Ở Việt Nam, tín dụng hiện hầu hết là quản lý theo phương pháp “chuyên gia”, dựa trên kinh nghiệm là chính

Ở Việt Nam, tín dụng hiện hầu hết là quản lý theo phương pháp “chuyên gia”, dựa trên kinh nghiệm là chính

Ở Việt Nam, quản lý tín dụng hầu hết theo phương pháp “chuyên gia”, dựa trên kinh nghiệm

(ĐTCK) Trao đổi với Đặc san Toàn cảnh ngân hàng 2016, ông Nguyễn Văn Tuân - Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB) cho rằng, đặc thù của ngành ngân hàng với "hàng hóa" là rủi ro nên giám sát phải trở thành đặc tính cốt lõi, nói cách khác là luôn phải có giám sát chéo trong mọi khâu, mọi quy trình hoạt động. 

Thực tế đối với tiến trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 không phải lần đầu tiên hệ thống ngân hàng “đại phẫu”. Thế nhưng, những bất cập mang tính hệ thống chưa phải đã hết. Vì sao vậy, thưa ông?

Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu nhìn lại những đợt tái cơ cấu trong hệ thống ngân hàng, có thể đề cập đến những thời điểm: đầu tiên là thời kỳ khởi đầu công cuộc đổi mới từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Nhà nước bắt đầu nghiên cứu chuyển từ mô hình ngân hàng 1 cấp sang 2 cấp và việc ra đời Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước 1988 là bước ngoặt quan trọng nhất về thay đổi cơ chế hoạt động của ngành ngân hàng chuyển dần từ bao cấp sang cơ chế thị trường.

Tiếp đó là thời kỳ cuối những năm 1990, sau một thời gian dài tích tụ "ung nhọt" nợ xấu từ thời bao cấp lẫn từ những năm đầu chập chững đổi mới của thị trường, Nhà nước đã chấp nhận nợ xấu là thực tế khách quan và song song với đó là mở ra cơ chế cho phép ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro và bước đầu được xóa nợ nếu có đủ điều kiện. Thời gian này cũng ghi nhận những đổ vỡ về tín dụng trong hệ thống tổ chức tín dụng hợp tác.

Tuy nhiên, có đặc thù thú vị sau thời kỳ này là sự bùng nổ của TTCK những năm đầu thế kỷ 21 đã vô tình vực dậy hệ thống ngân hàng “không tốn một viên đạn”, mà chưa cho nó cơ hội nhìn nhận về những lỗi hệ thống thực sự để đưa ra các chỉnh sửa căn cơ. Và đợt gần đây nhất được triển khai trên cơ sở Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/3/2012.

Kết quả đạt được sau hàng loạt các cuộc tái cơ cấu mới chỉ ở mức duy trì ổn định tương đối, chứ chưa đạt được những thành quả mang tính căn cơ, bởi những tồn tại của hệ thống vẫn đeo đẳng nên chúng ta mới tiếp tục có 3 ngân hàng "0 đồng" thời gian qua.

Nhưng, câu chuyện ở đây là cần sẵn sàng nhìn thẳng vào vấn đề để thấy những tồn tại và thời gian tới liệu có còn những ngân hàng "0 đồng" khác nữa hay không? Đối với những người tâm huyết, chuyên gia trong ngành thì đây thực sự là điều trăn trở.

Ở Việt Nam, quản lý tín dụng hầu hết theo phương pháp “chuyên gia”, dựa trên kinh nghiệm ảnh 1

ông Nguyễn Văn Tuân 

Có thể nói, hệ thống ngân hàng vẫn chưa rút ra được bài học thực sự nào mà đáng nhẽ mỗi lần tái cơ cấu là mỗi lần hệ thống phải “nâng đời” quản trị lên như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đã thực hiện.

Theo đó, sau mỗi lần khủng hoảng, trình độ quản trị hệ thống ngân hàng của các quốc gia này đã lên một mức mới, trong khi ở Việt Nam, điều này vẫn chưa rõ nét.

Nếu đề cập đến câu chuyện “nâng đời” quản trị, thị trường cũng đã được nghe nói đến khá nhiều, còn theo ông, các ngân hàng Việt phải làm thế nào để “nâng đời” quản trị?

Trên bình diện DN nói chung - luôn cần cho mình một mô thức quản trị tiên tiến; về phía Nhà nước - là tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh có sự giám sát, điều tiết đảm bảo phát triển bền vững. Lịch sử phát triển của giới DN qua bao thăng trầm với nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế/tài chính lớn nhỏ… - tự thân nó đã trang bị những bài học cũng như mô hình phát triển phù hợp mà thiết nghĩ không cần nhắc lại.

