70% nợ xấu của các NHTM tại TP. HCM tập trung trong lĩnh vực bất động sản

70% nợ xấu của các NHTM tại TP. HCM tập trung trong lĩnh vực bất động sản

Phát mãi tài sản khó hay ngân hàng và người vay chưa muốn “đẩy” hàng?

(ĐTCK) Hơn 70% nợ xấu ngân hàng tập trung ở lĩnh vực bất động sản, do tài sản thế chấp vay vốn của khách hàng chủ yếu là nhà, đất. Vì thế, theo các chuyên gia, để giải quyết được nợ xấu, cần đẩy mạnh phát mãi tài sản.

Nhưng muốn làm được điều này đòi hỏi khung pháp lý rõ ràng và ngân hàng cũng như người đi vay chấp nhận bán lại tài sản với giá thấp.

Trao đổi với ĐTCK, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, ba cấu phần chính của nợ xấu ngân hàng là nợ của các DNNN, nợ có khối tài sản bảo đảm là bất động sản và nợ của các bên liên quan (cổ đông, sân trước, sân sau, người liên quan) của ngân hàng. Tuy nhiên, do thời gian qua giá bất động sản giảm mạnh nên phía ngân hàng cũng không muốn phát mãi tài sản thế chấp. Bởi nếu phát mãi tài sản với mức giá quá thấp so với định giá ban đầu, ngân hàng khó có thể thu hồi được khoản nợ còn lại. Với người vay cũng không thể chấp nhận việc đóng thêm nợ bị thiếu hụt cho ngân hàng.

Tuy nhiên, theo TS. Hiếu, muốn xử lý được nợ xấu, cần có sự hy sinh của cả người cho vay và người đi vay. Còn nếu cứ chần chừ sẽ càng gây khó khăn, giá trị tài sản bảo đảm ngày càng mất giá và phần không thu hồi được trong đống nợ xấu của cả hệ thống gia tăng.

“Chúng ta không biết khi nào bất động sản sẽ phục hồi về giá tại thời điểm thế chấp, trong khi đống nợ xấu vẫn chưa được xử lý. Do đó, cần có chế tài xử lý mạnh, nếu ngân hàng, người vay không xử lý được, cơ quan quản lý phải tạo cơ chế thì mới kỳ vọng giải quyết được nợ xấu”, ông Hiếu nói.

Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, chỉ khi nào thị trường bất động sản ấm lên thì khả năng giải quyết nợ xấu ngân hàng mới được đẩy mạnh. Tuy nhiên, do thị trường đóng băng, muốn phát mãi tài sản thế chấp thu hồi nợ cũng hết sức khó khăn do sức cầu yếu, giá giảm…, đó là chưa nói đến thủ tục phát mãi tài sản quá nhiêu khê và phức tạp khiến cho việc xử lý nợ chậm lại.

Do đó, theo ông Lịch, các tài sản bất động sản thế chấp trước đây giờ đem ra đấu giá thì giá bán cần được điều chỉnh xuống mức thấp mới có người mua. Chẳng hạn, một bất động sản trước đây định giá 100 tỷ đồng thì trong thời điểm này sẽ được định giá lại còn 50 - 60 tỷ đồng, thậm chí thấp hơn mức này thì mới bán được. Nhưng nếu bán với giá quá thấp, chưa hẳn ngân hàng và cả người vay đã muốn bán. Vì nếu khoản vốn thu hồi khi phát mãi tài sản không đủ bù cho khoản nợ vay thì người vay không chịu trả nốt phần còn lại cho ngân hàng. Trong khi đó, nợ xấu của ngân hàng hiện nay chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản, vì tài sản đảm bảo chủ yếu là nhà, đất. Một thống kê gần đây của NHNN Chi nhánh TP. HCM cho thấy, 70% nợ xấu của các NHTM trên địa bàn tập trung trong lĩnh vực bất động sản.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho hay, dư nợ tín dụng bất động sản của các NHTM trên địa bàn tính đến cuối tháng 10/2014 là 130.000 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm, bằng 13% tổng dư nợ trên địa bàn. Trong đó, có cả vốn vay dành cho khách hàng cá nhân, DN, nhưng không tính dư nợ gói 30.000 tỷ đồng.

Hiện các ngân hàng tại TP. HCM đang sử dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ, nhưng giải pháp chủ yếu là sử dụng quỹ dự phòng rủi ro, thu nợ bằng tiền và bán nợ xấu cho VAMC. Còn việc xử lý tài sản đảm bảo nợ vay được xem là không có lối ra. Đánh giá về điều này, TS. Trần Du Lịch cho rằng, mặc dù đã ra sức xử lý, nhưng với tổng số nợ xấu của còn lại khoảng 161.000 tỷ đồng hiện nay vẫn tiềm ẩn rủi ro lớn cho hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, hiếm ở đâu việc xử lý tài sản đảm bảo khó như Việt Nam. Vì thế, theo ông Lịch, cần có những giải pháp mở hơn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua - bán nợ. Chẳng hạn, với những dự án đang xây dựng dở dang, nhưng cạn vốn, có thể cho phép thu hút vốn ngoại để hoàn thành nốt và bán được hàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đối với khối nợ xấu đến từ các dự án bất động sản tồn kho chưa bán được, các ngân hàng nên tìm mọi cách để xử lý, từ việc bán các dự án dang dở cho các ngân hàng khác cho đến bán dự án đã hoàn thành cho các nhà đầu tư. Còn đối với các dự án mang tính xã hội như chung cư bình dân, dự án nhà ở xã hội, theo ông Hiếu, Chính phủ có thể tìm cách giải cứu, cùng với ngân hàng hỗ trợ DN hoàn thiện dự án.

“Với những người đi vay thiếu tiềm lực tài chính và các ngân hàng có lượng tài sản thế chấp là nhà đất quá lớn, nhiều khi phải chấp nhận lỗ cũng bán, chấp nhận thiệt hại nhất định thì mới giải quyết được nợ xấu”, ông Hiếu nói.

Tin bài liên quan