Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến: Hoàn thành kế hoạch M&A trước tháng 6/2015

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cũng “nhắc nhở” ngân hàng TP.HCM về tăng trưởng tín dụng và thu hồi nợ xấu.

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến nhắc nhở các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM về xử lý nợ xấu

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến nhắc nhở các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM về xử lý nợ xấu

Phó Thống đốc "nhắc nhở" ngân hàng về tín dụng và nợ xấu

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2015 trên địa bàn TP.HCM diễn ra ngày 26/1, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến đánh giá cao những nỗ lực của hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đối với sự phát triển kinh tế thành phố.  

Cụ thể, TP.HCM là địa bàn hoạt động ngân hàng sôi động nhất cả nước và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hệ thống. Tuy nhiên, 3 năm qua, hệ thống đã duy trì được sự ổn định và phát triển tốt. Các ngân hàng có nhiều cách làm hỗ trợ khó khăn cho DN, đặc biệt là chương trình kết nối ngân hàng– doanh nghiệp có hiệu quả hết sức tích cực và đã được ngành Ngân hàng nhân rộng trong phạm vi cả nước.

Riêng trong năm 2014, tổng số tiền ký kết của chương trình này đã vượt gấp 2 lần so với kế hoạch đề ra từ đầu năm  

Mặc dù vậy, Phó Thống đốc cũng cho rằng, hoạt động ngân hàng trên địa bàn cũng còn một số vấn đề cần được quan tâm triển khai có hiệu quả hơn.

Thứ nhất, tín dụng trên địa bàn năm 2014 tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành và mục tiêu đề ra từ đầu năm của hệ thống ngân hàng trên địa bàn.

Thứ hai, tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao so với mặt bằng chung của ngành.

Thứ ba, thủ tục phát mãi, đấu giá tài sản, thi hành án còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo nợ vay để thu hồi nợ...

Theo số liệu của NHNN TP.HCM, tính đến cuối năm 2014, huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn đạt 1.343.835 tỷ, tăng 14,8%. Dư nợ tín dụng đạt 1.067.837 tỷ, tăng 12,1% so với cuối năm 2013. 

Theo lý giải của NHNN TP.HCM, một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng của TP.HCM chậm so với cả nước là do quy mô tín dụng trên địa bàn đã tăng lên. "Về mặt quy mô, tín dụng trên địa bàn đã đạt trên triệu tỷ, 1% tăng trưởng tín dụng là rất lớn và rất khác biệt so với các năm trước đây. (1% tăng tương ứng mức tăng trên 10.000 tỷ đồng). Vì vậy mức độ tăng tín dụng còn phụ thuộc mức độ tăng của nền kinh tế", báo cáo của đơn vị này viết.

Một nguyên nhân khác dẫn đến tín dụng tăng trưởng thấp hơn mức tăng của toàn hệ thống, theo NHNN TP.HCM là các DN nhỏ và vừa hoạt động còn kém hiệu quả, năng lực quản trị điều hành hạn chế, minh bạch kém, dẫn đến các ngân hàng khó xem xét, thẩm định cho vay.

Về xử lý tài sản bảo đảm nợ vay, cơ quan này cũng cho rằng, đây là khó khăn tồn tại trong nhiều năm qua nhất là đối với việc xử lý tài sản là nhà cửa, đất đai. Mặc dù đã có Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN, song việc xử lý TSBĐ nợ vay vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đối với các khoản vay mà khách hàng không hợp tác, không có thiện chí trả nợ, chây ỳ. Bên cạnh đó thủ tục phát mãi, đấu giá tài sản; thi hành án còn gặp nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian, tốn kém chi phí cho TCTD trong quá trình xử lý TSBĐ nợ vay để thu hồi nợ

Tích cực sáp nhập trước tháng 6/2015, khẩn trương bán nợ cho VAMC

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành tại Tp.HCM ngày 26/1 là vấn đề tái cơ cấu ngân hàng. Liên quan đến vấn đề này, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến chỉ đạo, các tổ chức tín dụng phải triển khai quyết liệt, đúng tiến độ phương án cơ cấu lại giai đoạn 2011-2015 đã được NHNN phê duyệt.

Trong đó tập trung hoàn thành trước tháng 6/2015 kế hoạch hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tín dụng thuộc diện cơ cấu lại trong năm 2015 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện phương án hợp nhất, sáp nhập của từng tổ chức tín dụng, đảm bảo các tổ chức sau hợp nhất, sáp nhập hoạt động ổn định trong 6 tháng cuối năm và trong thời gian tiếp theo.

Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng chỉ đạo NHNN chi nhánh Tp.HCM cần tích cực phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc đang cản trở quá trình xử lý nợ xấu nhằm đạt mục tiêu đưa nợ xấu về mức dưới 3%, nhất là các khó khăn vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm và hoạt động mua bán nợ của VAMC trên thị trường.

Cùng với sự vào cuộc của VAMC, Phó Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng phải triển khai quyết liệt các biện pháp tự xử lý nợ xấu và tích cực bán nợ xấu cho VAMC.

Tin bài liên quan