Sự bùng nổ của TTCK những năm đầu thế kỷ 21 đã vô tình vực dậy hệ thống ngân hàng “không tốn một viên đạn”, mà chưa cho nó cơ hội nhìn nhận về những lỗi hệ thống thực sự để đưa ra các chỉnh sửa căn cơ.

Điểm chung của mô thức quản trị DN (Corporate Governance) đều thúc đẩy, tạo môi trường sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh, giám sát hữu hiệu để phát huy hết khả năng của các nguồn lực hướng tới lợi nhuận. Vậy lợi nhuận bằng mọi giá có là tôn chỉ chung? Ở đây nổi lên tính đặc thù của ngành ngân hàng với hàng hóa là “rủi ro”, nên giám sát trở thành đặc tính cốt lõi - hay nói cách khác, luôn phải có sự giám sát chéo trong mọi khâu, mọi quy trình…

Ở đây không phải là không có định hướng, quy định (các mục tiêu, hành lang pháp lý về cơ bản đã có…) mà vấn đề là thực hiện, hay như gần đây thường đề cập - thượng tôn pháp luật chưa đi vào cuộc sống, giới chủ ngân hàng vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những lợi ích đan xen và cơ quan quản lý cũng như bảo vệ pháp luật chưa thực sự được trao quyền độc lập. Để đảm bảo quản trị được rủi ro trong đặc thù ngành ngân hàng là ngành kinh doanh rủi ro thì càng phải lưu ý, bởi hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn chưa thực hiện được điều này.

Để nói chi tiết hơn về trụ cột quản trị, ông sẽ chia sẻ điều gì?

Hãy thử có cách tiếp cận đơn giản nhất về quản trị ngân hàng. Nội việc quản trị làm sao để cấp tín dụng theo đúng đánh giá/quy chuẩn/xếp hạng tín nhiệm của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) và giám sát để làm đúng như vậy thôi thì chắc cũng không có nợ xấu lớn như hiện nay… Đề cập một cách căn cơ hơn, trụ cột quản trị bao gồm những vấn đề sau:

Thứ nhất, trụ cột về con người với điểm nhấn quan trọng, trong ngân hàng không một cá nhân nào được phép thao túng hoạt động cũng như nhân sự của ngân hàng.

Quản lý nguồn nhân lực nói chung, đạo đức nghề nghiệp trong ngân hàng đã đề cập nhiều. Ở đây, chỉ xin nói về sự “thao túng”. Thông lệ quản trị hiện tại ở ta, đặc biệt là ở các DNNN - thủ trưởng đơn vị/đại diện pháp nhân/ông chủ thường hay phụ trách bộ phận nhân sự - cũng đồng nghĩa với việc quyết toàn bộ nhân sự tổ chức.

Đành rằng, lãnh đạo cao nhất phải có phẩm chất quyết đoán, tầm nhìn chiến lược về nhân sự…, tuy nhiên, việc phân biệt giữa tính trách nhiệm, quyết đoán và trách nhiệm giải trình với hành vi thao túng chắc không phải quá khó khăn. Vả lại, thao túng được nhân sự thì chắc cả quyết định cho vay cũng không bàn đến nữa…

Thứ hai, về trụ cột tài chính. Quản trị tài chính trên cơ sở kế hoạch và phải là kế toán quản trị, chứ không phải đơn thuần là kế toán tài chính, hay thời thượng hơn - là thông tin quản lý (MIS). Một hình dung đơn giản, thống kê báo cáo theo kế toán tài chính chỉ biết là chỗ này, chỗ kia dư nợ cao, chứ không biết nơi đó liệu đã là hiệu quả nhất. Nhưng kế toán quản trị sẽ phản ánh sản phẩm nào, ai bán và ở đâu là hiệu quả nhất, bao gồm cả yếu tố rủi ro để điều tiết và cân đối.

Trụ cột này buộc DN phải làm việc theo kế hoạch - phải có kế hoạch kinh doanh ngắn trung và dài hạn, thậm chí là chạy mô hình tính toán, một khi đã được giao kế hoạch rồi thì cần chủ động với kế hoạch đó.

Kế hoạch hóa về tài chính vừa giao quyền tự chủ, lại vừa có tính giám sát cao (kế hoạch), trong khi mô hình cũ hầu hết đều là trình, mang tính xin xỏ mà hầu như không quản lý được chi phí hiệu quả.

Ở Việt Nam, quản lý tín dụng hầu hết theo phương pháp “chuyên gia”, dựa trên kinh nghiệm ảnh 2

Thứ ba, trụ cột rủi ro. “Hàng hóa” đặc thù này phải quản trị như thế nào, trong khi các quốc gia trên thế giới không những quản trị, mà còn dám dự báo cả rủi ro?

