Nhiều dự án bất động sản đã được ngân hàng nhận về như một cách thu hồi nợ

Nhiều dự án bất động sản đã được ngân hàng nhận về như một cách thu hồi nợ

Phải chấp nhận mất một phần nếu muốn xử lý nhanh nợ xấu

(ĐTCK) 6 tháng đầu năm, nợ xấu đã không còn là vấn đề quá thời sự với các ngân hàng. Nhưng đây vẫn là chướng ngại cần vượt qua để hoạt động ngân hàng thực sự được gọi là ổn định.

Xử lý nợ xấu không chỉ là trách nhiệm của nhà băng, mà còn là trách nhiệm của chính doanh nghiệp, những món nợ với ngân hàng cần được xóa khỏi báo cáo tài chính để sản xuất kinh doanh được phục hồi. Nói xử lý nợ xấu là khó cũng đúng, nhưng nói dễ thì cũng không sai.

Với thị trường tiền tệ - tín dụng chưa phát triển ở mức độ phức tạp như Việt Nam thì đa phần khoản nợ xấu đều gắn liền với tài sản thế chấp, mà chủ yếu là bất động sản. Thanh toán những món nợ xấu này, cốt yếu là giá bán bao nhiêu.

Trong 6 tháng đầu năm, thị trường chứng kiến trường hợp của Sudico “bán bớt” quyền sử dụng đất của mình với giá 2.100 tỷ đồng cho 2 ngân hàng (một trong đó là công ty con của ngân hàng). Trong thông báo phát ra thì đây là thương vụ “chuyển nhượng”, nhưng với những gì diễn ra trước đây, cũng có thể hiểu rằng đây là giải pháp “kỹ thuật” để xử lý dứt điểm số nợ của doanh nghiệp tại ngân hàng.

"Muốn giải quyết được nợ đòi hỏi cả ngân hàng và người đi vay hy sinh, cùng chấp nhận mất một phần"

- TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

Chi tiết về giao dịch không được tiết lộ cụ thể, nhưng kết quả là tốt đẹp khi Sudico dù giảm bớt tài sản nhưng đã quay trở lại quỹ đạo kinh doanh, còn các ngân hàng dù không trực tiếp khai thác quỹ đất trên, nhưng thông qua chuyển nhượng dự án (cho công ty con và doanh nghiệp khác) đã thu về nguồn tiền cho hoạt động của mình.

Thị trường trong 6 tháng đầu năm cũng có nhiều thương vụ tương tự, nhưng ít được công bố chính thức. Và đây là một trong nhiều hướng đi mà các ngân hàng đang thực hiện, dù tất nhiên không phải trường hợp nào ngân hàng và doanh nghiệp cũng đàm phán thành công.

Theo chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng, mấu chốt chính nằm ở việc ngân hàng cũng phải chấp nhận “một phần thiệt hại”. Theo vị lãnh đạo này, nhờ sự ấm lên của thị trường bất động sản, cùng với sự quyết liệt và quyết tâm làm sạch tài chính, một vài khoản nợ lớn có tài sản thế chấp bằng dự án đã được Ngân hàng xử lý. Trong số đó, ngân hàng của ông làm chủ tịch đã phải chấp nhận mất đi phần lãi dự thu, một số khoản thậm chí “âm vào gốc”, nhưng phải như vậy thì mới thu được tiền về.

Còn tại SCB, theo Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn, trong 6 tháng đầu năm nay, bằng nhiều biện pháp, SCB đã thu hồi được khoảng 2.000 tỷ đồng nợ xấu. Mục tiêu trong nửa cuối năm, tổng số nợ xấu thu hồi nằm ở mức khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng. Theo ông Văn, trong số nợ xấu được xử lý, nhiều trường hợp “khá khó” bởi tài sản không thuần túy là bất động sản mà là nhà máy sản xuất, chế biến…

Cũng theo lãnh đạo SCB, một trong những lý do tác động tích cực đến việc xử lý nợ xấu trong thời gian qua chính là tình hình kinh tế phần nào khởi sắc, thị trường có dấu hiệu tốt hơn nên việc thu hút được những người mua lại các tài sản đảm bảo cũng nhiều hơn trước. Tuy nhiên, để có thể giải quyết và xử lý nhanh các khoản nợ xấu buộc Ngân hàng giảm lãi dự thu. Nhưng đó là giải pháp tốt nhất để giải quyết được bài toán nợ xấu trong lúc này.

