rất quan trọng, nhưng thực tế, sự đầu tư của ngân hàng vào yếu tố con người trong bộ phận nghiệp vụ này không nhiều. Thực tiễn tại hầu hết ngân hàng cho thấy, sau quy trình tuyển dụng và phổ biến thao tác nghiệp vụ ban đầu, gần như không có sự đầu tư trang bị kiến thức nghiệp vụ phòng chống rủi ro pháp lý trong giao dịch khách hàng đối với bộ phận giao dịch khách hàng. Trong khi đó, do nắm giữ hầu bao của ngân hàng nên bộ phận nghiệp vụ này là đích nhắm của các loại tội phạm.
Được ví như mặt tiền của ngành ngân hàng, thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, nhưng sự thiếu kiến thức phòng ngừa rủi ro, thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp, thiếu kỹ năng hóa giải, xử lý tình huống là thực trạng chung của phần đông các giao dịch viên ngân hàng.
Có lẽ, đó chính là lý do mà trong phần thư ngỏ tại trang đầu của cuốn sách “Hiểu nghề, giữ nghiệp” thứ hai, tác giả - luật sư Trần Minh Hải đã viết: “Ai đó có thể nghĩ rằng, nghề giao dịch viên ít rủi ro pháp lý, thuần tuý theo quy trình. Tôi cho rằng, người đó sai lầm. Hàng loạt vụ việc, vô số bản án, nhiều số phận bi kịch trong nghề nghiệp đã chứng minh rằng, nghề nghiệp của các bạn đối mặt với rất nhiều rủi ro pháp lý.
Đa phần các rủi ro này nằm ngoài khả năng kiểm soát của quy trình nghiệp vụ ngân hàng. Tôi viết cuốn sách này để chia sẻ với các bạn những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng phòng ngừa rủi ro pháp lý nghiệp vụ”.