Ví dụ, lấy rủi ro tín dụng cho dễ hình dung. Ở Việt Nam, tín dụng hiện hầu hết là quản lý theo phương pháp “chuyên gia”, dựa trên kinh nghiệm là chính. Chuyên gia giỏi - tự thân chẳng có gì phải phàn nàn. Nhưng hãy lấy ví dụ đã từng trải qua thực tế tại một ngân hàng hàng đầu ở Việt Nam - không ít lần, với cùng một ngành hàng trong cùng một thời điểm, nhưng hai hồ sơ trình ngược hẳn nhau về cách thức đánh giá hiệu quả cho vay từ hai chuyên gia tín dụng ngót nghét mười năm kinh nghiệm trong cùng một bộ phận (!). Đó là chưa kể cấp phê duyệt cuối cùng đều phải là bậc tinh thông, “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”… Trong khi đó, hệ thống ngân hàng trên thế giới đã qua thời kỳ này lâu rồi và nếu kết hợp với “thao túng”, thì hàng tuần chúng ta vẫn được nghe đâu đó có vụ án, có nhân viên ngân hàng hầu tòa…

Ở Việt Nam, tín dụng hiện hầu hết là quản lý theo phương pháp “chuyên gia”, dựa trên kinh nghiệm là chính.

Theo đó, cũng muốn nhấn mạnh lại, hãy đừng coi Basel II và tới đây là Basel III rồi Basel IV là "con ngáo ộp", chính nó tạo cho ta phương pháp luận khoa học để quản trị, dự báo rủi ro hữu hiệu. Một cách dễ hiểu hơn với cho vay, cần thống kê dữ liệu trong quá khứ rồi áp dụng kinh tế lượng để lượng hóa chấm điểm, tính ra xác suất vỡ nợ, xác suất đổ vỡ, thu hồi nợ… rồi kết hợp với các chỉ số ngành nghề/kinh tế vĩ mô, cộng thêm tinh hoa của các kinh nghiệm gia để tạo ra bộ tiêu chí thẩm định/đánh giá cho vay chuẩn (mà CIC đã và đang phát triển).

Tất nhiên, Ngân hàng trung ương cũng phải vào cuộc giám sát, kiểm định mô hình/phương pháp luận này. Đây chính là giám sát/quản lý phòng ngừa (Risk Adjusted), chứ hiện tại, câu chuyện vẫn thường là xảy ra vấn đề rồi mới rút kinh nghiệm hoặc hầu tòa thì khi đó, vai trò là "cảnh sát" chứ không phải là "giám sát" nữa…

Ngân hàng trung ương cần vào cuộc sâu hơn trong giám sát, phòng ngừa rủi ro 

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của các ngân hàng nước ngoài trong việc xử lý vấn đề này như thế nào?

Ở các nước tiên tiến hiện đều đã ứng dụng toán học/kinh tế lượng trong quản trị ngân hàng. Còn nhớ năm 2009, khi Vietcombank được nhận hỗ trợ liên kết kỹ thuật của một tổ chức nước ngoài, đồng nghiệp tôi có hỏi kinh nghiệm về mô hình hội đồng tín dụng, và câu trả lời là “Tổng giám đốc làm Chủ tịch Hội đồng tín dụng thì đó hầu như là quyết định của cá nhân Tổng giám đốc chứ không phải là của hệ thống”. Đồng thời, tổ chức nước ngoài cho biết cũng đã bỏ qua thời kỳ áp dụng mô hình hội đồng tín dụng từ lâu và quyết định cho vay dựa trên các mô hình kinh tế lượng. Còn ở Việt Nam, cho đến giờ, giới chủ ngân hàng dù rất ưa làm tiến sỹ, nhưng chưa tin vào Toán thì phải! Chắc chắn không phải vì tính khoa học, mà do có tính thậm minh bạch chăng?

Với những vấn đề như vậy, ông có khuyến nghị gì với các cơ quan quản lý?

Hoàn thiện mô thức quản trị tiên tiến là câu chuyện dài. Về các chính sách có liên quan như cổ phần hóa DN, hệ thống hóa cơ quan giám sát tài chính quốc gia, các hành lang pháp quy hướng tới Basel II… đều đã có. Theo đó, vấn đề trước mắt là thực hiện cho đúng. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều ý kiến tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra có đề cập đến việc DN ta yếu do không cạnh tranh, không sáng tạo, không dựa trên công nghệ, mà ai cũng thích kinh doanh “cơ chế”.

Đồng thời, đặc thù thậm tệ hại của ngành ngân hàng khi phải xử lý "cục máu đông" nợ xấu/tái cơ cấu là phải bơm tiền mặt (ngân hàng sống trên nợ tiền gửi phải trả lãi), nếu không, sáp nhập có điều kiện là giải pháp duy nhất. Âu cũng là quy luật đương nhiên mà chi phí xã hội phải gánh cho những khiếm khuyết trong quản lý của mình.

Hồng Dung thực hiện

Tin bài liên quan