SCB là ngân hàng đã bán lượng nợ xấu lớn cho VAMC trong những năm qua sau thời gian hợp nhất và đẩy mạnh tái cơ cấu, với con số lên trên 15.000 tỷ đồng và kết quả thu hồi nợ cũng tăng trưởng đáng kể, bình quân mức thu hồi nợ đạt khoảng 2.000 - 2.500 tỷ đồng/năm.

Một trong những ngân hàng có nợ xấu “đặc thù” chính là ACB, món nợ liên tục được cổ đông chất vấn chính là khoản nợ của nhóm 6 công ty (G6) liên quan đến bầu Kiên. Kế hoạch của ACB trong năm 2016 là giải quyết ít nhất 1.000 tỷ đồng từ các khoản nợ này, trong đó 200 tỷ đồng đã được ghi nhận dự phòng và ít nhất 100 tỷ đồng đã được thu hồi trong quý I/2016.

Kế hoạch xử lý nợ xấu của ACB không chỉ các khoản nợ trên. Theo ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, việc xử lý nợ xấu dù đã có tốc độ nhanh hơn nhưng vẫn còn nhiều rào cản cần vượt qua. Đặc biệt là khó khăn trong việc tiếp nhận hồ sơ, việc thi hành án sau khi tuyên án của tòa còn nhiều phức tạp, đó là chưa nói đến sự thiếu hợp tác từ phía khách hàng để có thể xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ,... 

Khó với những trường hợp “nâng giá ảo”

Với lượng nợ xấu các ngân hàng bán cho VAMC lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, nhưng với cơ chế “trả lại” ngân hàng sau 5 năm nếu VAMC không xử lý được thì điều đó có nghĩa, nhà băng vẫn là nơi chịu trách nhiệm xử lý nợ chính yếu.

Đây là lý do có nhiều khoản nợ xấu, ngân hàng vẫn giữ lại để tìm cách thu hồi nợ, thay vì bán nợ xấu cho VAMC.

Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, vấn đề khó nhất hiện nay trong xử lý nợ vẫn là xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu. Đây là một vấn đề tồn tại khá phức tạp mà đòi hỏi trước hết, phải có nhìn nhận thực tế và hy sinh trong việc xử lý nợ xấu.

Ông Lịch cho rằng, hiện Chính phủ đang tập trung tháo gỡ những vấn đề mang tính thủ tục về phát mãi tài sản là các bất động sản, quyền của chủ nợ có tài sản thế chấp và một số những giải pháp khác để phát triển thị trường mua - bán nợ. Tuy nhiên, vướng mắc không chỉ trong lĩnh vực pháp luật liên quan đến tín dụng, ngân hàng mà còn liên quan đến luật nhân sự cũng như quy định liên quan đến thủ tục hành chính tư pháp, bán đấu giá bất động sản...

Một vấn đề khác nghiêm trọng hơn đó là tình trạng không ít dự án bất động sản nâng giá trị ảo trước đây khi dùng để thế chấp ngân hàng, trong đó nhiều dự án đã bị truy tố hình sự nên giải quyết bài toán này không thể nhanh được. Những tài sản thế chấp được định giá ảo trước đây, nay đem ra bán có thể khiến ngân hàng thu chỉ được 1/3 số tiền đã cho vay.

“VAMC đã mua lại gần 250.000 tỷ đồng nợ xấu từ các ngân hàng để kéo giảm tỷ lệ nợ xấu của ngành xuống dưới 3% vào cuối năm qua. Đây cũng được xem là nỗ lực lớn đối với ngành ngân hàng. Nhưng thực tế cho thấy, vấn đề nợ xấu không thể dứt được mà chỉ chuyển từ các ngân hàng sang VAMC. Việc xử lý nợ xấu hiện nay mới đi được nửa chặng đường và nửa chặng đường còn lại rất khó khăn. Vấn đề này liên quan đến năng lực tài chính của các doanh nghiệp vay nợ, cũng như liên quan đến tình trạng thị trường, khả năng phục hồi kinh tế…”, ông Lịch nói và cho biết thêm: “Muốn giải quyết được nợ đòi hỏi cả ngân hàng và người đi vay hy sinh, cùng chấp nhận mất một phần, vì giá trị tài sản đảm bảo trước đây được định giá khác, nay thị trường xuống cần phải điều chỉnh mới bán được”.            

Tin bài liên quan